Để “giữ lửa ấm” cho gia đình

07:11, 25/11/2012

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”- xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc cần có sự vun đắp của cả vợ chồng, cha mẹ, con cái... Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức về việc “giữ lửa ấm” cho gia đình được nhiều người quan tâm, nhưng vẫn còn không ít trường hợp bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình.


Sự yêu thương, chia sẻ giúp nhiều gia đình giữ được “lửa ấm”.

"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”- xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc cần có sự vun đắp của cả vợ chồng, cha mẹ, con cái... Xã hội ngày càng phát triển, nhận thức về việc “giữ lửa ấm” cho gia đình được nhiều người quan tâm, nhưng vẫn còn không ít trường hợp bạo lực gia đình làm ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình.

Bạo lực gia đình, nguyên nhân vì đâu?

Bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình. Theo thống kê, phụ nữ ở độ tuổi 35- 64 thường dành 13,6 giờ/tuần làm việc nội trợ, chăm sóc người thân. Trong khi đó, đàn ông chỉ dành 6 giờ/tuần. Nếu cho rằng “các ông không chăm lo đến gia đình” thì sẽ là “ngòi châm” của xích mích…

Khó khăn về kinh tế thường tạo ra áp lực, căng thẳng, bế tắc... Nếu không biết cách ứng xử tích cực, thường xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Tệ nạn rượu chè, cờ bạc, nghiện hút; ngoại tình, ghen tuông… cũng là nguyên nhân của bạo lực gia đình.

Bên cạnh, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ nhận thức, hiểu biết của một số người còn hạn chế nên cho rằng: cha mẹ có quyền đánh đập, chửi mắng con cái, vợ có nghĩa vụ phải phục tùng chồng… Trong khi đó, nhiều người (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em) không nhận thức được quyền của mình nên không dám đấu tranh, sống cam chịu… Mặt khác, cộng đồng và các gia đình vẫn xem bạo lực gia đình là vấn đề riêng tư, người ngoài không nên can thiệp. Do đó, việc ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình chưa được nghiêm minh, kịp thời…

Bạo lực gia đình, hậu quả không nhỏ

Qua khảo sát, cứ 3 người phụ nữ thì có 1 người “từng bị chồng bạo hành về thể xác lẫn tinh thần”. Bạo lực gia đình không chỉ để lại hậu quả đối với nạn nhân mà còn các thành viên khác trong gia đình, nhất là trẻ em. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, bạo lực gia đình tác động xấu tới sự phát triển thể chất, tinh thần, đạo đức và trí tuệ trẻ nhỏ, khiến trẻ khủng hoảng, sợ hãi, mất ngủ, thiếu tự tin, thất vọng, rối loạn tâm lý, trầm cảm, ảnh hưởng đến kết quả học tập, kỹ năng sống và kỹ năng hòa nhập của trẻ.

Theo UNICEF, hiện có khoảng 275 triệu trẻ em chịu ảnh hưởng bạo lực gia đình. Hình thức bạo lực gia đình mà trẻ em gái gánh chịu có cả bạo lực tình dục, 40- 60% các vụ xâm hại tình dục nhằm vào các em gái dưới 15 tuổi.

Ở Việt Nam, theo điều tra năm 2008 của hội phụ nữ ở 8 tỉnh, có 23% số gia đình được hỏi có hành vi bạo hành về thể chất; 30% có hành vi bạo lực về tình dục, 25% có hành vi bạo lực về tinh thần; trong đó, nạn nhân là phụ nữ chiếm 97%.

Bạo lực gia đình cũng làm tăng trẻ em vi phạm pháp luật. Theo thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2008, có 70% trẻ vị thành niên phạm pháp do không được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Nguyên nhân phạm tội thường xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 49% phàn nàn về cách đối xử của cha mẹ. Qua điều tra hơn 2.200 học viên tại các trường giáo dưỡng, có 49,8% từng bị cha mẹ đối xử hà khắc, thô bạo, tàn độc. Số em bị cha đánh là 23% (gấp 6 lần mẹ đánh); bị dì ghẻ, bố dượng đánh (20,3%).

Làm thế nào để phòng chống bạo lực gia đình?

Để phòng chống bạo lực gia đình, tạo điều kiện phát triển về thể chất, tinh thần các thành viên trong gia đình và xã hội, cần nâng cao nhận thức cho mọi người, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Vận động, khuyến khích việc chia sẻ các hoạt động cũng như đời sống tinh thần, tình cảm. Song song, cần phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, luật trẻ em và luật phòng chống bạo lực gia đình thông qua buổi nói chuyện với họp tổ, khu phố, hội nghị… Đặc biệt là, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa theo Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy; phát huy vai trò tổ hòa giải cơ sở để ngăn chặn kịp thời và giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Có thể nói, việc phòng chống bạo lực gia đình là công tác lâu dài, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức xã hội, giúp cho mọi người nhận thức và chung tay xây dựng, phát triển gia đình góp phần cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.

Bài, ảnh: Trung Phong- Thụy Vũ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh