Tính liên kết trong phòng chống lũ, triều cường

02:11, 11/11/2012

Sau 9 năm kể từ năm lũ lịch sử ở ĐBSCL (2000- 2002), lũ lớn tiếp tục xảy ra. Ở Vĩnh Long, lũ lớn năm ngoái đã gây ngập trên diện rộng. Và năm nay, vào đầu tháng 9 âm lịch, đỉnh triều đã lên xấp xỉ và thấp hơn đỉnh lũ lớn năm 2011 một ít, nhiều nơi bị ngập. Vấn đề liên kết giữa 2 nhóm công trình thủy lợi, giao thông trong ngăn lũ, ngăn triều càng trở nên bức thiết trong điều

Sau 9 năm kể từ năm lũ lịch sử ở ĐBSCL (2000- 2002), lũ lớn tiếp tục xảy ra. Ở Vĩnh Long, lũ lớn năm ngoái đã gây ngập trên diện rộng. Và năm nay, vào đầu tháng 9 âm lịch, đỉnh triều đã lên xấp xỉ và thấp hơn đỉnh lũ lớn năm 2011 một ít, nhiều nơi bị ngập. Vấn đề liên kết giữa 2 nhóm công trình thủy lợi, giao thông trong ngăn lũ, ngăn triều càng trở nên bức thiết trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu- nước biển dâng.


Xây dựng đường nông thôn kết hợp làm bờ bao thủy lợi đảm bảo chống lũ, ngăn triều.


Lũ lớn kiểm chứng năng lực công trình…

Trong kỳ triều cường vào cuối năm 2011 đã làm ngập 32,73km quốc lộ, đường tỉnh, 13,34km đường nội ô huyện, 305,06km đường đan nông thôn (trong đó có 5,24km đường đan bị sạt lở nền đất); khoảng 50% tổng số bờ bao, đập trên bờ bao thuộc địa bàn tỉnh bị tràn, trong đó có 7,8% số bờ bao bị sạt lở, bị vỡ. Những tuyến bờ bao, đường giao thông được thiết kế đỉnh công trình theo tính toán lũ năm 2000 (cao trình từ +2,0m đến +2,2m) nằm ven các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Măng Thít và các cù lao trên các sông này đều bị nước leo mấp mé đỉnh bờ hoặc bị vỡ bờ, tràn bờ.

Khu vực nội đồng nhìn chung ít vỡ bờ bao, chỉ tràn ở những con đập, đường đan có cao trình thấp. Gần đây nhất là vào kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch (giữa tháng 10/2012), toàn tỉnh có 87km quốc lộ, đường tỉnh, đường đan nông thôn, đường đô thị, 27 đoạn bờ bao (dài 237km), 30 đập đất (dài 595m) bị tràn, bị ngập (trong đó có 575m bờ bao, 184m đập đất bị sạt lở).

Lũ lớn, triều cao là mốc để kiểm chứng lại năng lực ngăn lũ của hệ thống đường giao thông, thủy lợi ở tỉnh Vĩnh Long.

… Tính tương đồng giữa giao thông và thủy lợi trong phòng, chống lũ

Sau lũ lớn năm 2011, từ nguồn kinh phí trong tỉnh, của Trung ương hỗ trợ, ngành nông nghiệp và PTNT, ngành giao thông tập trung khắc phục, nâng cấp, sửa chữa hàng loạt công trình thủy lợi, đường giao thông. Nhưng nguồn kinh phí không đủ nhu cầu. Còn nhiều công trình bị xuống cấp sau lũ chưa có kinh phí để khắc phục. Thống kê trước mùa lũ năm nay của Chi cục Thủy lợi cho thấy, toàn tỉnh vẫn còn 19.905ha đất sản xuất nông nghiệp kém an toàn với lũ lớn (đỉnh lũ năm 2011), trong đó có 14.080,9ha đất ruộng và 5.824,1ha đất vườn và thổ cư, 73 tuyến bờ bao (dài trên 200km) xuống cấp cần phải nâng cấp. Trước thực trạng đó, vấn đề xây dựng, nâng cấp, cải tạo và phát triển hệ thống này an toàn trên đỉnh lũ và hướng tới ứng phó với biến đổi khí hậu- nước biển dâng càng được quan tâm, nhất là hệ thống giao thông nông thôn (GTNT).

Về công trình thủy lợi, những năm trước lũ lớn năm ngoái, bờ bao được xây dựng có cao trình từ +1,8m đến +2,2m, nhưng phần lớn chỉ ngăn được mức báo động III, hầu hết bờ bao đều bị tràn trong đợt lũ lớn kết hợp với kỳ triều cường cuối tháng 9, cuối tháng 10 năm ngoái. Sau lũ năm 2011, đỉnh công trình thủy lợi trong tỉnh được ngành nông nghiệp và PTNT thiết kế với cao trình +2,5m, riêng công trình gần sông lớn cao +2,6- 2,7m mới đảm bảo chống lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn. Việc kết nối khu vực, liên huyện, liên tỉnh bằng hệ thống đê bao, cống cửa sông đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới theo quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn năm 2012- 2020, định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu-nước biển dâng. Cụ thể là tuyến đê 2 bờ sông Măng (thuộc huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Tam Bình và Trà Ôn) đang chuẩn bị đầu tư, sẽ triển khai thực hiện từ năm 2013- 2015.

Vấn đề kết nối giữa công trình giao thông và thủy lợi trong phòng, chống lũ, ngăn triều cường đã được nhiều địa phương thực hiện khá nhiều trong những năm qua. Có thể thấy rằng, phát triển hệ thống bờ bao là nền cho phát triển hệ thống đường giao thông, đặc biệt là GTNT; hàng loạt các công trình bờ bao ngay sau khi hoàn thành đã được láng nhựa, lát đan, rải đá thành đường GTNT. Ngược lại, hệ thống đường giao thông là hệ thống đê bao ngăn triều, chống lũ, bảo vệ vững chắc sản xuất, dân cư, cơ sở hạ tầng. Tính kết nối giữa đường GTNT và bờ bao thủy lợi đã góp phần hình thành 412 tiểu vùng sản xuất (ô bao) với diện tích đất tự nhiên 129.735,9ha (chiếm 87,7% diện tích tự nhiên toàn tỉnh), trong đó có 102.500ha đất nông nghiệp.

Tuy nhiên có thể nhận ra rằng, giữa chúng chưa có sự tương đồng về cao trình chống lũ, ngăn triều. Trừ những tuyến được đan, đường đá bụi liên ấp, liên xóm, liên hộ ở nông thôn được địa phương, nhân dân xây dựng trên nền bờ bao, thường có đỉnh đường bằng đỉnh bờ bao. Còn những đường cấp lớn (đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ) có đỉnh khác công trình thủy lợi. Lũ lớn năm 2011 đã cho thấy, nhiều nơi đường giao thông thấp, bị tràn hơn là bờ bao thủy lợi, kể cả những đường lớn như Quốc lộ1A mới nâng cấp (đoạn Tam Bình, Bình Minh)... cũng bị tràn. Được biết, điều này do sự khác biệt trong quy chuẩn thiết kế giữa 2 nhóm công trình. Tuy cả 2 nhóm đều lấy chuẩn mực nước lũ lớn để thiết kế (chẳng hạn như đỉnh lũ lịch sử năm 2000), nhưng tùy theo cấp công trình, tùy theo tần suất thiết kế (2%, 5%, 10%...) mà độ an toàn (hay độ vượt cao đỉnh lũ) của 2 nhóm công trình là khác nhau, nên đỉnh của 2 nhóm công trình thiết kế khác nhau. Chính vì vậy mà có nơi đường giao thông thấp hơn bờ bao và ngược lại. Ở nơi đường giao thông thấp hơn, nông dân phải be thêm bờ “cơm nếp” để ngăn nước...

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh