Dân nuôi cá đi làm thuê kiếm sống

07:12, 29/12/2012

Trong phút chốc bị “hà bá” nuốt mất hàng tỷ đồng, nhiều bà con bị thiệt hại trong vụ sạt lở đất đêm 29/10/2012 ở ấp An Long, xã An Bình (Long Hồ) không còn cách nào hơn phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày.

Trong phút chốc bị “hà bá” nuốt mất hàng tỷ đồng, nhiều bà con bị thiệt hại trong vụ sạt lở đất đêm 29/10/2012 ở ấp An Long, xã An Bình (Long Hồ) không còn cách nào hơn phải đi làm thuê kiếm sống hàng ngày.

Một đoạn đê dài khoảng 200m bị tuột xuống sông mà theo nhiều người dân nơi đây là do xáng cạp hút cát gây ra.


Gần 2 tháng sau sự cố sạt lở, nỗi đau mất tài sản của hàng chục hộ nuôi cá điêu hồng ở ấp An Long vẫn chưa nguôi ngoai. Anh Đỗ Hàn Phong (ấp An Long, xã An Bình) nói trong buồn rầu: “Đa số những hộ bị thiệt hại ở đây không có ruộng đất, nên sau sạt lở bị mất hết tài sản nhiều hộ phải tha hương khắp nơi để làm thuê, làm mướn kiếm sống”. Anh cho biết: Trước đây, có 4 công vườn trồng cây ăn trái. Sau khi đóng bè vì thiếu vốn nên đành sang bán toàn bộ đất đai để tập trung vào đầu tư nuôi cá điêu hồng. Sau sự cố sạt lở, 6 bè bể tan tành còn trơ khung sắt; hàng chục tấn cá giai đoạn xuất bán trôi theo dòng nước. Trên 200 triệu vay ngân hàng cùng 300 triệu nợ tiền thức ăn chưa biết cách nào chi trả. Để mưu sinh, hiện giờ hàng ngày anh Phong phải đi phụ hồ ở một số xã lân cận, thu nhập hơn trăm ngàn mỗi ngày. “Trắng tay rồi, hổm rày mấy chủ bán thức ăn lại đòi tiền mà biết kiếm đâu ra để trả bây giờ, đành hẹn ngày này qua ngày kia cho xong chuyện!”- anh Phong buồn rầu nói.

“Lên bờ” sau sạt lở, anh Đỗ Thành Đức- ấp An Long, xã An Bình còn được vườn nhãn da bò 6 công nhưng cũng “không giải quyết được gì trong hoàn cảnh này, vì mấy công nhãn bị chổi rồng hết trơn, không cho huê lợi”. Để có tiền chi tiêu trong gia đình cũng như lo cho 2 đứa con đi học, anh Đức phải đi hái nhãn thuê cho một số vườn lân cận, thu nhập mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng. “Không làm mướn thì biết làm gì sống? Mà làm mướn không biết chừng nào trả nổi cả mấy trăm triệu đây…” Anh Đức cho biết: Mặc dù các ngân hàng đã thông báo giãn nợ và hạ lãi suất nhưng số tiền mà anh thiếu đã lên trên 500 triệu đồng, tương lai chưa biết cách nào trả nợ. Theo anh Đức, hiện giờ không riêng gia đình anh mà sau vụ sạt lở hiện còn hàng chục hộ khác như gia đình bà Nguyễn Thị Thu, anh Trần Văn Sơn,… bỗng chốc trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều hộ cho biết, hiện ngân hàng sẵn sàng cho vay tiếp để tái sản xuất, tuy nhiên họ không dám mạo hiểm trong hoàn cảnh nợ nần đã lên hàng tỷ đồng mà giá cá ngoài thị trường hiện lại không ổn định…

Mặc dù ngay sau sạt lở, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã kịp thời đến động viên giúp đỡ các hộ bị thiệt hại; đồng thời chỉ đạo khẩn trương tìm nguyên nhân khắc phục sự cố. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng điều tra, đến nay nguyên nhân sạt lở vẫn còn… lơ lửng!

Điều mà nhiều hộ bị thiệt hại nơi đây mong mỏi trong lúc này là ngành chức năng cần sớm tìm ra nguyên nhân sạt lở, có giải pháp hỗ trợ tích cực để họ có thể khôi phục lại sản suất, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh