Ngày 8/2/2013 tới đây, tỉnh Vĩnh Long sẽ công bố Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập TX Bình Minh trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Ngày 8/2/2013 tới đây, tỉnh Vĩnh Long sẽ công bố Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập TX Bình Minh trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Trước buổi lễ trọng đại này của Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Minh nói riêng và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nói chung, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Văn Rùm- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Minh về quá trình phấn đấu của huyện nhà nhằm đưa huyện Bình Minh trở thành thị xã cũng như công tác chuẩn bị cho lễ công bố này.
- Phải nói đó là một chặng đường khá dài và nhiều thử thách. Nó trải qua 3 nhiệm kỳ Đại hội huyện Đảng bộ với gần 15 năm mà toàn bộ bộ máy Đảng, chính quyền cũng như người dân Bình Minh đã phấn đấu liên tục. Cái khó của huyện là tỷ trọng kinh tế nông nghiệp quá lớn, trong khi tiêu chí cơ cấu công nghiệp chưa xứng tầm với đô thị đã là rào cản khiến việc đưa Bình Minh trở thành thị xã mất rất nhiều thời gian.
Nhưng từ khi có Nghị quyết số 5 (27/5/2003) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển TX Vĩnh Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và thị trấn Cái Vồn thành thị xã thì công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm và được lãnh đạo tỉnh dốc sức thực hiện.
Thấy được cái khó của địa phương, tỉnh đã có tờ trình và được Chính phủ chấp thuận cho tách các xã phía Bắc của huyện nơi có thế mạnh về nông nghiệp thành huyện Bình Tân (2007). Mặt khác, huyện cũng đẩy mạnh khuyến công, tập trung xây dựng Khu công nghiệp Bình Minh và cấp phép cho công ty may mặc, dịch vụ có điều kiện phát triển để nâng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Một năm trở lại đây, khi đã được Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Cái Vồn trở thành đô thị loại IV (năm 2010) thì tỉnh đã đầu tư hàng loạt các công trình đô thị như cấp nước sạch nông thôn, xây dựng và đưa vào sử dụng bệnh viện đa khoa quy mô 100 giường, tôn tạo nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ của huyện, làm bờ kè chống sạt lở chợ Bình Minh, nâng cấp mở rộng các trục đường chính, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng, xây dựng mới Trường Trung học Bình Minh, Trường Mẫu giáo Hoa Hồng 2, nâng cấp các cầu trên tuyến Quốc lộ 54, xây dựng công viên cây xanh đô thị, xây dựng đưa vào sử dụng khu hành chính tập trung, xây dựng chỉnh trang các chợ nông thôn...
Với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, đến giờ phút này dáng vóc của một thị xã đã hiện rõ nét trên đường phố thị trấn Cái Vồn cho đến xóm ấp của các xã còn lại.
Một góc TX Bình Minh.
* Công tác tổ chức buổi lễ công bố đã được dự kiến như thế nào thưa ông?
- Chủ trì buổi lễ là UBND tỉnh Vĩnh Long. Lễ khai mạc diễn ra vào tối 8/2 với hơn 4.000 khách mời tham dự, phần lớn là những người con của quê hương Bình Minh đang công tác học tập trên cả nước, một số nhân sĩ trí thức, tôn giáo và những người có công chiến đấu cũng như xây dựng quê hương Bình Minh từ trước đến nay.
Theo đó, sẽ tổ chức một chương trình văn nghệ hoành tráng tại Quảng trường khu hành chánh để phục vụ cho bà con. Chương trình biểu diễn nghệ thuật do Đoàn Văn công Quân khu 9 đảm trách cùng một số nghệ sĩ tên tuổi đến từ TP Hồ Chí Minh. Các tiết mục vọng cổ, trích đoạn cải lương, tấu hài sẽ hứa hẹn mang đến một đêm văn nghệ thuật mãn nhãn. Buổi lễ cũng như chương trình văn nghệ sẽ được Đài Phát Thanh- Truyền hình Vĩnh Long trực tiếp trên THVL vào lúc 20 giờ ngày 8/2.
* Việc công bố Bình Minh trở thành thị xã là mốc son đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân Bình Minh, nhưng sau đó địa phương phải làm gì để TX Bình Minh xứng tầm với kỳ vọng thưa ông?
- Công tác xây dựng các xã nông thôn mới đang được chúng tôi tập trung thực hiện. Huyện chọn 2 xã là Đông Thạnh và Đông Thành làm điểm. Cụ thể huyện đã điều 2 đồng chí trong BCH Huyện ủy về làm Bí thư kiêm Chủ tịch UBND 2 xã này để chỉ đạo làm quyết liệt.
Điều đáng mừng là đến nay xã Đông Thạnh đã đạt 11/19 tiêu chí. Xã Đông Thành đạt 10/19 tiêu chí. Phấn đấu đến năm 2014, xã Đông Thạnh chính thức đạt chuẩn xã nông thôn mới và xã Đông Thành sẽ về đích một năm sau đó.
Phong trào xây dựng xã nông thôn mới đã lan tỏa trong ý thức đại đa số người dân, đó là việc hiến đất làm đường giao thông, hiến đất xây trường học... Người dân đã ý thức hơn trong việc xây dựng môi trường sống xanh-sạch- đẹp.
Hiện như vùng sâu thuộc ấp Hóa Thành (Đông Thành) nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống hàng ngày đã có xe lấy rác về tận ấp này đưa đi xử lý. Bộ mặt nông thôn rất khởi sắc tạo không khí vui tươi cho xóm làng.
Đáng mừng hơn, nông dân đã biết canh tác theo lối kinh doanh hàng hóa, ngoài bưởi Năm Roi, thanh trà là 2 cây chủ lực của Đông Thành đang phát huy thế mạnh thì cây mận da xanh, cây vú sữa bơ đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Đông Thạnh trong 2 năm trở lại đây.
Nhân đây, trước thềm năm mới và không khí háo hức chờ đón giờ G, giờ mà huyện nhà chính thức trở thành thị xã, cho phép tôi thay mặt Đảng bộ và chính quyền huyện Bình Minh một lần nữa ghi ơn những Anh hùng liệt sĩ, những người có công xây dựng quê hương Bình Minh.
Kính chúc các đồng chí cách mạng lão thành, gia đình có công với cách mạng và bà con năm mới có nhiều niềm vui và hạnh phúc. Kỳ vọng truyền thống tốt đẹp đó sẽ được tiếp tục phát huy để xây dựng TX Bình Minh ngày càng thêm giàu đẹp, trở thành điểm du lịch xanh cho du khách gần xa.
Xin chân thành cảm ơn ông!
TX Bình Minh có phường Cái Vồn trên cơ sở điều chỉnh 175,53ha diện tích tự nhiên, 14.523 nhân khẩu của thị trấn Cái Vồn và 43,62ha diện tích tự nhiên, 3.852 nhân khẩu của xã Thuận An; phường Thành Phước thuộc trên cơ sở 359,93ha diện tích tự nhiên và 13.703 nhân khẩu còn lại của thị trấn Cái Vồn; phường Đông Thuận trên cơ sở điều chỉnh 394,16ha diện tích tự nhiên và 8.729 nhân khẩu của xã Đông Bình.
Như vậy, từ nay tỉnh Vĩnh Long có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: TP Vĩnh Long, TX Bình Minh và 6 huyện: Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn và Bình Tân. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin