
Nhiều công trình trọng điểm, bức xúc của tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng tại buổi làm việc ngày 20/3/2013 tại trụ sở BCĐ Tây Nam Bộ hôm 20/3/2013, mà theo nhận định của nhiều bộ, ngành Trung ương là rất thiết thực và cấp bách, nếu sớm được xem xét hỗ trợ sẽ góp phần quan
Đường tỉnh 902 nhiều đoạn xuống cấp trầm trọng không đảm bảo lưu thông.
Nhiều công trình trọng điểm, bức xúc của tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Diệp kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xem xét tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng tại buổi làm việc ngày 20/3/2013 tại trụ sở BCĐ Tây Nam Bộ hôm 20/3/2013, mà theo nhận định của nhiều bộ, ngành Trung ương là rất thiết thực và cấp bách, nếu sớm được xem xét hỗ trợ sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương hỗ trợ do nguồn ngân sách địa phương không cân đối được đối với Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long. Do xây dựng từ năm 2003, hiện một số hạng mục công trình đã xuống cấp, nhất là khu điều trị bệnh nhân.
Bên cạnh đó, BVĐK tỉnh thường xuyên bị quá tải do lượng bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông. Quy mô 600 giường nhưng đã thực kê 823 giường nên BV luôn trong tình trạng thiếu phòng điều trị, có khi phải bố trí giường bệnh nhân dọc theo hành lang.
Công suất sử dụng giường bệnh trong những năm gần đây luôn vượt hơn 125%; dây chuyền hoạt động không khoa học do phòng ốc chật hẹp, thiếu thốn, không đủ phương tiện phục vụ, thường xuyên phải cơi nới, lồng ghép; hệ thống hạ tầng kỹ thuật bị xuống cấp, hệ thống nước sinh hoạt thường bị nghẹt ảnh hưởng đến việc điều trị. Đặc biệt, các phòng chức năng phục vụ cũng đã xuống cấp, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Từ những bức xúc trên, tỉnh Vĩnh Long đã lập dự án cải tạo, nâng cấp BVĐK tỉnh tại vị trí cũ với quy mô thiết kế gồm phần xây dựng mới và phần cải tạo nâng cấp với tổng mức đầu tư toàn dự án trên 1.562 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2013- 2015. Tỉnh đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ vốn có mục tiêu từ ngân sách trung ương để đầu tư xây dựng công trình.
Trong khi đó, dự án đường Võ Văn Kiệt (đường 2 Tháng 9 nối dài trước đây) điểm đầu giáp đường Mậu Thân (Phường 3), điểm cuối đến Khu đô thị mới Mỹ Thuận tiếp giáp QL1 (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long). Tổng chiều dài toàn tuyến là 6.876m, chia làm 3 đoạn và 3 cầu. Hiện đoạn 2 của dự án này (từ đường Nguyễn Huệ đến bờ sông Cái Cam) đã hoàn thành.
Riêng đoạn 1 từ đường Mậu Thân đến đường Nguyễn Huệ (dài gần 1.200m, tổng mức đầu tư trên 348 tỷ đồng) và đoạn 3 từ QL53 đến Khu đô thị mới Mỹ Thuận tiếp giáp QL1 (dài 2.250m, tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng) và cầu Cái Cam 2 (tổng mức đầu tư 488,16 tỷ đồng) hiện đã hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ dự án nhưng chưa phê duyệt quyết định đầu tư do nguồn vốn ngân sách địa phương không cân đối được. Do đó, tỉnh đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 348 tỷ đồng để triển khai thi công đoạn 1 của dự án này.
Riêng dự án đê bao sông Măng Thít dài 70km qua địa bàn 4 huyện: Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình và Trà Ôn. Đây là dự án nhằm chủ động tưới tiêu, góp phần giảm tổn thất do lũ lụt, triều cường và xâm nhập mặn.
Tổng mức đầu tư dự án là 297 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP- RCC) là 267 tỷ đồng, vốn địa phương 30 tỷ đồng. Tỉnh đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ, phân khai vốn để tỉnh sớm triển khai dự án.
Dự án Đường tỉnh 902 và Đường tỉnh 907 là 2 dự án trọng điểm của tỉnh rất cần được đầu tư sớm nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh. Tỉnh đề nghị Thủ tướng xem xét cho tỉnh ứng trước kế hoạch vốn năm 2014 để xây dựng 2 dự án này.
Cụ thể, Đường tỉnh 902 có chiều dài toàn tuyến là 31km nối liền từ QL57 qua huyện Long Hồ, Mang Thít, đến QL53 (Vũng Liêm). Đây là tuyến đường huyết mạch góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội dọc theo tuyến sông Cổ Chiên.
Hiện nay do nhu cầu vận chuyển trên tuyến đường này rất lớn nhưng đường chỉ đạt tiêu chuẩn cấp V đồng bằng nên không đảm bảo nhu cầu lưu thông. Dự án được phê duyệt đoạn từ phà Đình Khao (Long Hồ) đến cầu Quới An (Vũng Liêm) dài 23km, quy mô đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; trên tuyến có cầu Quới An xây mới với tổng kinh phí gần 521 tỷ đồng.
Năm 2012, ngân sách trung ương đã hỗ trợ 38 tỷ đồng, tỉnh đã hoàn thành đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng đoạn đường bị hư hỏng nặng nhất. Nay tỉnh trình Thủ tướng cho tạm ứng kế hoạch vốn hỗ trợ có mục tiêu năm 2014 là 50 tỷ đồng để triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công đoạn từ phà Đình Khao (Long Hồ) đến xã Mỹ An (Mang Thít) trong năm 2013 vì hiện nay đoạn này hư hỏng nặng, gây khó khăn cho việc lưu thông.
Riêng Đường tỉnh 907 có chiều dài toàn tuyến là 91km nối liền từ QL54 (Trà Ôn) qua huyện Vũng Liêm đến Đường tỉnh 902 (Mang Thít). Đây cũng là tuyến đường quan trọng trong phát triển kinh tế với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.
Đến nay dự án chỉ được đầu tư xây dựng hoàn thành 14km thuộc huyện Trà Ôn (tổng vốn 81 tỷ đồng). Năm 2012, ngân sách trung ương cũng đã hỗ trợ 41 tỷ đồng để tỉnh giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng phần nền tại 2 đoạn.
Nay, tỉnh đề nghị Trung ương cho tạm ứng kế hoạch vốn năm 2014 là 100 tỷ đồng để triển khai thi công hoàn thành những đoạn trọng yếu, hư hỏng nặng, đang thi công dở dang cần đầu tư cấp bách.
Tại buổi làm việc, tỉnh cũng đã kiến nghị hỗ trợ kinh phí để xây dựng Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh, vì hiện nay cơ sở vật chất của trung tâm đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp trầm trọng, cần phải xây dựng lại để bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị, đồng thời phục vụ các hoạt động, học tập, vui chơi giải trí cho thanh thiếu niên. Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 138,225 tỷ đồng, thời gian xây dựng 2012- 2013.
Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để xây dựng Khu lưu niệm cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/9/1913- 13/9/2013), ước kinh phí đầu tư công trình này khoảng 50 tỷ đồng.
Bên cạnh một số nội dung kiến nghị các công trình trọng điểm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- Đặng Thị Ngọc Thịnh, bổ sung: Năm qua, có hơn 100 doanh nghiệp trong tỉnh rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, chủ yếu các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thủy sản.
Riêng các doanh nghiệp sản xuất gạch gốm, trong tổng số 300 doanh nghiệp thì hiện có trên 50% đã ngừng hoạt động. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn hoặc định hướng chuyển đổi ngành nghề phù hợp, góp phần giải quyết việc làm lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Phong Quang- Phó Ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ cho rằng, những kiến nghị của Vĩnh Long là hoàn toàn thiết thực. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra khá gay gắt không riêng ở Vĩnh Long mà nhiều tỉnh, thành khác ở ĐBSCL. Vì vậy, ông yêu cầu các bộ, ngành cần sớm triển khai thi công các công trình thủy lợi giúp địa phương kịp thời ngăn chặn hạn mặn xâm nhập.
Liên quan lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Cơ sở vật chất y tế các xã- phường của tỉnh Vĩnh Long hiện đạt khá tốt. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng 14 giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ 4 bác sĩ trên 1 vạn dân là quá thấp và nguồn nhân lực yếu kém so với bình quân chung cả nước.
Riêng kiến nghị xây dựng BVĐK tỉnh Vĩnh Long, Thứ trưởng cho là hết sức cần thiết, bởi hiện nay tình trạng trang thiết bị, cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt tầng trệt BV thời điểm tháng 8, tháng 9 không thể sử dụng được do ảnh hưởng triều cường.
Trước những khó khăn của tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất chủ trương cho tỉnh đầu tư xây mới BVĐK tỉnh với quy mô 9 tầng và hoàn thành trước năm 2015.
Việc tiếp tục triển khai thi công dự án đường 2 Tháng 9 nối dài (nay là đường Võ Văn Kiệt), Thủ tướng đánh giá là cần thiết nhưng tỉnh cần phân kỳ thi công để đảm bảo nguồn vốn. Các dự án Đường tỉnh 902, Đường tỉnh 907 và đê bao sông Măng Thít là những công trình cấp thiết, tỉnh cần gấp rút thi công đưa vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đối với công trình Khu lưu niệm cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Thủ tướng cho rằng đây là công trình có ý nghĩa giáo dục cao, vì vậy tỉnh cần sớm lập dự án, nguồn vốn cụ thể để Trung ương xem xét có hướng hỗ trợ kịp thời.
Bài, ảnh: LÊ SƠN- NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin