Tháng 3, cái nắng ở các tỉnh miền Tây rất gay gắt, làm nước bốc hơi nhanh khiến nhiều cánh rừng khô kiệt, nguy cơ cháy đe dọa từng ngày. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương, các chủ rừng… đang căng sức bảo vệ nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp cháy rừng xảy ra.
Tháng 3, cái nắng ở các tỉnh miền Tây rất gay gắt, làm nước bốc hơi nhanh khiến nhiều cánh rừng khô kiệt, nguy cơ cháy đe dọa từng ngày. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương, các chủ rừng… đang căng sức bảo vệ nhằm hạn chế thấp nhất trường hợp cháy rừng xảy ra.
“Bà hỏa” rình rập từng ngày
Vùng Bảy Núi - An Giang những ngày này nắng như đổ lửa, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 35-36oC. Nhiều cánh rừng dọc theo triền núi thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, thị xã Châu Đốc… xơ xác, rũ lá vì nắng nóng.
Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên, lo lắng: “Hơn 5.000ha rừng đồi núi và 1.500ha rừng đồng bằng không còn một giọt nước do ảnh hưởng khô hạn nhiều ngày qua. Nặng nhất là khu vực núi Cấm và núi Phú Cường, tình hình hết sức căng thẳng, nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào do rừng rất khô”.
Tại huyện Tri Tôn, gần 5.600ha rừng cũng bị kiệt nước nhiều ngày qua; lực lượng kiểm lâm đang phối hợp cùng các chủ rừng tăng cường canh giữ, đề phòng nguy cơ cháy ập đến. Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, đầu tháng 2-2013, rừng bắt đầu khô nhưng chưa nghiêm trọng như hiện nay.
Theo khảo sát mới nhất, khoảng 11.000ha rừng trong tỉnh đối mặt nguy cơ cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, cả tháng nay hàng trăm cán bộ kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền địa phương, bộ đội, công an, người dân… bám rừng đề phòng “giặc lửa”.
Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Ảnh: TUẤN PHÁT |
Tại Cà Mau, tình hình đang ở mức hết sức nguy hiểm bởi 33.000ha rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ và các lâm, ngư trường… không còn nước, báo động cháy đang ở cấp 5. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhìn nhận, tháng 3 và tháng 4 được xem là cao điểm của mùa khô do nhiệt độ rất cao, cộng với gió mạnh, rừng khô hanh… khả năng xảy ra cháy rất khó lường.
Vì vậy, lực lượng kiểm lâm đã dốc toàn sức bảo vệ, trang thiết bị chữa cháy sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, khô hạn năm nay diễn ra gay gắt đẩy 30.000ha rừng tràm trong toàn tỉnh vào nguy cơ cháy cấp 5.
Kiểm tra thực tế những khu rừng tràm ở huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng… đều bị kiệt nước. Không chỉ ngành chức năng mà nhiều chủ rừng cũng nơm nớp không yên bởi “bà hỏa” rình rập, không biết tai họa ập đến lúc nào.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, đến thời điểm này có khoảng 14.000ha rừng ở huyện đảo Phú Quốc, Vườn quốc gia U Minh Thượng, huyện Hòn Đất, An Biên… kiệt nước từng ngày, nguy cơ cháy từ cấp 3 đến cấp 5.
Dù tỉnh triển khai nhiều phương án đối phó, nhưng do ảnh hưởng thời tiết bất lợi nên diện tích rừng bị khô kiệt có khả năng tăng thêm trong những ngày tới.
Tại Hậu Giang, vào trung tuần tháng 3 vừa qua, tỉnh cũng vừa nâng dự báo cháy rừng từ cấp 2 lên cấp 3 (cấp cao) do nắng nóng gay gắt, thời tiết khô hạn. Theo dự báo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tháng 3 và đầu tháng 4 là thời gian cao điểm của nắng hạn và khả năng tỉnh sẽ nâng mức dự báo cháy rừng trong tỉnh lên cấp 4 (cấp nguy hiểm) vào cuối tháng 3.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, cho biết: Qua kiểm tra một số khu rừng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, rừng tràm Vị Thủy ở những nơi gò đất cao trong rừng đã bị kiệt nước, xuất hiện khô hạn nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao.
Và mới đây, tại ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp cũng đã xảy ra vụ cháy vườn tạp với diện tích khoảng 5.000m2 của 2 hộ dân. Lực lượng địa phương cùng với kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ mới dập được lửa mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do người dân vào khu vực này nướng cá.
Qua đó cũng cho thấy, tình trạng cháy rừng ở mức báo động do nắng nóng, cũng như từ phía người dân bất cẩn. Để chủ động phòng, chống cháy rừng, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã xây dựng kế hoạch về công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2013 và phân công trách nhiệm các thành viên trong Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực có rừng nâng cao ý thức PCCCR, kiểm soát người ra vào rừng trái phép và thành lập lực lượng quần chúng tham gia chữa cháy rừng. Kiểm tra hệ thống cống, đập điều tiết nước, vét dọn luồng thông kênh, mương đảm bảo lưu thông và trữ nước; thu gom xử lý thực bì dưới chân rừng. Kiểm tra thao tác vận hành các trang thiết bị chữa cháy rừng và huấn luyện, thao dượt đội hình chữa cháy rừng và tổ chức ứng trực cháy rừng.
Còn nhiều lo toan
Chi cục Kiểm lâm các tỉnh thừa nhận, cứ đến mùa khô là rầu thúi ruột bởi nỗi lo cháy rừng xảy ra. Ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, tâm sự: “Cùng với hàng trăm lực lượng kiểm lâm thì phải huy động thêm dân quân tự vệ, bộ đội, 400 người là những chủ rừng; đồng thời thuê 90 người… cùng dốc sức bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm còn ký hợp đồng với 22 xã có rừng, yêu cầu người dân cam kết không tự ý vào rừng nhằm hạn chế khả năng xảy ra cháy.
Các trạm truyền thanh xã, đài truyền thanh huyện, đài phát thanh - truyền hình tỉnh… liên tục thông báo về nguy cơ cháy rừng để cộng đồng cùng ý thức. Mối lo lớn nhất của An Giang là những cánh rừng dọc theo triền núi có nhiều cơ sở thờ tự, am cốc, miếu…
Lúc này lại vào mùa lễ hội vía Bà nên khách hành hương các nơi xa về rất đông. Tình trạng đốt giấy tiền vàng bạc, thắp hương khá phổ biến… thậm chí chỉ cần một người vô tình rơi tàn thuốc thì khả năng cháy rừng có thể ập tới. Đây thật sự là mối lo trong suốt mùa khô”.
Còn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, dù thời gian qua tỉnh và Ban quản lý khu bảo tồn rất nỗ lực triển khai xây dựng khu dân cư tập trung để đưa các hộ dân sống trong khu nghiêm ngặt ra khỏi rừng, nhưng đến nay việc di dời cũng chưa thể hoàn tất.
Theo khu bảo tồn, nỗi lo lắng nhất vào mùa khô là t́nh trạng người dân lén lút vào rừng đốt ong lấy mật nên nguy cơ xảy ra cháy rất lớn.
Ngoài ra, còn rất nhiều hộ dân sống dọc theo các bìa rừng để sản xuất nông nghiệp nên việc đốt đồng vụ lúa Đông xuân đang lúc nắng nóng gay gắt cũng là một điều đáng lo, trường hợp này vào những năm trước cũng đã để xảy ra cháy.
Tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, ông Lê Minh Lành, Phó Giám đốc, cho biết: Hiện trung tâm đã thành lập Ban chỉ huy PCCCR, huy động lực lượng PCCC với toàn thể cán bộ công nhân viên của đơn vị và 8 tổ tự quản, có 246 thành viên; sửa chữa và xây dựng mới 4 tháp canh, cắm bổ sung thêm các biển báo xung quanh các khoảnh có rừng.
Đồng thời, tổ chức dọn cỏ ở các tuyến kênh cho thông thoáng, kiểm tra phương tiện, máy móc phục vụ công tác PCCCR để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, chuyện giữ rừng là nhiệm vụ hàng đầu trong suốt mùa khô; nhất là khi Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar của thế giới vào năm 2012, thì việc bảo vệ càng được quan tâm hơn.
Hiện lực lượng đã được triển khai 24/24, song để giữ bình yên cho vườn quốc gia không hề đơn giản. Cái khó trước mắt là việc đưa nước vào vườn để hạn chế cháy rừng; tuy nhiên việc này có nguy cơ phá đi hệ sinh thái đa dạng sinh học của Tràm Chim.
Bởi ở Vườn quốc gia Tràm Chim không chỉ có rừng tràm mà còn có hàng trăm loài thực vật, đồng cỏ, sen, súng, chim, cá… Thêm vấn đề đau đầu khác là gần 50.000 dân cư sống xung quanh vườn, trong đó có nhiều hộ nghèo, nên việc bảo vệ vườn không để xâm hại là vô cùng khó. 3 năm gần đây vườn quốc gia cũng đã tổ chức mô hình cho khoảng 200 hộ nghèo vào vườn khai thác thủy sản có kiểm soát.
Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm ngàn đồng/ngày, góp phần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc xâm hại Vườn quốc gia Tràm Chim vẫn tiếp diễn, do những hộ khác không được “cấp phép” vào vườn gây ra.
Vấn đề này khiến Ban giám đốc rất khó xử, vì không thể cho đại trà hàng chục ngàn dân vào vườn khai thác được; còn cho người này không cho người khác cũng nảy sinh mâu thuẫn. Theo ông Hùng, cần tính toán hợp lý việc chia sẻ lợi ích từ rừng; giải quyết tốt đời sống của người nghèo xung quanh rừng… Làm được như vậy thì việc giữ rừng và phát triển mới bền vững được.
Theo Hậu Giang Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin