Trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả thực phẩm cận tết tăng cao, một số người dân thành phố đã nghĩ ra nhiều “phương án” chuẩn bị tết sao cho vừa tiết kiệm, vừa an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng không quên tạo nguồn thu nhập thêm cho gia đình.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả thực phẩm cận tết tăng cao, một số người dân thành phố đã nghĩ ra nhiều “phương án” chuẩn bị tết sao cho vừa tiết kiệm, vừa an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, nhiều hộ cũng không quên tạo nguồn thu nhập thêm cho gia đình.
“Tự làm rẻ mà vừa ý mình hơn”- cô Vân nói.
|
Tự làm thức ăn tết
Tết đến, trong nhà không thể thiếu những món ăn truyền thống như dưa cải, giò lụa, mứt tết... vốn chiếm một khoản chi phí không nhỏ đối với những gia đình thu nhập thấp. Ngoài ra, an toàn thực phẩm cũng là lý do khiến nhiều chị em quyết định tự làm thức ăn tết.
Để gia đình có bữa ăn ngon, sạch dịp tết, nhiều gia đình đã tranh thủ trồng vài liếp rau thơm, vài chục cải xanh để giảm bớt chi tiêu trong gia đình, lại có bữa ăn an toàn.
Có một khoảng sân trống trước cửa, khoảng hơn 1 tháng trước, chị Đan Yến (Khóm 2- Phường 2- TP Vĩnh Long) đã tận dụng để trồng gần 150 cây cải xanh, cải bẹ dún, bắp cải, cải thảo, xà lách… trong các hộp xốp và dưới những gốc cây mai lớn.
Do dễ trồng, dễ chăm sóc nên hiện tại “vườn rau tí hon” của chị đã xanh mướt dù chị chỉ tưới nước và không dùng bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào.
Chị hớn hở: “Tôi bắt đầu trồng hơn 4 năm nay, cứ mỗi dịp tết là tôi tự trồng rau, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo sức khỏe cho cả nhà, lại thêm vui mắt. Chiều chiều vừa tưới nước vừa bắt sâu, vui mà lại thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng.
Tết này, gia đình tôi yên tâm có những bữa ăn ngon, đầy ắp rau xanh”. Chị còn khéo léo trồng thêm nhiều loại hoa như hồng, lan, cẩm tú cầu… xen lẫn vào những gốc cây to hay ven hàng rào để thêm hương sắc cho ngày tết.
Những ngày cận tết, gia đình chị còn tự làm nhiều loại mứt như: mứt dừa, mứt bí, chùm ruột… “Chỉ cần ra chợ mua nguyên liệu, dành chút thời gian làm mà ngon và rẻ hơn mua ở chợ gấp mấy lần. Cả nhà quây quần cùng làm, vừa vui lại vừa có ý nghĩa”- chị chia sẻ.
Tết này, chị Nguyễn Thị Hồng Trang (Phường 8- TP Vĩnh Long) dự định sẽ tự tay “trổ tài” làm vài món mứt thông dụng như: mứt dẻo, mứt chuối, dưa cải… để ăn và tặng người thân, bạn bè.
Chị nói: “Thưởng tết không bao nhiêu, lại còn những khoản chi tiêu cho bên nội, ngoại, lì xì…, nên nếu cứ mua đồ làm sẵn thì rất tốn kém.
Vì vậy, tranh thủ thời gian rảnh cả nhà cùng làm, tiết kiệm lại hợp vệ sinh, vừa tạo không khí ấm cúng trong gia đình”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan- nhân viên nhà nước cũng cho biết: “Mấy tuần gần đây, những lúc rỗi rảnh là mọi người túm tụm hỏi nhau cách làm mứt tết, làm giò chả… Nghe cũng hay hay nên tôi cũng ghi chép lại để về nhà thử làm”.
Đang xếp củ kiệu vào hủ, cô Lê Thị Vân (Khóm 1- Phường 8- TP Vĩnh Long) nói: “Mình làm thì vừa ý hơn mua ở chợ, không chỉ tiết kiệm mà còn là nét đẹp trong việc gìn giữ truyền thống. Món này dễ làm, ít tốn công mà ăn không ngán”.
Thêm thu nhập cho ngày tết
Với gần 100 con gà thịt lẫn gà đẻ, năm nay, gia đình chú Lê Ngọc Vĩnh (Khóm 2- Phường 3- TP Vĩnh Long) ăn tết sung túc hơn.
Để kịp tết bán, từ khoảng tháng 7/2012, chú đã thả gà con nuôi. “Cho gà ăn toàn lúa nấu, được chích ngừa đàng hoàng, vệ sinh chuồng trại cẩn thận nên gà tôi nuôi vừa khỏe, vừa an toàn.
Hiện mỗi con gà khoảng 1,5kg, đã có đơn đặt hàng trước, tôi chỉ bán giá rẻ cho bạn bè, chứ không ra chợ. Chủ yếu tôi để dành ăn và cho bà con trong mấy ngày tết”- chú Vĩnh nói.
11 giờ trưa, chú Đỗ Văn Chắc (ấp Tân Quới Tây- xã Trường An- TP Vĩnh Long) còn cặm cụi ngoài vườn bông để chuẩn bị bán tết. Có khoảng 7.000 gốc cây bông cúc tiger, vạn thọ Pháp,… chú cho biết: Trồng bông thì quanh năm nhưng được mùa nhất là vụ tết.
Thời tiết thuận lợi, bông to bán được giá cao hơn. Cô Lê Thị Hồng- vợ chú phấn khởi: “Chừng 7.000 đ/cây, tết này gia đình tôi chắc mẫm lời vài chục triệu đồng. Ăn Tết khỏe re, có tiền sắm sửa thêm vật dụng trong nhà. Nhờ trồng bông tết mà gia đình tôi mới có một cơ ngơi khang trang như vầy”.
Cách đó không xa, 15 công dưa hấu của chị Lam (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) cũng đang chờ ngày thu hoạch. Lau vội mồ hôi trên trán, chị cười: “Khoảng 24, 25 tháng Chạp là hái bán được rồi. Giá dưa thì không biết chừng, nhưng hy vọng tết sẽ tăng để ăn tết lớn hơn chút.
Ngoài ra, tôi còn để dành những trái tốt nhất để tặng cho bà con, họ hàng, vừa có ý nghĩa, vừa giúp tiết kiệm được một khoản tiền”.
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin