Đói giữa vựa gạo sao?

04:01, 12/01/2013

Anh bạn tôi dự họp trực tuyến của ngành lao động- thương binh và xã hội hồi đầu tuần này, nói hôm nay Thủ tướng phát biểu rất hay, mà hay nhất là câu hỏi về việc trẻ em vùng cao đi học rất khát cháo, đói cơm: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi

Anh bạn tôi dự họp trực tuyến của ngành lao động- thương binh và xã hội hồi đầu tuần này, nói hôm nay Thủ tướng phát biểu rất hay, mà hay nhất là câu hỏi về việc trẻ em vùng cao đi học rất khát cháo, đói cơm: “Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp, rồi phải lợp chòi nấu ăn?”

Đó là một thực tế xót lòng mà trẻ em vùng cao đã và đang đối mặt. Hình ảnh các em ăn khoai, ăn sắn ấy đã khiến cho nhà báo Trần Đăng Tuấn trong một lần đi lên vùng cao đã về ngỏ lời mời mọi người cùng giúp các em “bữa cơm có thịt”.

Sức lan tỏa rất rộng lớn, đến nỗi có người gọi ông là “Tuấn cơm có thịt”. Nhưng sức vóc một chương trình từ thiện mang tính cá nhân vẫn chưa thể nào “phủ sóng” khắp nẻo cao, nên hầu hết các em vẫn ăn khoai, ăn sắn đến trường.

Thế giới đã công nhận Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu gạo, có người còn cho là “lo bữa cơm cho cả thế giới”. Mức xuất khẩu luôn tăng mỗi năm, đến nay chính thức xác lập kỷ lục mới: 7,7 triệu tấn gạo. Trong nước vẫn dư ăn, kể cả chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhiều lúc lúa gạo rẻ, người ta còn định xay lúa thành bột cho heo ăn.

Vậy mà, vậy mà… hàng ngàn trẻ em vùng cao vẫn đói cơm. Câu hỏi này Thủ tướng đã đặt ra, ắt phải có người trả lời cho thấu đáo.

Trộm nghĩ, chỉ riêng khối doanh nghiệp xuất khẩu gạo (được cho là có lợi nhuận cao nhất trong chuỗi sản xuất- kinh doanh lúa gạo hiện nay), nếu với 7,7 triệu tấn gạo, mà mỗi tấn bán giá trên dưới 500 USD, chỉ cần trích “bỏ ống heo” 0,5 USD (khoảng 10.000 đ/tấn) thì mỗi năm đã có được trên 3,5 triệu USD, là hơn 70 tỷ đồng. Và với số tiền đó, có thể mua được chừng 70.000 tấn gạo để nấu cơm.

Tất nhiên, tôi không hề dám “dòm ngó” vào túi tiền các doanh nghiệp, chỉ là vì đang nói tới cơm nên nghĩ về gạo, vậy thôi. Nhưng trên hết, muốn nói rằng, với một chính sách đúng, cùng sự đồng lòng của nhiều người, thì chẳng lẽ nào không có cách tính cho bọn trẻ có được bữa cơm no ngay trên vựa gạo?

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh