Gặp khó trong thực hiện tiêu chí chợ nông thôn

01:01, 04/01/2013

Quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn là một trong những tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng làm thế nào để chợ nông thôn phát huy được hiệu quả hoạt động góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn còn là bài toán khó đối với nhiều xã trên địa bàn huyện Tam Bình.


Chợ Mỹ Thạnh Trung cách chợ trung tâm huyện lỵ Tam Bình không xa nên sức mua có phần hạn chế.

Quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn là một trong những tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng làm thế nào để chợ nông thôn phát huy được hiệu quả hoạt động góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn còn là bài toán khó đối với nhiều xã trên địa bàn huyện Tam Bình.

Chợ Ba Kè (xã Hòa Lộc) có từ thời Pháp thuộc, với gần 160 hộ tiểu thương buôn bán. Xác định được vai trò của chợ đối với nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thời gian qua chợ Ba Kè đã được chính quyền xã quan tâm đầu tư xây dựng lại mặt bằng chợ, sắp xếp lại các ngành hàng, thành lập Ban quản lý chợ và cho thuê ki-ốt với giá rẻ nhằm thu hút người kinh doanh.

Thế nhưng hoạt động của chợ vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Theo quy định, ngoài việc phải kinh doanh theo ngành hàng, gồm: nhà chợ chính, khu vực kinh doanh ngoài trời, bãi đậu xe, cây xanh, nơi thu gom rác, nhà vệ sinh công cộng thì chợ theo tiêu chí NTM còn phải có vị trí thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đi lại của dân cư đường bộ.
 
Tuy nhiên, chợ Ba Kè lại nằm ngay dưới dạ cầu dẫn đến việc tham gia mua bán đi lại của người dân địa phương không được thuận tiện, chủng loại hàng hóa lại kém phong phú… dẫn đến sức mua giảm đáng kể.

Chú Trương Văn Thương– người dân xã Hòa Lộc cho biết: “Tình hình chợ hiện nay là dân người ta bán nhiều hơn mua. Nói đúng ra thì chợ này hồi nào tới giờ đường đi vô hơi khó khăn, dơ bẩn chớ không được sạch đẹp như những cái chợ khác. Nếu cái chợ này được mở đường vô, cán lộ đàng hoàng thì chắc chợ này bán được lắm.”

Là người buôn bán khá lâu năm ở chợ này, nhưng cuộc sống vẫn còn lắm khó khăn, cô Văn Thị Thu– tiểu thương chợ Ba Kè bày tỏ: Ở đây tôi buôn bán mười mấy năm rồi, buôn bán hổng có đủ sống, bán tới 11 giờ tôi nghỉ rồi. Về nhà phải làm thêm ở vườn chứ ở đây bán ngày lời chừng bốn năm chục ngàn trở lại hà”.

Tam Bình hiện có 14 chợ. Trong đó có 3 chợ loại II là: Song Phú, Cái Ngang và thị trấn Tam Bình, còn lại là chợ loại III và các điểm họp chợ tự phát. Nếu căn cứ theo các tiêu chí nêu trên thì không chỉ riêng chợ Ba Kè mà các chợ khác cũng gặp khó trong việc thực hiện tiêu chí này.
 
Thực trạng chung hiện nay cho thấy phần lớn các chợ trên địa bàn huyện đều nhỏ không đảm bảo một trong số những chỉ tiêu quy định; nhà lồng chợ xuống cấp, chưa có nhà vệ sinh công cộng; hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, phương tiện phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Ông Nguyễn Thanh Tùng– Chủ tịch UBND xã Bình Ninh cho biết: “Theo tiêu chí văn hóa thì chợ Bình Ninh đã đạt văn hóa. Nhưng hiện tại bây giờ thì sức mua của chợ bị giảm từ khi lưu thông cầu Trà Ôn.

Dù có nhiều nhà doanh nghiệp đến tham khảo để đầu tư nhưng người ta cũng không hứng thú để đầu tư do sức mua của chợ thấp. Năm nay xã cũng đăng ký đạt tiêu chí chợ xã NTM. Hiện tại thì nhà lồng chợ đang xuống cấp, vốn thì xã không có khả năng. Nếu được trên đầu tư nâng cấp nhà lồng thì xã mới đạt tiêu chí chợ NTM.”

Trước tình hình đó, làm thế nào để xây dựng chợ nông thôn đạt chuẩn theo tiêu chí 7 đang là bài toán khó đối với các ngành chức năng và địa phương trong quá trình xây dựng NTM.

Ông Cao Thanh Quân- Phó Phòng Công thương huyện Tam Bình cho biết: Còn những chợ cần phải nâng cấp, mở rộng; có những chợ phải đầu tư tiếp tục một số phần cơ sở hạ tầng như là: hệ thống cấp thoát nước, rồi nhà vệ sinh, rồi sân chợ…

Như vậy giải pháp để thực hiện các chợ này đạt theo chí NTM thì chúng ta còn phải tiếp tục đầu tư một nguồn vốn khá lớn. Đối với những chợ này, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp thì họ sẽ không bỏ vốn mà phải là vốn ngân sách của tỉnh, huyện.

Trong đó, tỉnh hỗ trợ một phần, phần còn lại là địa phương. Để đạt được, chúng ta phải khảo sát thực tế ở chợ đó thiếu ở phần nào, lĩnh vực nào để tiếp tục đầu tư thì chợ đó mới đạt được những tiêu chí chợ NTM”.

Chợ là cơ sở hạ tầng cần thiết, tạo điều kiện cho người dân nông thôn trao đổi hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển nên đây là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM.

Tuy nhiên, để đạt tiêu chí này bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, các địa phương cần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa huy động nguồn lực trong dân. Mặt khác, cần xem xét kỹ lưỡng tránh tình trạng chạy theo thành tích để rồi khi chợ xây xong lại hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu cần thiết của người dân.

Bài, ảnh: THU HÀ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh