Kỳ họp ngắn nhưng mang nhiều ý nghĩa

06:02, 21/02/2013

Sáng qua (20/2/2013), HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII đã tổ chức kỳ họp lần thứ 7 (bất thường). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Phạm Văn Lực chủ tọa kỳ họp. Đây là kỳ họp chuyên đề để các đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người,
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ảnh minh họa: THANH BÌNH.

Sáng qua (20/2/2013), HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII đã tổ chức kỳ họp lần thứ 7 (bất thường). Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- Phạm Văn Lực chủ tọa kỳ họp. Đây là kỳ họp chuyên đề để các đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kỳ họp diễn ra trong thời gian ngắn (chỉ trong 1 buổi), nhưng với tinh thần chuẩn bị chu đáo, làm việc khẩn trương, dân chủ, đã có 12 đại biểu góp ý kiến vào các điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm tập trung vào các chương: Chính quyền địa phương và Thể chế chính trị.

Yêu cầu của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước,… cũng là những nội dung chính được đa số đại biểu đề cập trong buổi họp này.

Theo đánh giá của chủ tọa kỳ họp, qua thảo luận và góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đã tập trung vào những điểm sửa đổi đã nêu với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và tâm huyết.

Đã có 12 ý kiến được đại biểu nghiên cứu khá kỹ, đã góp ý phân tích và có đặt vấn đề cụ thể về sửa đổi, bổ sung cũng như thay đổi từng cụm từ và những điểm cần bổ sung cho phù hợp trong giai đoạn cách mạng mới, không chỉ đáp ứng cho hiện tại mà cho cả lâu dài của Hiến pháp– Bộ Luật mẹ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt, hầu hết các đại biểu đều khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Hiến pháp năm 1992.

Đại biểu cũng đã khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp và của cả dân tộc, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đồng thời hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam không tách rời Hiến pháp đã quy định. Đại biểu cũng tiếp tục khẳng định Hiến pháp xác định tiếp tục phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị, tôn trọng và đảm bảo quyền con người và quyền của công dân ở giai đoạn mới nhằm động viên nhân tài vật lực cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng một nước kém phát triển, trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Căn cứ vào kế hoạch của Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh, sau kỳ họp này, chủ tọa kỳ họp yêu cầu các đại biểu tiếp tục đóng góp bằng văn bản gửi về Thường trực HĐND tỉnh để tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu.
 
Ngoài ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, BCĐ cũng sẽ tổng hợp ý kiến các cấp, các ngành và ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, để báo cáo về Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội.

Chủ tọa đề nghị các đại biểu sau kỳ họp này về địa phương, đơn vị cần tiếp tục tham gia dự và tổ chức lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai tại từng địa phương.

Tiếp tục tổ chức lấy ý kiến ở các cơ quan, đơn vị và lấy ý kiến nhân dân góp vào 2 nội dung chính là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai. Nhiệm vụ trọng tâm thời điểm này của các đại biểu là giúp cho tỉnh hoàn thành nhiệm vụ chính trị, đó là việc đồng thời tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi 2 văn bản luật quan trọng nói trên.


Đại biểu nữ của HĐND tỉnh đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đại biểu cũng đã xác định rõ Hiến pháp lần này phải đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, vì đây là đạo luật gốc của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Riêng Luật Đất đai luôn gắn bó với quyền lợi và cuộc sống của nhân dân, cho nên phải tổ chức làm sao cho mọi tầng lớp nhân dân thật sự góp nhiều ý kiến cho 2 dự thảo văn bản luật này.

Việc tổ chức lấy ý kiến đối với 2 văn bản luật này trong thời điểm các địa phương tập trung cho công tác tuyển quân, và trong lúc nhân dân ta đang tập trung thu hoạch mùa vụ, các cấp phải hết sức chú ý tổ chức sắp xếp cho phù hợp thời gian để đạt hiệu quả cao nhất.

Nội dung đóng góp cụ thể vào văn bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của các đại biểu HĐND tỉnh, Báo Vĩnh Long sẽ tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT– THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh