
Thời gian qua, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” ở tỉnh Vĩnh Long đã phát triển sâu rộng, làm cho truyền thống đoàn kết, lòng nhân ái, san sẻ yêu thương trong xã hội được lan tỏa.
Thời gian qua, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” ở tỉnh Vĩnh Long đã phát triển sâu rộng, làm cho truyền thống đoàn kết, lòng nhân ái, san sẻ yêu thương trong xã hội được lan tỏa.
Từ chăm lo nhà cửa, bữa cơm từ thiện đến phẫu thuật tim miễn phí, cấp học bổng, vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tạo việc làm,… đã giúp biết bao hoàn cảnh, số phận nhờ cuộc vận động này mà được thay đổi, vươn lên, có cuộc sống tốt hơn.
Nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ của Hội Cựu chiến binh cộng với siêng lao động, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (xã Bình Phước- Mang Thít) có cuộc sống khá giả hơn.
Thêm những yêu thương
Người nghèo được ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm; được vay vốn ưu đãi để phát triển đời sống, được hỗ trợ nhà ở. Người nghèo được chăm sóc sức khỏe, quan tâm điều trị bệnh, được hỗ trợ học hành… Cuộc vận động này cũng khơi dậy ý chí trong mỗi người quyết tâm tự lực vượt nghèo, không trông chờ, ỷ lại.
Năm nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền vận động trong và ngoài lực lượng hội cùng tham gia phong trào, xây dựng được 107 mái ấm tình thương, sửa chữa nhà cho hộ hội viên nghèo khó khăn về nhà ở, trị giá chung 2,6 tỷ đồng.
Chị Trà Thị Hồng (xã Tân Thành- Bình Tân) sống bằng nghề “ai kêu gì mần đó”, một mình làm nuôi 2 đứa con nhỏ bởi người chồng đã bỏ đi tìm hạnh phúc mới. Căn nhà lá xiêu vẹo trước đây nắng mưa, không đủ sức chở che cho 3 mẹ con chị.
Thấy được sự khó khăn của chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động cất cho chị mái ấm tình thương. Trong căn nhà mới, chị tâm sự: “Mấy mẹ con tui được nhà tường lành lặn, ấm áp, mừng dữ lắm. Tui nguyện mang ơn suốt đời”.
Trong căn nhà 167 vừa mới cất, anh Lê Minh Tâm (37 tuổi, ấp Tích Khánh, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) cười vui: “Tui mần hồ nên tự cất luôn, bữa thì làm cho người ta, bữa không ai kêu thì tranh thủ làm nhà cho mình.
Được Nhà nước hỗ trợ tiền cất nhà là vợ chồng tui mừng dữ lắm.” Nhà thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất nên gia đình anh được xã hỗ trợ tiền cất nhà 167. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song anh là người tích cực tham gia phong trào hiến máu nhân đạo tại địa phương.
Anh chân thành: “Là nông dân không có điều kiện đóng góp vật chất, nên tui sẵn sàng hiến máu cứu người. Tui đã hiến trên 14 lần. Ngoài ra, tui còn vận động bà con trong xã cùng hiến máu bởi hiến máu không chỉ vì sức khỏe cộng đồng mà còn vì sức khỏe của mình”.
Thông qua sự vận động của bác sĩ Đỗ Thị Ngon- Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Bình Minh, chị Võ Thị Hồng Lan (26 tuổi, thị trấn Cái Vồn- Bình Minh) được nhà tài trợ gần 150 triệu đồng để phẫu thuật thay van tim ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cha “mần mướn, mẹ bán vé số, nhà không ruộng vườn” nên chi phí trên trăm triệu đồng để phẫu thuật điều trị căn bệnh tim bẩm sinh của chị Lan quả là khó khăn với gia đình chị. “Giờ mổ xong, tui không còn mệt, xỉu nữa, tui ăn ngủ được nên lên 6kg rồi đó”- chị Lan cười khoe.
Những năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo là nhịp cầu kết nối yêu thương, là chỗ dựa tin cậy cho bà con nghèo.
Riêng năm 2012, các cấp hội đã vận động hỗ trợ phẫu thuật cho trên 1.200 ca đục thủy tinh thể; 100 người vui mừng vì có những “quả tim” khỏe sau khi được phẫu thuật; hàng ngàn bệnh nhân nghèo được ấm lòng từ bữa ăn từ thiện với tổng phúc lợi trên 7 tỷ đồng; nhiều người khuyết tật vui mừng vì được cấp xe lăn, xe lắc để tiện việc sinh hoạt và là phương tiện mưu sinh; gần 56.000 lượt bệnh nhân nghèo được khám, cấp phát thuốc miễn phí. Tổng giá trị các chương trình thực hiện trong năm 2012 là 41 tỷ đồng so với chỉ tiêu đăng ký là 30 tỷ đồng.
Để cuộc vận động ngày càng hiệu quả
Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) từ lâu đã trở thành một địa chỉ tin cậy, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Những chương trình nhân đạo như: “Địa chỉ nhân đạo”, “Vòng tay nhân ái”, “Vượt lên chính mình”, “Trái tim nhân ái”, “Chắp cánh ước mơ”, “Thắp sáng niềm tin”, “Thần Tài gõ cửa”, “Chuyến xe nhân ái” với tổng số tiền thực hiện chung trên 35 tỷ đồng giúp cho các hộ nghèo giảm bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Phó Giám đốc THVL Phạm Thanh Xuân cho biết: Bênh cạnh việc sản xuất các chương trình từ thiện xã hộ, THVL còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội như gói hàng ngàn đòn bánh tét nghĩa tình tặng cho người già neo đơn, trẻ mồ côi, người khuyết tật, đơn vị bộ đội trong tỉnh và ĐBSCL đón tết đầm ấm; xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; hỗ trợ xã điểm Hòa Bình xây dựng nông thôn mới; trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho sinh viên nghèo được chạm ước mơ đến giảng đường;…
Hàng ngàn người nghèo được khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà.
Trong năm 2012, tổng giá trị vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo” và thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên 260 tỷ đồng. Trong đó, vận động quỹ “Vì người nghèo” bằng tiền mặt là 29,8 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 650 căn nhà cho hộ nghèo; nhiều người nghèo được giúp đỡ về sản xuất, học hành, chữa bệnh và xây dựng được nhiều công trình, chương trình an sinh xã hội.
Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2013, tỉnh phấn đấu vận động ủng hộ “Ngày vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội đạt 150 tỷ đồng. Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh- Ngô Ngọc Bỉnh cho rằng, muốn thoát nghèo bền vững Nhà nước phải “trao cần câu” cho họ, phải kết hợp tốt giữa dạy nghề với giải quyết việc làm ổn định như vậy mới thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBMTTQ Việt
Tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tỉnh Vĩnh Long năm 2012, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Lực chỉ đạo: Phát huy sức mạnh hệ thống chính trị và xã hội giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững; các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tăng cường công tác tuyên truyền, ý nghĩa cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, vận động tạo sự đồng thuận trong xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 2% theo Nghị quyết của Tỉnh ủy.
Mặt khác, phải đảm bảo điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách hợp lý, công bằng, dân chủ; tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo nguồn nhân lực là biện pháp giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin