Đề phòng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hạn

01:02, 21/02/2013

Ngay tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh còn những trận mưa trái mùa nặng hạt, triều xuân lên khá cao. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, trong mùa khô năm nay, hạn hán có khả năng xảy ra trên diện rộng, mặn xâm nhập sâu vào đất liền.

Ngay tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh còn những trận mưa trái mùa nặng hạt, triều xuân lên khá cao. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, trong mùa khô năm nay, hạn hán có khả năng xảy ra trên diện rộng, mặn xâm nhập sâu vào đất liền.

Vận hành cống đảm bảo nguồn nước tưới trong mùa khô hạn.


Do đó, chủ động các phương án phòng, chống hạn, mặn là công tác hết sức cấp thiết ở các nơi trong tỉnh.

Dự báo có nhiều bất lợi cho sản xuất

Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa mưa năm 2012 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc sớm hơn bình thường, lượng mưa ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ thấp hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN), đồng nghĩa với mùa khô năm sau kéo dài hơn.

Từ tháng 8/2012, hiện tượng Elnino đã và đang hoạt động với cường độ ngày càng tăng, gây ảnh hưởng đến thời tiết, nguồn nước ở nhiều khu vực trong cả nước.

Tình trạng khô hạn thiếu nước sẽ gây căng thẳng trong mùa khô năm 2013. Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam nhận định: Do mùa mưa năm 2012 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc sớm, tổng lượng mưa các tháng trong năm 2012 đều thiếu hụt hơn TBNN cùng thời kỳ nên độ mặn trong các tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) năm 2013 ở dọc các sông chính vùng ven biển ĐBSCL sẽ cao hơn và mặn sẽ xâm nhập sâu hơn so với cùng kỳ năm 2012.

Hầu hết các tuyến sông chính giáp biển Đông, độ mặn 4‰ (phần ngàn) có thể xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 40- 45km kể từ cửa sông.

Ở cửa sông Cổ Chiên, dự báo độ mặn nền lớn hơn 10‰ xuất hiện trong các tháng mùa khô và xâm nhập sâu cách cửa sông trên 25km. Từ tháng 3 đến tháng 4, độ mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu trên 40km kể từ cửa sông.

Ngay từ tháng 1/2013, độ mặn trên 3‰ đã xuất hiện ở Vũng Liêm. Từ ngày 9-12/1 (trùng với kỳ triều cường 30 tháng Chạp), độ mặn phía sông Cổ Chiên đột ngột lên cao, tại cống Cái Hóp (huyện Càng Long- Trà Vinh) lên cao nhất đến 5,4‰, ở cống Nàng Âm (xã Trung Thành Tây- Vũng Liêm) lên đến 3‰.

Biện pháp thủy lợi chống hạn, mặn

Mục tiêu của chống hạn, mặn là đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất và cấp nước cho sinh hoạt trong thời kỳ khô hạn, ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Giải pháp chung về thủy lợi được khuyến cáo là tập trung nạo vét kinh, rạch nội đồng để tăng nguồn nước cấp; gia cố cống, đập và nâng cấp bờ vùng, cống, bộng chủ động trữ nước ngọt; bố trí máy bơm ở những nơi không thể tưới tự chảy; vận hành công trình thủy lợi trong những thời điểm thích hợp để lấy đủ lượng nước cấp cho sản xuất và sinh hoạt.

Riêng đối với vùng bị ảnh hưởng mặn thuộc huyện Trà Ôn, Vũng Liêm cần tập trung tu sửa cống đập để trữ ngọt trong thời gian mặn ở sông chính lên cao; nạo vét kinh, rạch, nhất là những kinh, rạch nối với sông Măng Thít để tăng nguồn nước cấp khi các cống ngăn mặn đóng; vận hành cống cấp 2 lấy nước phù hợp theo diễn biến nguồn nước và độ mặn trên sông chính; bố trí máy bơm tưới cho vùng không thể tưới tự chảy.

Hiện vùng giáp sông Cổ Chiên và giáp huyện Càng Long (Trà Vinh) có thể kiểm soát mặn xâm nhập tốt nhờ hai cống cấp I (cống Cái Hóp và cống Nàng Âm) ngăn mặn cho vùng rộng hơn 5.000ha thuộc huyện Vũng Liêm.

Hai cống này cần đóng cửa cống khi độ mặn lên 3‰ và mở cống lấy nước khi độ mặn dưới 3‰, vận hành cống sao cho nồng độ mặn trên các kinh, rạch sau cống, kinh cấp 2 xuống dưới 1,5‰ để lấy nước tưới cho nội đồng.

Tuy nhiên, đối với huyện Trà Ôn, hiện các rạch nối với sông Hậu như Tân Dinh, rạch Bàu Môn, rạch Tra, rạch Mương Điều… còn để thông chưa có cống, vì vậy mặn từ phía sông Hậu có thể theo các rạch này tiến sâu vào đất liền, vùng nội đồng sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, đóng các cống những bờ bao ven kinh cấp 2 khi độ mặn lên 3‰.

Nên làm tốt thủy lợi nội đồng

Thủy lợi nội đồng là khâu quan trọng nhất của thủy lợi mùa khô vì nó giải quyết nguồn nước cung cấp trực tiếp cho ruộng, vườn và nước sinh hoạt cho dân sống trong nội đồng.

Công việc chính là nạo vét kinh mương, tu sửa mặt cống, đập và tu sửa, chuẩn bị máy bơm giúp tăng năng lực phục vụ công trình, trữ và cấp nguồn nước ngọt tốt hơn. Đầu tư thủy lợi trong những năm qua đã hình thành những vùng sản xuất có thủy lợi khép kín, có bờ bao và công trình cống, đập trên bờ bao.

Tuy nhiên trong nội đồng, nhiều cánh đồng, khu vườn vẫn còn bị hạn cục bộ. Ngoài nguyên nhân do kiệt nước sông, khô hạn kéo dài… còn do kinh, rạch nội đồng bị chặn dòng, san lấp, bồi lắng nhiều, cỏ hoang, rơm rạ lấp dòng khiến kinh, rạch không dẫn nước được, làm cho thủy triều từ sông, rạch lớn khó vào kinh, rạch nội đồng.

Theo quy luật, từ sông lớn vào nội đồng, mực nước sụt giảm từ 20- 40cm, nếu như nạo vét kinh, rạch nội đồng đủ sâu thì có thể nhận đầy đủ nguồn nước khi thủy triều từ sông lớn vào trong vòng 3- 4 giờ/ngày.

Mặt khác, cũng do thói quen của người dân xem nước sông, rạch là phong phú nên ít quan tâm đến việc trữ nước trong kinh, mương, ao hồ để sử dụng vào thời gian khô hạn, kiệt nước sông.

Chuỗi quan trắc thủy văn nhiều năm ở tỉnh ta cho thấy, kiệt nước sông trên sông rạch không căng thẳng như các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, những năm gần đây mực nước trong những kỳ triều cường trong mùa khô lên khá cao, nhiều nơi có thể tưới tự chảy trong mùa khô.

Nếu làm tốt thủy lợi nội đồng thì có thể tranh thủ những kỳ triều cường trong mùa khô dẫn nước vào kinh sườn, kinh nội đồng và trữ nước trong kinh, mương để cấp cho sản xuất và sinh hoạt. Vấn đề thiếu nước trong mùa khô hay xâm nhập mặn kéo dài sẽ không nghiêm trọng.

Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh