Thời sự

Nâng cao nhận thức trách nhiệm của công dân đối với những công việc hệ trọng của đất nước

04:03, 06/03/2013

Hôm nay (6/3/2013), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Hôm nay (6/3/2013), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về công tác lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tính đến ngày 5/3/2013, có 54 tỉnh thành và 17 bộ ngành đã có báo cáo sơ bộ gởi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Qua thông tin tuyên truyền của báo chí, người dân Vĩnh Long đã nghiên cứu và có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp năm 1992.


Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành đã phát biểu làm rõ thêm tình hình lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cũng như kết quả, vướng mắc, kiến nghị và những việc tiếp theo trong thực hiện công tác này ở các đơn vị, địa phương.

Trong đó, có những kiến nghị sẽ lấy ý kiến trong cộng đồng dân cư, gởi phiếu lấy ý kiến đến từng nhà cho người dân có điều kiện nghiên cứu; việc lấy ý kiến gặp khó khăn do trình độ dân trí không đồng đều; đóng góp những vấn đề còn vướng và tập trung góp ý những vấn đề trọng tâm;…

Tại Vĩnh Long, tính đến đầu tháng 3, các huyện- thị xã- thành phố đã cơ bản tổ chức xong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có 99/107 xã- phường hoàn thành tổ chức lấy ý kiến, đạt 92% theo kế hoạch. Theo đó, đã tổ chức trên 1.360 cuộc với trên 72.400 người tham dự, với trên 2.530 ý kiến đóng góp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Mặc dù thời gian ngắn, khẩn trương, nhưng các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, triển khai tốt chỉ đạo của Trung ương về công tác này.

Đồng chí cũng yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương cần tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia đóng góp gửi về Trung ương đúng thời gian và tiếp tục tiếp nhận, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của nhân dân về vấn đề này.

Đồng thời, các cơ quan truyền thông cần làm tốt hơn vai trò của mình trong việc định hướng thông tin, bác bỏ luận điệu xuyên tạc, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng trong nhân dân, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức trách nhiệm của công dân đối với những công việc hệ trọng của đất nước.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN

Xem thêm bình luận