Nhiều hỗ trợ trong vụ lúa Hè Thu

07:04, 09/04/2013

Ban Quản lý dự án cánh đồng mẫu lớn (CĐML) vụ Hè Thu với mục tiêu xây dựng và củng cố hệ thống nhân giống lúa cấp xác nhận của tỉnh để đảm bảo chỉ tiêu 80% diện tích sản xuất lúa trong tỉnh sử dụng cấp giống này, tiến tới xây dựng các CĐML đạt 2.500- 3.000ha vào năm 2015.

Ban Quản lý dự án cánh đồng mẫu lớn (CĐML) vụ Hè Thu với mục tiêu xây dựng và củng cố hệ thống nhân giống lúa cấp xác nhận của tỉnh để đảm bảo chỉ tiêu 80% diện tích sản xuất lúa trong tỉnh sử dụng cấp giống này, tiến tới xây dựng các CĐML đạt 2.500- 3.000ha vào năm 2015.


Cơ giới hóa là một trong những hợp phần quan trọng được đầu tư tại CĐML trong vụ Hè Thu.

Tiếp tục đầu tư mở rộng

Theo đó, CĐML tiếp tục được xây dựng với quy mô 400ha mỗi huyện. Mục tiêu giúp nông dân sử dụng giống cấp xác nhận và ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP,… đạt 100% diện tích để nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Bên cạnh, tổ chức chứng nhận VietGAP và tái chứng nhận tiêu chuẩn này cho 700ha lúa, tiến tới xây dựng mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Trong vụ Hè Thu này, 2.000ha được hỗ trợ có thu hồi chi phí sản xuất lúa giống cấp xác nhận với định mức hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất là 2,5 triệu đồng mỗi hecta.

Đáng kể nhất là trong vụ lúa này, mô hình công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa” lần đầu tiên được triển khai với quy mô 5ha bờ hoa phục vụ 800ha ruộng lúa tại 3 CĐML gồm: Mỹ Lộc (Tam Bình) 2ha bờ hoa, Tân An Luông (Vũng Liêm) 1,5ha bờ hoa và Tân Long (Mang Thít) 1,5ha bờ hoa. Nông dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí cây giống, phân bón hữu cơ, thuốc cỏ, công trồng, chăm sóc. Các vụ lúa sau, người dân tự lấy giống lại để trồng và tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình.

Dự kiến trong tháng 5/2013, hợp phần hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa sẽ giải ngân kinh phí đợt 2 trên 1 tỷ đồng. Riêng hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng đồng ruộng, trong tháng 4/2013, Ban quản lý dự án trình thẩm định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 3 dự án CĐML, đồng thời thông qua địa phương báo cáo kinh tế kỹ thuật 3 dự án CĐML khác.
 
Bên cạnh, một số hạng mục về kiên cố đập, đê bao, đường cơ giới nội đồng tại CĐML 3 xã Tân Long (Mang Thít), Tân An Luông (Vũng Liêm), Mỹ Lộc (Tam Bình) sẽ được triển khai thi công.

Ngoài ra, Ban quản lý dự án CĐML kết hợp với các địa phương tiếp tục vận động doanh nghiệp đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm tại các CĐML tuy vào khả năng của doanh nghiệp trên cơ sở được sự thỏa thuận và thống nhất của Ban quản lý dự án về đơn giá và quy trình sử dụng vật tư.

Xúc tiến liên kết, tiêu thụ lúa

Ban quản lý dự án tiếp tục vận động doanh nghiệp thu mua lúa tại CĐML, giá thu mua đảm bảo cho nông dân không bị thiệt thòi so với giá thị trường. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Quan lý dự án CĐML, liên kết là khâu khá quan trọng trong CĐML nhưng hiện khâu này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian qua, Ban quản lý dự án đã vận động các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm lúa gạo như Công ty CP Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty CP Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long. Các doanh nghiệp trên cũng đã có bước trao đổi, gặp gỡ với nông dân, chính quyền địa phương xúc tiến việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng đến nay vẫn chưa có hợp đồng tiêu thụ lúa nào được ký kết.

Đại diện Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang- ông Đặng Văn Nam- Trưởng Vùng Vĩnh Long- Trà Vinh, cho biết: Trong vụ lúa Hè Thu này, công ty đã tiến hành ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa với nông dân tại CĐML xã Tân An Luông (Vũng Liêm) và Mỹ Lộc (Tam Bình).

Bên cạnh các hình thức hỗ trợ trước nay, công ty đã cung cấp giống lúa OM 4218 để nông dân sản xuất nhằm đảm bảo sản lượng lúa đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Khi thu hoạch, công ty sẽ tổ chức tiêu thụ lúa cho nông dân. Qua triển khai ký kết hợp đồng hợp tác, đa số nông dân đã đồng tình, tuy nhiên vẫn còn một số hộ đắn đo chưa tham gia sản xuất theo đơn hàng này.

Mặc dù vậy nhưng theo ông Nam, với những hỗ trợ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, tiêu thụ kịp thời, đảm bảo lợi nhuận tăng thêm của lúa, những hộ còn phân vân sẽ có thời gian so sánh lợi nhuận sau vụ sản xuất này, tin rằng những vụ sau sẽ thuyết phục được nông dân trong toàn CĐML sẽ tham gia.


Đánh giá chứng nhận VietGAP cho lúa là đòi hỏi cấp thiết, tạo tiền đề khai thông đầu ra cho lúa.

Nhằm tạo tiền đề lo đầu ra ổn định cho lúa tại CĐML, việc tư vấn xây dựng và đánh giá chứng nhận VietGAP cho sản phẩm là đòi hỏi cấp thiết. Đây cũng là nội dung kế hoạch mà Ban Quản lý dự án CĐML tỉnh triển khai trong vụ lúa Hè Thu này.
 
3 CĐML sẽ được lựa chọn làm mô hình để hướng dẫn tư vấn và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, đánh giá chứng nhận VietGAP là CĐML xã Tân Long (Mang Thít), Tân An Luông (Vũng Liêm), Mỹ Lộc (Tam Bình).

Theo đó, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch hướng dẫn, đánh giá chứng nhận VietGAP tại các CĐML. Ban Quản lý dự án CĐML tỉnh sẽ liên hệ và ký hợp đồng thuê khoán đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đơn vị đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP tại 3 mô hình ở 3 cánh đồng.

Tại buổi sơ kết 2 năm thực hiện dự án CĐML, Ban Quản lý dự án CĐML kiến nghị tỉnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ về quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển đất trồng lúa để ngành nông nghiệp duy trì và mở rộng mô hình CĐML.

Bên cạnh, cần sớm ban hành bộ tiêu chí xây dựng mô hình CĐML để các địa phương áp dụng thống nhất trong chỉ đạo cũng như xây dựng chương trình dự án, kế hoạch phát triển.

Ngoài ra, xin chủ trương của tỉnh về việc hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư máy sạ hàng trong hợp phần hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa của dự án nhằm tạo điều kiện cho việc áp dụng phương pháp sạ hàng, hình thành tổ dịch vụ nông nghiệp (gieo sạ, bón phân, phun thuốc) góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh