Còn hàng chục ao cá bên miệng “Hà bá”

06:11, 01/11/2012

Ngay sau thông tin sạt lở đất làm thất thoát hàng trăm tấn cá tại hàng chục bè và ao nuôi ở ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ) làm tổn thất hàng tỷ đồng, ngày 31/10/2012, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phan Anh Vũ đã đến nơi sạt lở tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời chỉ đạo khắc phục.


Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long khảo sát tại hiện trường sạt lở.

Ngay sau thông tin sạt lở đất làm thất thoát hàng trăm tấn cá tại hàng chục bè và ao nuôi ở ấp An Long (xã An Bình- Long Hồ) làm tổn thất hàng tỷ đồng, ngày 31/10/2012, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phan Anh Vũ đã đến nơi sạt lở tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời chỉ đạo khắc phục.

Mất hàng tỷ đồng trong chốc lát

Ghi nhận tại hiện trường xảy ra sạt lở vào sáng 31/10, vẫn còn trăm hộ từ nhiều nơi ùn ùn đổ về dùng chài, lưới vây quanh khu vực này để bắt cá. Khi được hỏi về thông tin sạt lở, nhiều hộ dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Đỗ Thanh Phong (ấp An Long, xã An Bình) kể lại: Ban đầu chỉ dạt bè cá ra sông, sau đó nhiều hộ la toáng lên. Không lâu sau hàng chục người dân xung quanh xúm lại ứng cứu. Kế đó là một dãy đê phụ được trồng bần, trên mặt nước là lục bình cũng bất ngờ đổ ập. Đất sụp xuống, bọt nổi ùng ục lên cao, rồi tiếp tục con đê rộng hàng chục mét dài khoảng 200m ngăn 4 ao cá cũng tuôn luôn xuống sông.

“Cả khu vực như cái biển, tụi tui chỉ biết lo cho những người sống trên bè chứ đâu còn nghĩ gì tới chuyện cá mắm nữa. Nhiều xuồng lưới hay tin vây bắt, chỉ một đêm thôi mà có người vớt hàng tấn cá, lúc đó tui chỉ biết đứng nhìn”- anh Phong chua xót.

Ông Lê Minh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: “Trong tổng số 5 hộ bị thiệt hại nặng thì hộ anh Đỗ Thành Đức có 8 bè cá bị hư hoàn toàn, thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục điều tra để nắm chính xác tổng mức thiệt hại. Tuy nhiên, theo khai báo ban đầu thì tổng số lượng cá thất thoát ra sông ước gần 5 tỷ đồng”.


Sau một buổi đi hôi, cá đầy khoan.

Cũng theo ông Lê Minh Hùng, ngay sau khi xảy ra sạt lở, cơ quan chức năng đã yêu cầ̀u các phương tiện khai thác cát quanh khu vực tạm dừng hoạt động để điều tra nguyên nhân, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại. Liên tục những ngày qua, Công an huyện Long Hồ và chính quyền địa phương cũng có mặt kịp thời tiến hành lập biên bản, điều tra 3 phương tiện khai thác cát neo đậu ngay nơi xảy ra vụ sạt lở.

 

Khẩn trương tìm nguyên nhân sạt lở

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thị Ngọc Thịnh sau khi làm việc với các sở ngành liên quan. Đồng thời, yêu cầu đánh giá chính xác mức độ thiệt hại, có hướng khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ vay,…


Chiều ngày 31/10/2012, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn cùng các lãnh đạo, các sở, ban ngành tỉnh đã đến thăm hỏi các hộ nuôi cá bị thiệt hại (ảnh). Đoàn đã đến thực tế tại nơi sạt lở, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các hộ dân, qua đó đã ghi nhận những ý kiến để có hướng xử lý.


Khả năng tiếp tục sạt lở là rất cao

Ngồi đò với anh Đỗ Thanh Phong chạy dọc theo khu vực này hơn cây số, chúng tôi nhận thấy hiện còn rất nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở tương tự. Nhiều hộ lo lắng nên chạy vạy mua cát “lấp chỗ trống” dưới chân đê; có hộ dùng bao, cừ tràm gia cố nhưng xem ra vẫn còn quá mỏng manh so với sóng dữ ngày đêm rình rập.

Theo người dân địa phương, tình hình sạt lở đã đến mức báo động, do khoảng 1 tháng nay, một số xáng cạp hoạt động suốt ngày đêm và ngày càng lấn sâu vào bờ, gần khu vực các bè cá. Lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng tình hình chưa được cải thiện.

Sợ ảnh hưởng cầu Mỹ Thuận
“Tôi sống ở đây, ngày nào cũng thấy xáng hì hục ngày đêm hút cát gần chân cầu Mỹ Thuận. Nếu không có biện pháp mạnh thì thế nào cây cầu này cũng bị ảnh hưởng”- bà Phạm Phi Yến chỉ tay về hướng cầu Mỹ Thuận nói.

Bà Phạm Phi Yến (ấp An Long, xã An Bình) cho biết “nghe tin vụ sạt lở, ai cũng rất lo lắng”, bởi 3 bè cá tra của bà đang đến kỳ thu hoạch nhưng hiện đang nằm sát mép sông. Hiện tại khu vực cặp chân đê bảo vệ ao cá, bà Yến đo đã sâu tới 10m và lấn mạnh vào bờ gây rạn nứt rất nhiều nơi. Để chống chọi, cách đây hơn tháng, bà Yến phải bỏ tiền mua hàng ngàn cái bao và trên 60 triệu đồng để mua cát (2 xà lan) đổ xuống chân đê. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi “còn xáng cạp là còn sạt lở”. “Tui canh đuổi ngày đêm mà vẫn bị họ lén vào hút cát. Bây giờ Nhà nước có cách nào khắc phục chứ để tái diễn kiểu này vài tháng nữa ở đây tiêu hết”- bà Yến lo lắng.

Gần đó, anh Bảo cũng có ao nuôi cá tra nằm cặp mép sông. Do không chịu nổi sạt lở, anh đã bỏ ra 300 triệu đồng mua bao, cát và trâm bầu tấn nhưng chỉ vài tháng là toàn bộ trôi theo… “Hà bá”.

Còn anh Tư Dũng (ấp An Hòa, xã An Bình) có 2 ao cá điêu hồng giống nằm cặp ao cá sạt lở thì lo lắng: “Toàn bộ bờ bao quanh ao hiện đã răn nứt hết nhưng không biết tính sao, bởi bây giờ bán thì không có mối lái gì, còn chuyển nơi khác thì không có chỗ chứa”.

Ông Lê Minh Hùng cho biết: Khu vực này hiện có trên 300 bè và ao nuôi cá nhưng có đến hàng trăm địa điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở cao nhưng chưa có biện pháp khắc phục.

Ông Huỳnh Tấn Lợi- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Theo quy luật, khi mực nước xuống càng thấp thì khả năng sạt lở càng cao. Và trong tình hình hiện nay, khả năng sạt lở tiếp tục ở những nơi này là hoàn toàn có thể.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phan Anh Vũ chỉ đạo: Trước mắt, Chi cục Thủy lợi phối hợp với UBND huyện Long Hồ khảo sát tìm hiểu nguyên nhân gây ra sạt lở và kịp thời khắc phục. Đồng thời, khuyến khích những địa điểm có nguy cơ sạt lở gia cố đê bao, tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sạt lở để kịp thời khắc phục. Ông Phan Anh Vũ cũng cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ làm việc với ngân hàng sau buổi khảo sát hôm nay để tìm cách hỗ trợ những hộ nuôi cá bị thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống”.

 

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG- TẤN ANH

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh