Thời sự

Tái cơ cấu để sản xuất bền vững

09:03, 07/03/2013

Dịch bệnh, nguyên liệu thiếu hụt, giá xuất thấp và những rào cản kỹ thuật từ “vụ kiện” chống trợ cấp tôm của Hoa Kỳ… là những khó khăn mà trong năm 2013 ngành thủy sản Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đối mặt.

Dịch bệnh, nguyên liệu thiếu hụt, giá xuất thấp và những rào cản kỹ thuật từ “vụ kiện” chống trợ cấp tôm của Hoa Kỳ… là những khó khăn mà trong năm 2013 ngành thủy sản Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục đối mặt.

Tại hội thảo bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản ở ĐBSCL diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tái cơ cấu ngành thủy sản để phát triển bền vững.


Người nuôi cá tiếp tục thua lỗ do giá cá xuống thấp.

Khó khăn và thuận lợi đan xen

Ông Trương Đình Hòe- Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Có 3 nguyên nhân cơ bản khiến xuất khẩu thủy sản gặp khó là, rào cản kỹ thuật Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; kiện chống trợ cấp đối với thị trường Mỹ; dịch bệnh trên tôm và thiếu vốn sản xuất…
 
Đối với mặt hàng tôm, bắt đầu khan hiếm nguyên liệu do dịch bệnh chưa được khống chế, một số doanh nghiệp đã phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 92 thị trường, với tổng giá trị 2.237 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2011.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám: Khó khăn hiện nay của tôm nước lợ ngoài vốn cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ là dịch bệnh và thị trường; đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và những rào cản kỹ thuật.

Riêng mặt hàng cá tra, trong năm 2012 cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ cuối tháng 3 trở lại đây, giá cá liên tục giảm, có thời điểm còn chỉ 18.000 đ/kg; trong khi giá thức ăn thủy sản đã tăng thêm từ 700- 1.200 đ/kg, người nuôi tiếp tục chịu lỗ từ 2.000- 5.000 đ/kg. Dự báo, trong quý I nguồn cung- cầu nguyên liệu sẽ không thiếu, tuy nhiên, sang quý II dự báo sẽ khan hiếm nguyên liệu.

Liên quan “vụ kiện” chống trợ cấp của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), theo ông Trương Đình Hòe, có thể sau tháng 9/2013 mới có phán quyết cuối cùng. Đây thật sự là một thách thức lớn đối với xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này. Bên cạnh, khó khăn về tín dụng cũng làm cho hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản gặp trở ngại.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chế biến cũng cho rằng, không nên quá bi quan về thị trường xuất khẩu, bởi hiện một số thị trường mới đang mở ra. Chẳng hạn Trung Quốc đang có nhu cầu lớn về tôm và cá tra của Việt Nam , hy vọng xuất khẩu thủy sản năm nay đạt 6,5 tỷ USD.

Ông Trương Đình Hòe cho biết: Ngoài thị trường chính là Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, mặt hàng tôm xuất khẩu sang các nước Châu Á như: Singapore , Philippines , Đài Loan, Trung Quốc có thể tăng vì kinh tế khu vực này ổn định. Thêm vào đó, 2 thị trường nhập khẩu lớn Hàn Quốc và Australia những năm gần đây đều duy trì tăng trưởng cao.

Tái cơ cấu ngành thủy sản

Đó là kiến nghị của nhiều địa phương để ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản một cách bền vững.

Ông Lê Minh Hoan- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bức xúc: Nhiều năm trước đã thấy những bất cập của ngành thủy sản. “Rất nhiều hội nghị bàn và đưa ra giải pháp khắc phục, thế nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đấy. Đã đến lúc chúng ta cần mạnh dạn cơ cấu lại ngành, không thể để khó khăn kéo từ năm này qua năm khác hoài được”.


Cần giải pháp đồng bộ để tái cơ cấu ngành thủy sản.

Còn theo ông Huỳnh Thế Năng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Khó khăn ngành cá tra là sự phá vỡ quy hoạch trong nuôi trồng cũng như chế biến; thiếu liên kết giữa các địa phương, quan hệ lỏng lẻo của quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
 
Vì vậy, theo ông, tái cơ cấu ngành cá tra trước hết cần thực hiện nghiêm quy hoạch cả về diện tích và sản lượng. Đồng thời, cần xác định rõ là lấy hiệu quả chất lượng là chính chứ không nên lấy số lượng. Hiện đa phần lượng xuất khẩu cá tra là thô, rất ít sản phẩm qua chế biến đạt giá trị cao. Như vậy, dù xuất khẩu có tăng lượng bao nhiêu thì chất cũng không cải thiện được nếu không tiến hành cơ cấu.

Thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam

Ngày 2/3, tại An Giang đã diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam . Mục tiêu đến năm 2015, nâng sản lượng cá tra nguyên liệu toàn vùng ĐBSCL đạt khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2,25 tỷ USD. Hiệp hội sẽ tổ chức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người nuôi và doanh nghiệp với nhau nhằm phát triển ngành thủy sản hướng bền vững.

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Năm 2013, chủ trương sẽ không tăng sản lượng và mở rộng diện tích so với năm 2012. Song tùy theo tín hiệu thị trường mà mở rộng quy mô phù hợp để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Một khó khăn lớn trong chế biến và xuất khẩu thủy sản là nguồn vốn vay cho người nuôi và doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, nuôi cá tra hiện nay mất 8- 9 tháng/vụ, trong khi các ngân hàng chỉ cho vay 4 tháng nên không giúp người nuôi giải quyết được khó khăn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Các ngân hàng đảm bảo nguồn vốn phục vụ nuôi trồng và chế biến xuất khẩu. Riêng các địa phương phải bám sát tình hình sản xuất, điều chỉnh lịch thời vụ nuôi hợp lý tránh dịch bệnh. Có biện pháp giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, tăng cường mở rộng thị trường mới.

Năm 2013, dù còn khó nhưng phải nỗ lực cơ cấu lại ngành thủy sản một cách hợp lý để tăng tốc, phát triển bền vững trong những năm tới.

Bài, ảnh: TRUNG THÀNH

 

Xem thêm bình luận