Người đặt “trái tim” vào công nghiệp miền Trung

10:11, 22/11/2012

Đối với người dân Quảng Ngãi và duyên hải miền Trung, ngày 6/1/2011, là một ngày đáng ghi nhớ, khi Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất chính thức khánh thành. Vùng đất đầm lầy, hoang vu trước kia giờ đã là một đại công trường mang tầm cỡ quốc gia. NMLD trở thành biểu tượng “trái tim” công nghiệp miền Trung. Người đặt “trái tim” đó chính là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.


Các kỹ sư trẻ Việt Nam trao đổi công việc với chuyên gia nước ngoài tại NMLD Dung Quất.

Đối với người dân Quảng Ngãi và duyên hải miền Trung, ngày 6/1/2011, là một ngày đáng ghi nhớ, khi Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất chính thức khánh thành. Vùng đất đầm lầy, hoang vu trước kia giờ đã là một đại công trường mang tầm cỡ quốc gia. NMLD trở thành biểu tượng “trái tim” công nghiệp miền Trung.

Người đặt “trái tim” đó chính là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Công trình để đời cho dân

Từ TP Quảng Ngãi, chúng tôi theo tuyến đường Bình Long– Dung Quất dài trên 23,6km nối QL1A về cảng Dung Quất. Tuyến đường đã chính thức được mang tên Thủ tướng Võ Văn Kiệt- là người chịu trách nhiệm chính trong quyết định chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng công trình NMLD đầu tiên của Việt Nam .

Trên chuyến xe hôm đó có thêm người dẫn đường- anh Trần Minh Sỹ (Bộ phận Truyền thông và Quan hệ công chúng) đã giới thiệu với chúng tôi nhiều điều về công trình mà anh bảo là “bác Sáu Dân để đời cho dân”. Anh Sỹ thuộc thế hệ 8X- thế hệ đang giữ một vai trò rất lớn trong quản lý, điều hành hoạt động NMLD Dung Quất.

Đón chúng tôi- đoàn nhà báo quê hương Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Đinh Văn Ngọc- Phó trưởng Ban quản lý Dự án NMLD- kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành NMLD Dung Quất) và cả Ban giám đốc, rất thân tình và cởi mở.

Ông Ngọc vui vẻ bắt đầu câu chuyện: “Để kể hết những thăng trầm của Dung Quất trong hành trình từ buổi đầu khai mở đến hôm nay, chỉ với những gạch đầu dòng thôi cũng đã chiếm đến vài chục trang giấy”.

Trong lịch sử xây dựng các công trình quốc gia ở Việt Nam từ sau năm 1975, chưa có công trình nào lại “nóng” trên nghị trường như NMLD Dung Quất.

Có ý kiến đồng thuận nhưng cũng không ít người tỏ ra quan ngại. Với nhiều điều kiện như: cảng nước sâu ở bên ngoài để dẫn dầu thô vào, cảng trong vịnh để làm cảng phân phối, lại gần QL1A và đường sắt thống nhất, sân bay Chu Lai; công trình thủy lợi Thạch Nham sẽ cung cấp đủ nước ngọt. Quan trọng nhất chính là một quyết sách quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt: chọn Dung Quất!

Khó khăn đầu tiên xem như vượt qua, mọi việc tưởng như “trời yên biển lặng” thì đầu năm 2002, trong lúc thi công gói thầu 5A thuộc hạng mục đê chắn sóng có tổng trị giá 476 tỷ đồng và 10,554 triệu USD, bất ngờ phát hiện một túi bùn nằm dưới độ sâu âm 25m thuộc phân đoạn cuối cùng của đê chắn sóng dài 1,6km.

Ngay sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gợi ý mời nhà thầu Hà Lan xử lý vì họ có nhiều kinh nghiệm xây đê. Sau một thời gian dài nghiên cứu, giải pháp nạo vét bùn và bơm cát vào thay thế đã được lựa chọn. Gần 1 triệu mét khối bùn dưới chân đê đã được hút bỏ thay vào đó là cát. Ngoài ra nửa triệu mét khối đá hộc cũng đã được nhà thầu Van Oord (Hà Lan), đơn vị thi công thả xuống biển để ổn định chân đê.

Ngoài ra, để triệt tiêu bớt sức mạnh của những con sóng cao 15m, nhà thầu này đã sử dụng đến 21.500 khối bê tông chắn sóng (29 tấn/khối). Đồng thời sử dụng đến cả thiết bị định vị vệ tinh để theo dõi việc lao thả các khối bê tông này trong suốt quá trình thi công. Sự cố phát sinh này đã “ngốn” gần 24 triệu USD.

Ngày 17/6/2008, công trình đê chắn sóng Dung Quất đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Ông Đinh Văn Ngọc cho biết, đê chắn sóng Dung Quất thuộc 1 trong 10 con đê lớn nhất thế giới. Cuối năm 2008, nhà máy bắt đầu vận hành chạy thử từng phần, các tàu trở về vịnh Dung Quất cung cấp dầu qua phao rót dầu đường dẫn đã xây xong.

Đúng 21h10 ngày 22/2/2009, dòng sản phẩm dầu khí mang thương hiệu “made in Vietnam” đã chính thức được đưa ra thị trường, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành, cấp dòng sản phẩm đầu tiên vào téc xe bồn. Những dòng dầu đầu tiên đã chảy trong tiếng hò reo, hân hoan của người dân Quảng Ngãi, người dân miền Trung mà còn lan tỏa ra khắp cả nước.

Dòng dầu sẽ chảy mãi

Giờ đây, mỗi khi NMLD Dung Quất bị “hắt hơi sổ mũi” rồi tạm ngừng sản xuất bởi một lý do nào đó, người ta mới thực sự hiểu tầm quan trọng của nó như thế nào. Nếu cách đây khoảng 10 năm, Dung Quất còn lắm nghèo khó vì bão tố bao trùm nhưng nay biển trời, cuộc sống người dân nơi đây đang từng ngày thay đổi.

Sự có mặt NMLD Dung Quất thật sự tạo ra bước đột phá về kinh tế, xã hội cho địa phương này.

Theo ông Đinh Văn Ngọc, hiện trung bình mỗi ngày nhà máy sản xuất hơn 180.000 thùng, đáp ứng 30% thị trường trong nước. Trong số tất cả 8 dòng sản phẩm của nhà máy gồm khí hóa lỏng LPG, propylene, xăng Mogas 90, Mogas 92, Mogas 95, xăng máy bay Jet A1, dầu hỏa, dầu Diesel thì dòng xăng máy bay khách hàng kỹ tính nhất là Vietnam Airline cũng đã sử dụng.

Quan trọng hơn nơi đây đã đặt nền móng cho một ngành công nghiệp mới- công nghiệp lọc hóa dầu, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế miền Trung phát triển và đưa cả nước tiến nhanh hơn vào con đường công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh tăng nguồn thu ngân sách, NMLD Dung Quất còn góp phần giải quyết việc làm lao động địa phương. Nhà máy hiện có khoảng 1.400 lao động, đa phần là người có tuổi đời khá trẻ, từ 25- 30 tuổi. “Già” nhất như Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang, năm nay cũng mới 45 tuổi.

Nhưng quan trọng hơn hết, tất cả có thể làm chủ những công nghệ máy móc hàng đầu thế giới. Mà trong số họ, là những con em của vùng đất Quảng Ngãi, miền Trung có cơ hội vươn lên làm chủ công nghệ hiện đại, bên cạnh 20- 30 chuyên gia nước ngoài thường xuyên làm việc tại đây.

Nói về tương lai phát triển của Dung Quất, ông Đinh Văn Ngọc cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định quy hoạch Dung Quất thành một thành phố công nghiệp mở, trung tâm lọc hóa dầu quốc gia, đô thị công nghiệp dịch vụ cảng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đồng thời là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí quan trọng về quốc phòng- an ninh quốc gia… Lúc đó, Khu công nghiệp Dung Quất sẽ có quy mô trên 46.000ha.

Quảng Ngãi đã và đang chuyển động cùng Dung Quất. Tiếng còi tàu cất lên từ bến cảng container xuất hàng nối các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, cùng sân bay Chu Lai, cảng dầu, cảng hàng hóa tạo thành một “quy hoạch chuẩn”.

Rời “trái tim công nghiệp miền Trung- NMLD Dung Quất” trong cái nắng trưa chói chang, xe lướt nhanh trên đại lộ Võ Văn Kiệt thẳng tắp hướng về TP Vạn Tường sôi động. Chúng tôi ấn tượng rất mạnh với những kỹ sư trẻ Việt Nam tự tin trao đổi, đưa ra giải pháp tối ưu điều hành nhà máy tốt nhất cùng các chuyên gia nước ngoài.

Xin mượn lời của ông Roberto F.H Romero- chuyên gia người Venezuela- để kết thúc bài viết này: “Đồng nghiệp của tôi ở đây rất thân thiện và năng động. Họ luôn đưa ra những ý kiến khả thi nhằm cải tiến hoạt động của nhà máy”.

NMLD Dung Quất đã đóng góp đáng kể vào tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh Quảng Ngãi. Nếu năm 2005 tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh khoảng 500 tỷ đồng thì đến năm 2009 (NMLD sản xuất dòng sản phẩm đầu tiên) đã tăng lên trên 6.400 tỷ và năm 2011 là 14.000 tỷ đồng.


Bài, ảnh: LÝ AN– NGUYỄN HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh