Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Trung (Trung Thành- Vũng Liêm), chị Võ Thị Mỹ Huệ còn là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Thiên Tân, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 250- 300 lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Trung (Trung Thành- Vũng Liêm), chị Võ Thị Mỹ Huệ còn là Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Thiên Tân, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 250- 300 lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Tiểu thủ công nghiệp góp phần giải quyết việc làm, thêm thu nhập cho lao động nông thôn.
|
Chị Huệ cho biết, năm 1998 gia đình chị từ xã Hiếu Phụng chuyển về sống ở ấp An Trung (xã Trung Thành), do không có đất canh tác chỉ sống bằng nghề mua bán và chăn nuôi nên gia đình chị gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2000, chị được tham gia vào Chi hội Phụ nữ ấp An Trung. Được sự giúp đỡ của chị em cộng với sự nhiệt tình công tác của chị trong các phong trào do hội tổ chức ở địa phương, đến cuối năm được chị em trong hội tín nhiệm và bầu chị làm Chi hội trưởng.
Trong quá trình công tác ở ấp, chị thấy kinh tế gia đình một số hội viên còn nhiều khó khăn cũng như gia đình chị. Từ đó chị Huệ suy nghĩ cần phải phát triển loại hình sản xuất nào đó gắn với nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình lúc nông nhàn. Qua tìm hiểu thị trường tiêu thụ, cách làm, cuối cùng chị quyết định chọn nghề sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ để phát triển kinh tế gia đình mình và chị em trong hội. Tổ sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ra ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Những năm đầu sản xuất, do còn mới mẻ nên tổ sản xuất gặp rất nhiều khó khăn- nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Trình độ tay nghề của các chị em không đồng đều, chất lượng sản phẩm làm ra không đồng nhất, hàng bị loại nhiều, chi phí cao, hiệu quả đạt thấp. Nhưng bằng sự quyết tâm, không ngại khó và cố gắng để phát triển kinh tế gia đình và vận động chị em cùng nhau phấn đấu vươn lên và cuối cùng chị đã thành công.
Từ 1- 2 tổ lúc đầu, đến nay chị đã thành lập được 8 tổ sản xuất ở các xã như Hiếu Nhơn (2 tổ), Hiếu Phụng (1 tổ), Trung Ngãi (2 tổ), Trung Thành (3 tổ). Đầu năm 2012, HTX Thủ công mỹ nghệ Thiên Tân ra đời tại ấp An Trung (Trung Thành- Vũng Liêm) có 16 thành viên, vốn điều lệ gần 500 triệu đồng, vốn góp của mỗi thành viên từ 10- 30 triệu đồng.
HTX vừa thu mua lõi lác của nông dân vừa mua lác nguyên liệu về giao cho tổ viên gia công thành lõi giao lại cho HTX để sản xuất. Bình quân 1kg lõi lác gia công tổ viên hưởng từ 2.500- 3.000đ, một lao động mỗi ngày gia công từ 15- 20kg lõi lác. Mặt hàng HTX sản xuất nhiều nhất là từ cây lác, cây lục bình, có lúc mưa nhiều thiếu nguyên liệu, HTX nhận gia công dây nhựa để tạo việc làm thường xuyên cho các tổ hoạt động.
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX trong 3 năm gần đây (2009- 2012) là mỗi tháng lợi nhuận từ 10- 15 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 250- 300 lao động nhàn rỗi ở địa phương, mức thu nhập hàng tháng của mỗi lao động từ 800.000- 1.200.000đ.
Hỏi thăm hướng sản xuất sắp tới của HTX, chị Huệ cho hay rất cần mở rộng quy mô sản xuất do địa bàn huyện có vùng nguyên liệu và lao động khá dồi dào. Tuy nhiên, HTX lại đang gặp khó về vốn mua lõi dự trữ để chủ động sản xuất khi gặp mưa bão, mua xe tải để vận chuyển nguyên liệu và thu gom sản phẩm từ các tổ, xây cất thêm nhà kho bảo quản nguyên liệu, đầu tư máy xe lõi cho các hộ gia công lõi,… Hiện HTX rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước tạo điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất cũng như tạo việc làm ổn định cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm chuyển dịch lao động, thúc đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN NHU (Vũng Liêm)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin