Chào đón chúng tôi là một cặp rồng vừa mới được công nhận kỷ lục Việt Nam được đặt ngay trước cổng ra vào. Còn xung quanh là rất nhiều cây cảnh đã được tạo dáng độc đáo, nếu không muốn nói là có phần… hoành tráng.
Chào đón chúng tôi là một cặp rồng vừa mới được công nhận kỷ lục Việt Nam được đặt ngay trước cổng ra vào. Còn xung quanh là rất nhiều cây cảnh đã được tạo dáng độc đáo, nếu không muốn nói là có phần… hoành tráng.
Cơn mưa chiều cận tết không thể ngăn sự tò mò của chúng tôi đến với những sản phẩm đang dần tạo nên danh tiếng của một con người.
Theo nghề cây cảnh từ năm 14 tuổi, chỉ mới học hết lớp 8 và từ đó gắn bó cuộc đời mỗi ngày với việc uốn nắn, tạo hình. Loại cây mà anh sử dụng là cây gừa Tàu, có thân dẻo, lá nhỏ nên dễ uốn và đẹp hơn các loại cây cùng họ khác…
Anh Nguyễn đang tỉa cặp ấm trà hy vọng sẽ phá vỡ lỷ lục trước đó. |
Đó là nghệ nhân Nguyễn Hoàng Nguyễn ở ấp Bình Đức (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy- Tiền Giang). Anh Nguyễn vừa tròn 30 tuổi, cái tuổi mà theo anh đang có nhiều sự “thay đổi trong tư duy và định hướng nghề nghiệp”.
Mẹ anh- cô Nguyễn Thị Tiếp bộc bạch: “Thằng Nguyễn nó tiếp xúc với cây cảnh từ nhỏ, có lần nó tự uốn hình con nai, thấy cây rung rung là biết nó đang làm chứ không ai, con nai che mất cái thân bé tí của nó…
Mà nó mê lắm, có khi làm quên ăn, quên ngủ, mấy bữa nay cái chân nó bị đau mà cũng ráng cùng mấy anh thợ uốn cây để kịp giao cho khách hàng. Đó, cặp rồng của nó mới đầu nói chỉ khoảng 30 triệu, rồi từ từ lên 70 triệu. Kết quả là hơn 400 triệu, nếu không mê là nó bỏ rồi”.
Anh Nguyễn cho biết, cặp rồng khổng lồ bằng gáo dừa được anh và các anh em thợ làm ròng rã suốt 5 tháng trời. Có những lúc khó khăn, chi phí phát sinh lên nhiều so với dự kiến nhưng anh em quyết chí, đã làm thì phải làm cho đến cùng.
Kết quả đã được đền đáp vì cặp rồng này đã được công nhận là cặp rồng bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam. Hiện giờ đã có người trả giá 450 triệu đồng mà anh không bán. “Nói vui chứ cặp rồng này còn có ý nghĩa là chào đón đứa con thứ hai của tui sinh trong năm rồng, như một món quà mừng”- anh Nguyễn cười vui.
Không dừng lại ở đó, hiện anh đang chuẩn bị làm hồ sơ để cặp ấm trà bằng cây cảnh của anh có thể phá kỷ lục cặp ấm trà lớn nhất Việt Nam trước đó của một doanh nghiệp sản xuất trà. Anh bảo, hôm trước đi một sự kiện thấy cặp ấm trà đó được công nhận kỷ lục.
Anh Nguyễn với cặp rồng bằng gáo dừa đã đạt kỷ lục Việt Nam. |
Ra về anh quyết tâm làm thử, thế là ra cặp lớn hơn. “Tạo hình cây cảnh theo mẫu đồ vật rất cần sự khéo tay, nhất là trong khâu tạo khung và tạo hình. Nếu không khéo sẽ khiến sản phẩm bị méo mó, thiếu thẩm mỹ và giảm giá trị. Do đó, nếu đã làm thì tui cùng mấy anh em quyết tâm, phải đạt mới chịu”.
Chưa dừng lại ở đó, hiện anh đã hoàn thành cặp cây cảnh “cá hóa rồng” để chào đón năm Quý Tỵ. Anh cho biết, đây là hàng “độc”, khó tạo hình và dễ làm nản chí.
Và cặp “cá hóa rồng” có thể sẽ bất ngờ đạt kỷ lục vì sự độc đáo của mình. |
Cặp cá hóa rồng này cao gần 6m, anh cũng đang làm hồ sơ để có thể được công nhận là cặp cây cảnh “cá hóa rồng” đạt kỷ lục mới. “Bây giờ sản phẩm tạo hình bằng cây cảnh dường như đã quá nhiều người làm, thậm chí đã có những làng nghề tập trung. Do đó, tui quyết định chọn con đường riêng cho mình bằng những sản phẩm mới, khác lạ và có phần hơi… hoành tráng”.
Anh cũng cho biết thêm, mới đây có một Việt kiều Úc đề nghị đặt hàng khung hình để xuất khẩu nhưng anh không đồng ý, lý do mà theo anh là để gìn giữ những sản phẩm độc đáo của nước nhà…
Trong khuôn viên khoảng 1.000m2 đất, không khó để khách tham quan có thể nhìn thấy tất cả các sản phẩm do anh thiết kế, tạo hình. Đó là cặp lục bình cao 7- 8m, kia là cặp rồng dài hơn 30m đang làm dang dở, những căn nhà mát mái lục giác, những cặp hươu, nai hoành tráng, bầu hồ lô lạ mắt,…
Anh cho biết, anh đã chọn được cho mình một nghề có thể nuôi sống gia đình và có phần tạo nên những vinh quang, những cảm xúc chưa từng xuất hiện trong đời. Anh kể lần đi nhận giải thưởng kỷ lục, anh và mẹ còn chưa thể tin nổi là mình có thể làm được việc đó.
Cũng chính lần đó đã làm cho anh càng có thêm động lực để thiết kế các sản phẩm tiếp theo, nung nấu những dự định táo bạo. Anh cho biết: Nếu không có gì cản trở, anh sẽ làm thêm bộ tứ linh bằng gáo dừa, sau đó là bộ bình có in hình nổi tứ linh,… Đó không phải là tham vọng mà “là một niềm vui trong cuộc sống”- anh Nguyễn cho biết.
Nói về con trai mình, chú Nguyễn Văn Năm không giấu vẻ tự hào: Cái thằng, nó nhỏ mà giỏi hơn mình. Lúc trước, toàn làm hươu nai, lục bình, nhà mát nho nhỏ,… này nọ chứ đâu nghĩ là sẽ có những sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến như nó. “Sóng sau xô sóng trước nhưng nếu không có sự đam mê trong tận đáy lòng thì sao có thể làm được”.
Tết Nguyên đán đã sắp đến, tay nghề của anh bước qua tuổi 16, cũng chính là lúc công việc luôn tất bật, mà theo anh là “nay ở Lạng Sơn, Hà Nội, mai lại về Kiên Giang, Cần Thơ”, tuy cực nhưng cũng là lúc anh cảm thấy “sảng khoái” nhất.
Những sản phẩm này sẽ tô thêm vẻ đẹp của những ngôi nhà, nơi làm việc hoặc ở một công viên nào đó, biết đâu có thể làm tinh thần mọi người thoải mái để bắt đầu một năm mới đầy thành công,…
Gia đình anh Nguyễn gốc ở xã Vĩnh Thành (thị trấn Cái Mơn- Bến Tre). Theo anh, nghề tạo hình cây cảnh xuất phát từ gia đình bên ngoại, cũng tại vùng đất này. Một số nghệ nhân cùng nghề nổi tiếng khác ở Bến Tre cũng là bà con dòng họ. Anh Nguyễn cho biết: Anh sẽ cố gắng phát huy sự sáng tạo để tạo thêm nhiều sản phẩm có giá trị, không chỉ có giá trị về vật chất mà còn biến “sản phẩm thành một tác phẩm nghệ thuật sống động”… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin