Làm mứt ngày Tết

03:02, 06/02/2013

Đã bao nhiêu năm đi qua nhưng trong ký ức của những người còn lưu giữ nghệ thuật làm mứt vẫn không thể quên cái không khí rộn rã vào những ngày giáp Tết. Lúc ấy, sau khi dọn dẹp nhà cửa khá tươm tất, những phụ nữ trong làng đã bắt tay vào sửa soạn các món ăn ngày Tết, như: Làm các loại dưa chua, quết bánh phồng, đổ bánh kẹp, gõ bánh in và làm mứt bí, mứt khoai lang, mứt me,

Đã bao nhiêu năm đi qua nhưng trong ký ức của những người còn lưu giữ nghệ thuật làm mứt vẫn không thể quên cái không khí rộn rã vào những ngày giáp Tết. Lúc ấy, sau khi dọn dẹp nhà cửa khá tươm tất, những phụ nữ trong làng đã bắt tay vào sửa soạn các món ăn ngày Tết, như: Làm các loại dưa chua, quết bánh phồng, đổ bánh kẹp, gõ bánh in và làm mứt bí, mứt khoai lang, mứt me, mứt cà chua…

Trong đó, việc làm tốn nhiều thời gian, công sức, sự tỉ mỉ, khéo léo nhất phải kể đến việc cắt, tỉa mứt. Tuy làm mứt tốn nhiều thời gian, lại công phu hơn nhưng nhiều người vẫn thích làm, vì có thể tạo ra những món ăn lạ mắt để đãi khách đến chúc Tết đầu xuân.

Bà Hồ Thị Loan, ngụ ấp Nhơn Lợi, xã Nhơn Mỹ nhớ lại: “Ngày xưa, cả xóm tôi hầu như nhà nào cũng làm mứt ngày Tết, cứ 10 nhà là có hết 8 nhà làm nên không khí ngày Tết rất rộn ràng và tất bật.

Tôi không biết chính xác ai là người sáng tạo ra các kiểu tỉa mứt trong ngày Tết, nhưng từ năm 10 tuổi, chị em tôi đã được bà ngoại và mẹ dạy cho cách làm mứt, trong 4 chị em chỉ có tôi là học được.

Bởi công việc này đòi hỏi nhiều sự kiên trì, khéo léo và hơn hết là niềm đam mê sáng tạo”. Bà Loan cho biết thêm, có rất nhiều loại rau củ có thể làm mứt, như: Mứt bí đao, khoai lang, đu đủ, cà chua, khóm, mãng cầu, đậu que, me, ớt…

Mỗi loại mứt tùy theo hình thái sẽ có cách làm khác nhau. Chẳng hạn, trái cà chua với màu vàng hoặc đỏ có thể tỉa thành hoa hồng; đu đủ sống có thể làm thành hoa phù du, hoa lục bình, hoa huệ, hoa giấy hoặc khắc thành giỏ hoa; bí đao có thể khắc hình hoa lan, cánh quạt, hoặc sáng tạo các hình rồng, phụng… tùy theo sở thích và sự khéo léo của mỗi người.

Nói về kỹ thuật làm mứt vừa đẹp mắt vừa ngon miệng, bà Lê Thị Nê- ngụ cùng ấp chia sẻ- tuy ngày xưa có nhiều loại mứt khác nhau nhưng đều có cách làm tương tự nhau và làm trong khoảng từ 5 đến 7 ngày là có thể dùng được.

Dụng cụ cắt tỉa mứt là một loại dao có kích cỡ nhỏ và mũi dao bén nhọn, bởi chỉ có loại dao mũi nhỏ mới có thể khắc dễ dàng trên các loại củ, quả và tự do thể hiện những ý tưởng sáng tạo của người làm.

Các loại vật liệu sau khi khắc, tỉa xong được ngâm vào nước vôi trong để tạo độ cứng, giòn và không bị teo tóp. Sau một đêm, mới xả lại với nước sạch từ 10 đến 15 lần và đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời cho mứt có độ trong vừa phải.

Kế tiếp là luộc mứt trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau cùng là phần sên đường (nhúng vật liệu vào nước đường được đun sôi) và nhuộm màu cho các loại mứt, với các loại màu có nguồn gốc tự nhiên như màu xanh từ lá dứa, màu tím từ lá cẩm, màu đỏ từ củ dền.

Nếu mứt nào làm hoa thì nước đường có pha thêm một ít màu vàng, màu đỏ, màu hồng tùy theo loại hoa; nếu phần mứt nào là cành, lá thì nhúng vào nước đường pha thêm chút màu xanh. Sau khi hoàn thành phần sên đường thì người ta mới kết nối các phần hoa, lá, cành lại với nhau để hoàn thành tác phẩm.

Trong đêm giao thừa, người ta bày ra các loại bánh mứt đã chuẩn bị đem dâng lên bàn thờ tổ tiên tưởng nhớ ông, bà, cha mẹ đã quá cố. Đến sáng mồng một, mọi người thường dậy sớm pha một bình trà thật ngon và bắt đầu thưởng thức các loại bánh mứt, cầu mong một năm mới đến thật ngọt ngào, ấm cúng, may mắn, hạnh phúc đến với gia đình mình.

Sau đó, người ta mới bắt đầu đi chúc Tết nhà bà con, bạn bè, người thân. Đến thăm từng nhà, mọi người lại có dịp thưởng thức các loại bánh mứt của các gia đình khác, do vậy có thể góp ý, bổ sung cho nhau để các tác phẩm của các chị em phụ nữ ngày càng hoàn thiện hơn.

Điều thú vị hơn là gia đình nào đang muốn cưới vợ cho con trai thì thường đều nhìn vào các loại mứt của các cô gái làm để đánh giá khả năng nội trợ của cô gái đó cùng các yếu tố dung, ngôn, hạnh khác.

Việc làm mứt ngày Tết không những là một nét đẹp truyền thống trong cái Tết của các gia đình ngày xưa mà nó còn là dịp để các thành viên trong gia đình, hàng xóm láng giềng gắn kết với nhau hơn, là dịp để gặp gỡ và chia sẻ những vui buồn của năm cũ, những thành công hay thất bại của việc làm ăn hay chuyện đồng áng, ruộng nương.

“Ngày nay do sự phát triển của kinh tế thị trường, người dân ít còn thời gian để chuẩn bị cho cái Tết một cách chu đáo nữa. Dần dần số hộ làm mứt ngày càng giảm, chỉ còn vài chục hộ làm mứt vào dịp Tết hay trong đám nói, đám cưới. Hơn nữa, các cô gái lớn lên phải đi học, đi làm xa nhà nên không thể theo các bà, các mẹ học hỏi “bí kíp” được. Do vậy, nghệ thuật làm mứt cũng ngày càng bị mai một theo thời gian”- bà Loan tiếc rẻ.

Thế nhưng, bằng sự đam mê và yêu thích sự sáng tạo, nên dù bận việc mấy bà Loan cũng cố gắng thu xếp công việc trước Tết để dành thời gian cho việc tỉa mứt.

Ngoài ra, bà còn kêu gọi những gia đình trong dòng họ cố gắng duy trì làm mứt trong ngày Tết và truyền nghề cho bất cứ ai yêu thích. Bởi đơn giản, bà luôn muốn nét đẹp, nét tài hoa của những phụ nữ Nhơn Mỹ luôn sống mãi cùng với mùa xuân, cùng với những cái Tết nơi chốn làng quê.

Theo An Giang Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh