Việc học nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật (NKT) hiện nay còn khá hạn chế vì nhiều lý do. Vậy đâu là rào cản và làm thế nào để người khuyết tật có thể phát huy được bản thân, cũng như phấn đấu vươn lên, hòa nhập cộng đồng.
Việc học nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật (NKT) hiện nay còn khá hạn chế vì nhiều lý do. Vậy đâu là rào cản và làm thế nào để người khuyết tật có thể phát huy được bản thân, cũng như phấn đấu vươn lên, hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Đạo- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long về vấn đề này.
* Thưa ông, xin ông cho biết sự chăm lo cho NKT của tỉnh nhà trong các năm qua như thế nào?
- Trong các năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực an sinh xã hội vẫn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Đặc biệt, Luật Người khuyết tật được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 và là cơ sở, tiền đề thuận lợi cho các hoạt động trợ giúp NKT đạt được những kết quả khả quan hơn.
Hiện toàn tỉnh có 15.082 NKT, trong đó có 6.126 người đủ điều kiện và đang hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội. Các chính sách trợ giúp NKT đã được các địa phương thực hiện khá nghiêm túc, giúp đời sống vật chất, tinh thần của họ được cải thiện đáng kể.
Nhiều rào cản môi trường cũng như xã hội đã và đang từng bước được dỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
* Xin ông cho biết, ngoài các chính sách hỗ trợ đang được hưởng, thì còn có nguồn vận động nào đã mang lại hiệu quả thiết thực cho NKT không?
- Thông qua Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, trong những năm qua, tỉnh đã vận động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước hỗ trợ nhiều loại hình như phẫu thuật chỉnh hình, trợ giúp phục hồi chức năng…
Hàng ngàn NKT hệ vận động được các tổ chức y tế khám, điều trị; 1.863 người được cấp xe lăn, xe lắc; 40 người được lắp chân tay giả; hàng trăm ca phẫu thuật, điều trị mắt mang lại ánh sáng cho người mù, trị giá gần 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc trao tặng học bổng cho các cháu học sinh khuyết tật vươn lên học giỏi, xây dựng nhà tình thương, cũng như tặng quà trong các dịp lễ, vui xuân đón tết cũng nhận được rất nhiều sự đóng góp từ các nhà hảo tâm trong công tác từ thiện nhân đạo cao cả mà hiện tại khó thống kê được hết.
Đơn cử như Chương trình Xuân tình thương, bao gồm nhiều nhà hảo tâm tại TP Hồ Chí Minh hay các đoàn bác sĩ đến từ Hàn Quốc, Mỹ…
* Theo chúng tôi được biết, hiện nay vấn đề dạy nghề và giới thiệu việc làm cho NKT còn gặp khá nhiều khó khăn. Vậy ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân và sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào?
- Khuyết tật vừa là nguyên nhân mà cũng vừa là hậu quả của sự nghèo đói; và họ đang phải đối mặt với bao khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.
Vì vậy, để họ có thể phát triển vươn lên trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng, để họ không có cảm giác mình đã bị “bỏ quên”, thì rất cần sự hỗ trợ, sẻ chia từ gia đình, người thân cũng như cộng đồng xã hội.
Và có thể nói, cơ hội duy nhất để họ có thể thoát khỏi cuộc sống bị cô lập và được hòa nhập với cộng đồng là tạo cho họ có việc làm, tạo được nguồn thu nhập từ chính bản thân mình.
Chính sách Nhà nước về trợ giúp NKT học nghề và việc làm ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, Luật Người khuyết tật là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác dạy nghề và tạo việc làm cho đối tượng này.
Tuy nhiên, trong các năm qua, NKT tham gia vào học nghề và tìm việc làm tại các trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh còn khá hạn chế.
Nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở dạy nghề cho NKT, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, giáo dục và đào tạo, được bố trí chung cho công tác dạy nghề. Nhưng đối tượng NKT đăng ký học ít, nên không tách riêng giữa NKT và các đối tượng học nghề khác. Điều này, đã gây nhiều hạn chế, thiệt thòi cho NKT.
Trong thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long sẽ xây dựng Đề án dạy nghề- tạo việc làm cho NKT, trong tổng thể chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề- tạo việc làm cho lao động nông thôn và triển khai thực hiện khi đề án được phê duyệt.
* Chân thành cảm ơn ông!
QUANG THUẦN- KIM YẾN
(Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin