Bà con xứ cù lao đón một cái tết an toàn, trong không khí đầm ấm miệt vườn, đã giảm đáng kể tệ nạn cờ bạc. Những ngày qua, giá cả trái cây “dậy” (lên giá) sớm hơn mọi năm. Hy vọng năm mới, bà con nông dân gặp nhiều thuận lợi.
Bà con xứ cù lao đón một cái tết an toàn, trong không khí đầm ấm miệt vườn, đã giảm đáng kể tệ nạn cờ bạc. Những ngày qua, giá cả trái cây “dậy” (lên giá) sớm hơn mọi năm. Hy vọng năm mới, bà con nông dân gặp nhiều thuận lợi.
Chú Năm Hậu (trái) phấn khởi trò chuyện cùng lái buôn Tám Thiêm trong vườn chôm chôm nhà mình.
Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh- Nguyễn Thái Hòa phấn khởi: Trong mấy ngày tết vừa qua, toàn xã không có tai nạn giao thông nào. Cũng không còn những tụ điểm cờ bạc như đánh bài, đá gà. Đối với lãnh đạo địa phương, để nhà nhà được vui xuân an toàn, tiết kiệm như thế còn đáng mừng vui hơn… tết.
Cũng không riêng gì ở xã Hòa Ninh. Vào những ngày trước tết, lãnh đạo các xã đã có kế hoạch tuyên truyền vận động, nắm các đối tượng cần lưu ý, bắt buộc làm cam kết không tham gia, không tổ chức cờ bạc dưới mọi hình thức.
Mọi người dân cũng hiểu rằng, sự cam kết này trước hết là có lợi cho chính bản thân, gia đình mình, đồng thời góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Bởi đi cùng với cờ bạc, bao giờ cũng là cảnh gia đình xào xáo, túng bấn, nảy sinh thêm tệ nạn trộm cắp… Nhiều đối tượng có “bề dày” cờ bạc đã mạnh dạn tuyên bố từ bỏ, để gia đình cùng nhau ăn tết đầm ấm.
Ông Nguyễn Thái Hòa còn cho biết, những bà con buôn bán ở chợ xã trong những ngày giáp tết cũng có được niềm vui mua bán thuận lợi. Giá thịt heo từ 26 tháng Chạp đã nhích lên chút đỉnh, đến ngày 27- 28 mọi người xếp hàng chờ… mua thịt. Nhưng với giá thịt bình quân 70.000 đ/kg buổi sáng, còn buổi trưa và chiều thì chỉ 50.000- 60.000 đ/kg- khá rẻ so với bên chợ lớn Vĩnh Long, nên có những người bên thành phố đã nhờ người bên cù lao mua thịt heo dùm, cũng tiết kiệm được phần nào.
Ngược lại, giá bông ở chợ quê lại được giá hơn bên chợ hoa xuân Vĩnh Long. Có nhiều nhà vườn sau những ngày đầu đem hoa sang chợ hoa Vĩnh Long bán, đã chở ngược trở về quê. Nguyên nhân là do không cạnh tranh được với lượng hoa lớn, lại phong phú chủng loại từ làng hoa Tân Quy Đông (Sa Đéc- Đồng Tháp).
Còn đối với bà con nông thôn, dù một chậu hoa có đắt hơn 5.000- 7.000đ thì vẫn tiện lợi vì gần nhà, không mất công chuyên chở. Dưa hấu cũng bán chạy và được giá ở chợ cù lao. Mặc dù trước đó có phần nào bị ảnh hưởng tin đồn không hay về dưa hấu ở bên Phú Phụng (Bến Tre), nhưng càng cận tết giá dưa hấu càng nhích lên, do nhu cầu và lượng dưa về chợ năm nay có ít hơn mọi năm.
Song niềm vui lớn nhất của nhà vườn là trái cây đang có giá. Trái nhãn lao đao vì chổi rồng, nhưng giá lại khá cao, nên đối với những nhà vườn có diện tích ít, có thể làm cây, xịt thuốc tốt sẽ đạt được hiệu quả cao. Đặc biệt, chôm chôm năm nay vừa trúng mùa, lại “dậy” giá (lên giá) sớm hơn mọi năm. Trong tết là khoảng 16.000- 17.000 đ/kg, hiện nay giá đã trên 20.000 đ/kg.
Tại vườn chôm chôm chú Năm Hậu (ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước), 7 công vườn treo trái oằn nhánh, cầm chắc trên 10 tấn trái, “lái” đã chịu giá 21.500 đ/kg. Anh Tám Thiêm- một lái buôn quen thuộc của nhà vườn ở 4 xã cù lao cho rằng: Năm ngoái vào tháng 2 âm lịch, chôm chôm mới bắt đầu lên giá, nhưng năm nay ngay trong mùng giá chôm chôm đã nhích lên khá cao.
Anh Tám Thiêm thu gom trái cây trực tiếp với các nhà vườn ở Bến Tre, Vĩnh Long. Còn người anh ruột thì đánh hàng trực tiếp qua tận Trung Quốc. Theo anh dự đoán, chôm chôm năm nay sẽ không thể thấp hơn “đỉnh” giá của năm rồi là 28.000 đ/kg.
Anh Tám Dậy, cũng là một lái buôn chôm chôm đang trúng đậm do “mua lá” 8 công chôm chôm ở Đồng Phú hồi tháng Chạp mà nhà vườn chịu giá chỉ 15.500 đ/kg. Nhiều nhà vườn ở cù lao vì “né” chổi rồng nên đã đốn nhãn chuyển sang trái chôm chôm, cho… “ăn chắc mặc bền”. Vì vậy, chắc chắn rằng trong vài năm tới diện tích chôm chôm sẽ tăng lên ở 4 xã cù lao.
Bà con làng mai Phước Định 1 đang lặt trái để dưỡng cây mai sau tết.
Ghé lại làng mai vàng Phước Định, nghệ nhân trẻ Lê Tâm Phúc cho biết, lượng mai tết năm nay bán được khoảng 50% của năm rồi. Có thể do tình hình kinh tế khó khăn, nên người mua trở nên dè xẻn.
Tuy nhiên, anh Phúc vẫn có những thân chủ ruột, nên năm nào cũng “ra” được hàng nhỏ nhỏ, giá trong khoảng 15- 20 triệu đồng/cây. “Có những khách hàng tin tưởng tới mức, mua mai mà không cần qua xem cây, cứ giao hẹn trước đến ngày rồi cho xe chuyển đến nhà hoặc công ty. Sau tết thì qua chở về chịu trách nhiệm chăm sóc luôn, đến tết năm sau”.
Năm trước, làng mai còn bán được một số cây giá “hàng trăm”, năm nay cây mai được giá nhất chỉ có 50 triệu đồng. Nhưng mọi người đều tin rằng, qua năm nhuần khó khăn, sang năm con rắn chắc chắn công việc làm ăn sẽ hanh thông hơn. Đối với cây mai vàng, nó giống như đồ cổ, cứ “neo” đó càng lâu năm thì lại càng được giá, không mất mát đi đâu mà sợ.
Theo dân gian, sau một năm nhuần khó khăn, thì sẽ đến một chu kỳ phát triển. Những ngày đầu năm, về xứ vườn cù lao, chúng tôi đã bắt gặp nhiều tín hiệu vui phấn khởi, mong cho một năm mới không chỉ nông dân, mà mọi người đều gặp nhiều thuận lợi.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN- VĂN MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin