Năm 2009, hệ sinh thái rừng ở Cà Mau chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Giờ đây, người dân nơi Đất Mũi lại thêm một lần nữa phấn khởi vì Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.
Năm 2009, hệ sinh thái rừng ở Cà Mau chính thức được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Giờ đây, người dân nơi Đất Mũi lại thêm một lần nữa phấn khởi vì Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim sống ven biển của Việt Nam và vùng châu Á - Thái Bình Dương. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có hệ sinh thái rất đa dạng, đặc trưng là hệ thực vật rừng ngập mặn như: sú, vẹt, đước, mắm... và các loài động vật quý hiếm.
Mở hướng du lịch sinh thái
Một góc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: THANH DŨNG |
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng Cục Môi trường, nhận định, được công nhận khu Ramsar là một cơ hội tốt cho công tác bảo tồn vùng đất ngập nước ở Mũi Cà Mau. Một khu đất ngập nước được công nhận có tầm quan trọng quốc tế thì cái lợi đầu tiên của khu đó và kể cả của quốc gia cũng sẽ được nâng lên.
Ngoài ra, khi thành khu Ramsar, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia về chuyên môn cũng như cho việc áp dụng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Từ đó, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ có thêm cơ hội nhận được những khoản hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ của Công ước Ramsar và thu hút được sự chú ý của các quỹ bảo tồn và phát triển khác.
Ông Nguyễn Văn Bảo, người đã gần 60 năm gắn bó với vùng rừng ngập mặn Đất Mũi, xúc động, bởi công sức tái tạo rừng hơn 35 năm kể từ ngày bị chất độc da cam/dioxin tàn phá đã được đền đáp. Bao nhiêu năm trồng và bảo vệ đã biến những khu rừng lưa thưa của mấy mươi năm về trước thành những cánh rừng xanh tươi bạt ngàn như hôm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng cho rằng, Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý ở các vùng đất ngập nước còn công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hoá và kinh tế.
Bên cạnh mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái còn mở ra cơ hội thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, nơi nghiên cứu khoa học, vui chơi, giải trí….
Nâng cao trách nhiệm bảo tồn
Song song với những giá trị vật chất và tinh thần mà khu Ramsar có thể mang lại cho người dân Cà Mau thì trách nhiệm giữ đúng Công ước quốc tế càng nặng nề hơn. Nhất là trong điều kiện diện tích khu Ramsar quá rộng, đời sống dân cư trong khu vực là còn nhiều khó khăn.
Mũi Cà Mau là điểm đến không thể bỏ qua của du khách thập phương. |
Đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học cho vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau, theo ông Đặng Hữu Lạc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trước mắt, Sở sẽ phối hợp với Cục Bảo tồn đa dạng sinh học và các đơn vị có liên quan tổ chức lễ công nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện Dự án “Quản lý tổng hợp dải ven biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2012-2016 và định hướng 2020”. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện đề tài khoa học “điều tra nghiên cứu đặc điểm sinh sản, phân bố phát triển của loài nghêu, đề xuất các giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý khu vực ven biển, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau”.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích hơn 41.862 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển; với 93 loài thực vật thuộc 38 họ, 28 loài thú thuộc 13 họ, 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ. Nhiều loài bò sát được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN). Nơi đây có 74 loài chim thuộc 23 họ, trong đó có 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm. Theo kế hoạch, ngày 13/4/2013, lễ nhận bằng chứng nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam được tổ chức tại Khu du lịch Mũi Cà Mau. |
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là 1 trong 3 vùng lõi đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cho biết, ngay từ khi trở thành vườn quốc gia, cán bộ viên chức vườn đã toàn tâm, toàn ý cùng chính quyền địa phương và nhân dân quản lý, bảo vệ và bảo tồn hệ động, thực vật trong vườn, không để mất đi hệ sinh thái đặc thù.
Ngoài ra, vườn còn phối hợp đưa nhiều dự án nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện và bảo tồn những giá trị tự nhiên ở toàn khu vực.
Tuy nhiên, song song với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, việc xây dựng chiến lược nghiên cứu phát triển kinh tế, nhất là đầu tư du lịch sinh thái để qua đó tuyên truyền cũng như quảng bá về những giá trị vô giá từ những hệ sinh thái đặc thù tỉnh Cà Mau là điều cần thiết.
Để mọi người thấy được những giá trị to lớn ấy cùng nhau bảo vệ và phát triển bền vững; để vùng đất Cà Mau luôn là điểm tham quan hấp dẫn đối với tất cả bạn bè trong và ngoài nước./.
Theo Cà Mau Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin