Khi người dân đồng lòng

11:02, 08/02/2013

Bây giờ, có dịp đến các vùng nông thôn, ngay cả ở vùng sâu đều có thể thong dong trên con đường rải đá phẳng lì, những đường đan uốn lượn, luồn mình dưới những tán cây xanh. Điều đáng nói là phần lớn vốn đầu tư để làm những con đường này đều được huy động từ trong dân.

Bây giờ, có dịp đến các vùng nông thôn, ngay cả ở vùng sâu đều có thể thong dong trên con đường rải đá phẳng lì, những đường đan uốn lượn, luồn mình dưới những tán cây xanh. Điều đáng nói là phần lớn vốn đầu tư để làm những con đường này đều được huy động từ trong dân.

Phong trào đóng góp xây dựng giao thông nông thôn hiện đã lan tỏa ở tất cả các địa phương.


Khi sức dân được phát huy

Phong trào người dân chung tay góp sức làm đường giao thông thời gian gần đây đã lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Đường đan ấp Ngãi Thạnh hoàn thành từ sự đồng lòng của người dân.

Con đường đan nằm ven sông Nhà Đài của ấp Ngãi Thạnh (Hiếu Thuận- Vũng Liêm) trên 1,5km vừa được hoàn thành mới đây từ sự chung tay góp sức của người dân. Người khởi xướng đầu tiên là gia đình cô Huỳnh Thị Tấn (ấp Ngãi Thạnh, Hiếu Thuận- Vũng Liêm).

Bí thư Chi bộ ấp Ngãi Thạnh- Thái Quang Trần cho biết, khi xã có chủ trương xây dựng đường đan của ấp, chính quyền đứng ra vận động dân. Toàn tuyến đường có 54 hộ, khi vận động chỉ có 15 hộ đồng ý làm. Một mặt chính quyền đứng ra tiếp tục vận động, riêng gia đình cô Tấn tiên phong tự bỏ tiền ra đổ khoảng 200m đường đan trước cửa nhà mình và nối liền với con lộ liên ấp.

Cô Tấn tâm sự: “Khi chính quyền vận động làm, người đồng tình người không. Riêng tôi nghĩ khác, Nhà nước đã làm sẵn nền đường, mình hùn thêm chút để đổ đan đi lại dễ dàng thì hay quá chứ sao không được. Nghĩ thế nên tự tôi làm trước, không ngờ khi làm xong người ta đi ngang thấy “ngon lành” quá nên cũng làm theo”.

“Phát pháo” đầu tiên đó lập tức có hiệu quả, các hộ kế bên cô Tấn cũng tự bỏ tiền đổ đan trước cửa nhà mình theo như kế hoạch vận động của chính quyền.

Nhờ làm tốt công tác dân vận, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Đường qua trước cửa nhà ai, người đó bỏ tiền ra, chính quyền vận động nhân công và những người cùng thụ hưởng đóng góp thêm. Cứ thế, con đường được hoàn thành chỉ sau vài tháng, tất cả kinh phí từ nguồn đóng góp, vận động và công sức của người dân. “Con đường dài trên 1,5km nhưng kinh phí chỉ có 165 triệu đồng bởi công cán đều do người dân bỏ ra làm”- ông Trần kể.

Bí thư Chi bộ ấp Ngãi Thạnh- Thái Quang Trần cho biết thêm: “Lúc đầu thấy khó, nhưng khi cô Tấn bỏ tiền ra làm trước, người dân thấy được quá nên ủng hộ hết mình. Trong số 54 hộ, có 17 hộ nghèo không có tiền đóng góp thì các hộ khá còn lại sẵn sàng bỏ tiền ra đóng giúp”.

Cũng theo ông Trần, lúc khởi công làm, từ người trẻ đến già đều phụ giúp. Hôm ít nhất cũng cỡ 30 chục người, bữa nhiều có khi 70- 80 người. Trẻ thì khiêng đá, cát, trộn hồ, già thì chuyền nước, nấu ăn. Làm tới đâu, mấy đứa trẻ cứ quấn quýt theo hỏi “chừng nào đi được, vậy là mai mốt trời mưa đi học khỏi sợ bắt… ếch rồi”.

Nông thôn giờ đã đổi thay

Có dịp đến các vùng nông thôn, ngay cả ở vùng sâu bây giờ đều có thể thong dong trên những con đường rải đá phẳng lì, những đường đan uốn lượn. Ở những con đường liên ấp như thế này, thường Nhà nước góp một phần và phần lớn còn lại là sự đóng góp của người dân.

Ấp Phước Định 2 (Bình Hòa Phước- Long Hồ) có gần 4.500m đường và hiện cơ bản được đan hóa. Điều đáng nói là số vốn để thực hiện các công trình trên một phần theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, phần lớn còn lại người dân yêu cầu chính quyền đứng ra vận động, dân góp vốn và ngày công.

Không những vậy, chính quyền nơi đây còn vận động người dân cùng làm đèn và hiện đã “sáng hóa” các tuyến đường. Đây là mô hình “Trong nhà có mõ, ngoài ngõ có đèn” được ấp phát động và người dân nhiệt tình hưởng ứng.

Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Phước Định 2- Lê Thị Kim Vân cho biết: “Từ khi có đèn đường, tình trạng trộm cắp giảm hẳn, trước đây thường có xảy ra tình trạng mất trộm mai hay cây ăn trái, giờ dường như không còn nữa, bởi đèn sáng trưng, hễ người lạ vào ấp là bà con cảnh giác liền”.

Chỉ trong 2 năm (2011- 2012), ấp Phú Hữu Đông (Phú Thịnh- Tam Bình) đã vận động người dân rải đá 4 tuyến đường có tổng chiều dài 7,4km với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng.

Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp Phú Hữu Đông- Ngô Văn Tư cho biết: “Tổng kinh phí các tuyến đường trên đều do người dân đóng góp theo đầu công. Đến nay, toàn ấp có hệ thống giao thông đảm bảo xe 2 bánh lưu thông cả hai mùa”. Cũng theo Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp, ngoài chuyện đóng góp tiền làm đường, người dân còn đóng góp ngày công để xây dựng.

Công trình tới nhà ai, người đó đứng ra giúp, có khi làm đoạn đường dài trên 2km chỉ trong 2 tuần lễ đã hoàn thành. Hiệu quả kinh tế khi có con đường là không nhỏ, bởi lẽ, ngoài việc giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương mua bán thông thoáng, người dân có thể sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa và cũng có thể chở lúa về nhà bằng xe gắn máy.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long, công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng giao thông và các công trình ở nông thôn hiện đã lan tỏa trong nhiều địa phương.

Hiện nay, phong trào không dừng lại trong việc vận động người dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng giao thông, mà còn trong các lĩnh vực an sinh xã hội, quốc phòng- an ninh…

Đánh giá tổng kết công tác vận động nhân dân thời gian qua, đồng chí Đỗ Hoàng Huynh- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhận xét: “Công tác dân vận khéo đã xuất hiện ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang... Một hiệu quả lớn hơn là qua các mô hình này, diện mạo của nông thôn được đổi mới và đời sống của người dân về vật chất lẫn tinh thần cũng được nâng lên”.

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh