
Hòa cùng với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả nước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long đã góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngừng ném bom ở miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris.
Bộ đội pháo binh hiệp đồng tác chiến trên chiến trường miền
Hòa cùng với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả nước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Vĩnh Long đã góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ngừng ném bom ở miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris.
Vĩnh Long là một tỉnh thuộc ĐBSCL. Với vị thế nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, án ngữ cả hai tuyến giao thông chiến lược thủy, bộ từ miền Tây về Sài Gòn, Vĩnh Long được coi là một tỉnh bản lề của miền Tây. Năm 1968, tỉnh Vĩnh Long về phía ta gồm có 7 huyện và 2 thị xã là Vĩnh Long và Sa Đéc; còn địch tổ chức thành hai tiểu khu là Vĩnh Long và Sa Đéc.
Tháng 11/1967, Tỉnh ủy Vĩnh Long họp tại xã An Khánh (Châu Thành B) quán triệt chỉ thị của Khu ủy, đồng thời soát xét lại tình hình của địa phương, vận dụng chủ trương của Khu ủy vào điều kiện cụ thể của tỉnh nhà, chuẩn bị các mặt cho cuộc tổng tiến công với tinh thần thừa thắng xông lên, quyết tâm cao nhất, giành thắng lợi lớn nhất.
Tỉnh ủy chủ trương trước hết là làm thông suốt tư tưởng và xây dựng lòng quyết tâm từ trong nội bộ Đảng ra đến quần chúng; mở đợt phát động sâu rộng từ vùng giải phóng đến các vùng yếu, vùng kềm, thị xã, thị trấn nhằm cổ vũ phong trào quần chúng nổi dậy, động viên sức người, sức của cho phía trước; củng cố, bổ sung lực lượng vũ trang tập trung, sẵn sàng bước vào chiến dịch mùa khô với tinh thần quyết chiến, quyết thắng.
So sánh về quân số đơn thuần thì khi tiến công vào nội ô thị xã và các thị trấn, thị tứ ở Vĩnh Long là “một đánh ba”. Về binh khí, kỹ thuật thì địch rất hiện đại, chiếm ưu thế tuyệt đối so với ta và địch ở trong hệ thống phòng thủ vững chắc. Tuy nhiên, quân ta ít nhưng tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, có kinh nghiệm tiến công cũng như phòng ngự và đã qua nhiều cuộc đọ sức ác liệt với địch trên chiến trường.
Bên cạnh đó, ta còn có những tiềm lực to lớn nhưng không tính được bằng con số, đó là tinh thần yêu nước, chí căm thù của nhân dân, là ý chí quyết tâm đánh giặc và đánh thắng giặc, cùng với sức mạnh tổng hợp to lớn đánh địch bằng “hai chân, ba mũi” trên khắp 3 vùng chiến lược.
Ngày 29/1/1968 (30 Tết Mậu Thân), Tiểu đoàn 306 được tổ biệt động dẫn đường vượt qua lộ Cầu Vòng vào Phường 3, tiếp cận và đồng loạt nổ súng tấn công các mục tiêu, chiếm trung tâm thông tin, căn cứ bảo an, Ty Cảnh sát… Cùng lúc Tiểu đoàn 2 chốt chặn ngã ba Cần Thơ; pháo binh và bộ đội ta tiến công làm địch thiệt hại nặng nề, phá hủy hàng chục khẩu pháo của địch.
Ở hướng Tây, Tiểu đoàn 857 triển khai thế bao vây sân bay từ 3 hướng, 22 giờ ngày 29/1, lực lượng đặc công tỉnh đã cắt rào, gỡ mìn, luồn sâu vào lòng địch, đánh chiếm khu để máy bay và nhà ga; phá hủy 61 máy bay, trực thăng và 2 chiếc L.19; chỉ còn 2 chiếc tuần tra trên không phải đáp xuống Sân bay Trà Nóc, Cần Thơ.
Lực lượng huyện Châu Thành đánh chiếm được bến phà Mỹ Thuận, cắt đứt lộ 4. Mặt khác, để tăng thêm lực lượng cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ở nội ô, Thị Đoàn Vĩnh Long đã tổ chức đưa 200 đoàn viên, thanh niên trong thị xã bằng cách trà trộn theo số thanh niên, học sinh Trường Tống Phước Hiệp đi dự họp mặt tất niên để tăng thêm sức mạnh cho cuộc nổi dậy.
Sáng mùng 1 tết, tiếng súng của ta từ sân bay gầm vang; tiếp đó từ các hướng, các mũi súng nổ dồn dập liên hồi. Tiểu đoàn 308 chiếm được bờ sông Long Hồ, đánh chiếm cầu Thiềng Đức, gây thiệt hại nặng 2 trung đội biệt kích, diệt và bắt sống 40 tên địch. Hơn một giờ chiến đấu, Sân bay Vĩnh Long bỗng chốc ngổn ngang xác giặc Mỹ. Quân ta đã phá hủy 61 chiếc trực thăng, và phá hủy 3 xe M.113.
Đêm 31/1/1968 (mùng 2 tết), Tiểu đoàn 306 tiến công làm chủ Ty Bưu điện, Ty Tài chính và Tòa sơ thẩm Vĩnh Long. Một bộ phận khác của biệt động thị xã đột nhập diệt tên trung tá Mỹ CIA đội lốt giáo sư, thu một máy truyền tin, 65.000 đô la và một số tài liệu mật.
Trong các ngày từ mùng 2 đến mùng 5 tết, ta vẫn làm chủ và tiếp tục tiến công, tổ chức đánh lấn, chiếm được tòa hành chính, các sở và ty cảnh sát; đồng thời đánh bại hàng chục đợt phản kích, diệt một lực lượng lớn quân địch, hàng chục xe M.113, bắn rơi 5 trực thăng, làm chủ hai phần ba TX Vĩnh Long. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào thị xã tổ chức mít tinh, phát động quần chúng làm chướng ngại vật và công sự, cùng bộ đội đánh địch.
Ở hướng Tây, bộ đội tỉnh rút ra vùng ven, tiếp tục bao vây, khống chế sân bay, làm chủ bến phà Mỹ Thuận, chặn quân cứu viện từ hướng Sa Đéc xuống. Sau nhiều lần tập trung phản kích thất bại, chiều 31/1/1968, Tỉnh trưởng Huỳnh Ngọc Diệp hoảng sợ phải chuồn xuống tàu, sống nương nhờ hải quân Mỹ ngoài sông Cổ Chiên…
Bên cạnh những thắng lợi đạt được, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không đạt được như ý định ban đầu đề ra, nhưng thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Vĩnh Long đã đi vào lịch sử tỉnh nhà như một nét vàng son chói lọi, là bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tỉnh nhà.
Thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Vĩnh Long thể hiện rõ nhiệt tình cách mạng với tinh thần “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” của quân và dân Vĩnh Long.
Càng tự hào về truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long càng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; nhất là trong giai đoạn hiện nay, quyết tâm cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển kinh tế vững mạnh, thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng và văn minh”.
Tóm lại, qua cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (từ 30/1 đến tháng 5/1968), ta loại khỏi vòng chiến đấu 11.180 tên Mỹ và chư hầu, bắt sống 380 tên ngụy, đánh thiệt hại nặng thiết đoàn 2 xe bọc thép M.113, phá hủy 37 xe quân sự và 4 khẩu pháo 105 ly, phá hủy trên 60 máy bay trực thăng, giải phóng 15 xã, 319 ấp… Lần đầu tiên ở ĐBSCL, ta đánh chiếm được thị xã làm chủ 6 ngày đêm. |
NGỌC MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin