Năm Thìn đi qua…

06:02, 08/02/2013

Một năm Nhâm Thìn đi qua với những diễn biến bất thường của thiên tai và cả “nhân tai”. Tất cả như để chứng minh cho câu nói mà dân gian thường nhắc: Năm Thìn bão lụt!

Một năm Nhâm Thìn đi qua với những diễn biến bất thường của thiên tai và cả “nhân tai”. Tất cả như để chứng minh cho câu nói mà dân gian thường nhắc: Năm Thìn bão lụt!

Năm của lốc xoáy

Năm Nhâm Thìn mở màn bằng cơn bão số 1 (tên quốc tế là Pakhar). Theo các chuyên gia khí tượng, trong vòng 40 năm qua, đây là cơn bão bất thường nhất ở thời điểm cũng như khu vực hình thành. Bởi thông thường bão chỉ xuất hiện sau tháng 4.

Tuy nhiên, cơn bão này lại hình thành trước tháng 4 ngay trên khu vực gần quần đảo Trường Sa và có ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Nam.

Trong khi đó, các cơn bão đầu mùa thường hình thành ở ngoài khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương hoặc xung quanh khu vực Philippines. Quy luật hình thành và hoạt động bão sẽ dịch dần từ Bắc vào Nam, các tháng cuối mùa bão (tháng 11, 12) mới có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, bão số 1 năm 2012 là một cơn bão sớm (cuối tháng 3) và đặc biệt bởi cường độ mạnh (cấp 8, cấp 9) và ảnh hưởng tới các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ ngay từ những ngày đầu mùa bão.

Lực lượng tại chỗ giúp dân khắc phục hậu quả lốc xoáy.

Vĩnh Long cũng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1. Lốc xoáy đã làm sập, tốc mái 321 căn nhà ở 15 xã thuộc 3 huyện trong tỉnh, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, gió lốc còn làm gãy, ngã 10 trụ điện, hư hại 1,8ha rau màu, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Mùa mưa, bão, lũ năm nay các tỉnh đồng bằng dễ thở hơn, không phải oằn mình chống lũ như năm trước, nhưng thay vào đó những trận cuồng phong bất ngờ đã làm cho cả đồng bằng hoang mang.

Khoảng đầu tháng 8, liên tiếp các trận lốc xoáy quét qua các tỉnh miền Tây như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre và Vĩnh Long khiến hàng ngàn căn nhà sập, tốc mái, thiệt hại hàng chục tỷ đồng cùng nhiều trường hợp thương vong. Lốc xoáy đã thật sự là nỗi ám ảnh của người dân.

Riêng tại Vĩnh Long, 2 trận lốc xoáy liên tiếp xảy ra tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Bình Minh, Mang Thít làm khoảng 295 căn nhà bị sập, tốc mái, thiệt hại trên 6 tỷ đồng.

Qua ghi nhận thực tế tại những điểm nóng xảy ra lốc xoáy, hầu hết người dân đều tỏ ra bất ngờ trước những trận cuồng phong. Bởi lốc xoáy diễn ra chỉ trong tích tắc khiến họ không kịp trở tay. Nhà cửa không đủ sức chống chọi với lốc xoáy và mặc tình để gió cuốn đi.

“Bão” tin đồn cũng qua

Cách đây không lâu, tin đồn ăn bưởi bị ung thư làm nhà vườn trồng bưởi ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long,… điêu đứng. Giá bưởi giảm chỉ còn 1.500- 2.000 đ/kg, thậm chí bưởi chín rụng đầy vườn nhưng thương lái không mua vì người tiêu dùng hoang mang.

Để ổn định dư luận và ngăn chặn tổn hại, cơ quan chức năng đã tốn nhiều công sức, phản bác, làm rõ, thậm chí xử lý người và đơn vị phát tán tin.

Trường hợp tin đồn thất thiệt về cá nuôi bị nhiễm Trifluralin vào tháng 4/2012 đã làm làng bè của Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long lâm vào cảnh khó khăn.

Không dừng lại ở đó, nhiều tin đồn thất thiệt khác như ăn hạt dưa, trứng, ăn cá rô đầu vuông bị ung thư,… đã làm nhiều người tiêu dùng quay lưng với các loại thực phẩm này.

Vĩnh Long cũng chịu ảnh hưởng bởi “cơn bão” tin đồn cá điêu hồng bị nhiễm chất cấm Trifluralin. Mặc dù qua kết quả lấy mẫu kiểm tra, cá điêu hồng đã được giải oan và tăng giá trở lại.

Nhưng họa vô đơn chí, con cá điêu hồng tiếp tục hứng chịu tin đồn thất thiệt ăn cá điêu hồng bị bệnh. Giá cá điêu hồng lại tuột dốc, người nuôi cá thiệt hại nặng. Mặc dù chỉ là tin đồn vô căn cứ nhưng đã làm cho các làng bè nuôi cá điêu hồng ở ĐBSCL một phen điêu đứng.

Từ nhiều năm qua, nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được ngành chuyên môn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.

Các bè nuôi cá điêu hồng được lấy mẫu định kỳ để kiểm tra hóa chất, kháng sinh cấm dùng theo quy định. Do đó, thông tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm Trifluralin và ăn cá điêu hồng bị bệnh là thiếu cơ sở.

Cam sành Tam Bình từng bị vu oan là cam Trung Quốc.

Gần đây nhất, cam sành Tam Bình lại bị vu oan là cam Trung Quốc khiến cho người tiêu dùng hoang mang, từ đó giá cam bị sụt giảm mạnh. Trong khi đó, cam sành Trung Quốc không thể so sánh với cam sành Tam Bình về chất lượng và 2 loại cam này cũng không hề có một đặc điểm nào giống nhau về hình dáng, màu sắc cũng như hương vị.

Cam sành là loại cây ăn trái đặc sản của vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long, được người tiêu dùng ưa thích nên tiêu thụ rất mạnh và được trồng thành những vùng chuyên canh, có thương hiệu rành rành: “cam sành Tam Bình”. Cho nên, việc đồn đoán thiếu căn cứ như trên thật đáng lên án.

Năm Nhâm Thìn kết thúc bằng loạt tin đồn ngày tận thế 21/12/2012, theo lời “sấm truyền” của người Maya. Dù các nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã khẳng định bằng rất nhiều lập luận, giải thích về chuỗi giả thuyết dẫn tới ngày 21/12 là không hề có, nhưng người ta vẫn cứ đồn. Và rồi tin đồn cũng chỉ là tin đồn…

Cho dù “thiên tai” hay “nhân tai” có khắc nghiệt đến đâu, người dân đồng bằng vẫn vững chí vượt qua, để rồi những mùa giông tố qua đi, những lời đồn thất thiệt cũng sẽ nhanh chóng bị dập tắt. Và, một mùa xuân ấm áp lại về, lại thấy những ánh mắt rạng ngời, tay bắt mặt mừng chúc nhau một năm thêm nhiều thắng lợi.

Bài, ảnh: THANH LIÊM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh