Xây dựng đường giao thông nông thôn trong năm 2012 ở huyện Long Hồ được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, có khá nhiều tuyến đường đã và đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, có những con đường cứ ì ạch “nằm hoài không chịu chạy”. Chúng tôi đi tìm hiểu nguyên nhân, vì sao nơi “được” nơi “không”?
Xây dựng đường giao thông nông thôn trong năm 2012 ở huyện Long Hồ được đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, có khá nhiều tuyến đường đã và đang làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, có những con đường cứ ì ạch “nằm hoài không chịu chạy”. Chúng tôi đi tìm hiểu nguyên nhân, vì sao nơi “được” nơi “không”?
Có những cái khó…triền miên
Khi nghe nhiều hộ dân nói về tình trạng đường Cái Tắc- Miễu Ông, thuộc ấp An Thạnh, xã Phú Đức đã lâu chưa hoàn thành. Chúng tôi đã đến Phòng Công thương huyện Long Hồ để tìm hiểu nguyên nhân. Ông Lê Đại Nam- Trưởng Phòng Công thương cho biết: Đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, phần kiến trúc sẽ được hỗ trợ, người dân hiến đất, cây trái, hoa màu. Nếu công trình này hoàn thành sẽ góp phần tạo vẻ đẹp mới cho nông thôn, đặc biệt sẽ nối liền các xã Long Phước- Phú Đức- Lộc Hòa- Hòa Phú và một phần xã Phú Thịnh của Tam Bình. Tổng chiều dài toàn tuyến liên xã khoảng 11km. Con đường đã hoàn thành 8km, tạo nên sức bật phát triển cho địa phương.
Đường Cái Tắc- Miễu Ông thuộc xã Phú Đức, thi công đã lâu nhưng đến nay vẫn là con đường đầy cát, cỏ dại… Ảnh: QUANG THUẦN- KHÁNH DUY
|
Riêng phần đường Cái Tắc- Miễu Ông, thuộc xã Phú Đức, thì vẫn chưa thể thi công, khiến bà con gặp rất nhiều khó khăn mấy năm nay. Đây là con đường chiến lược liên ấp, liên xã được chính quyền địa phương và nhân dân mong đợi. Đường có tổng chiều dài trên 2.890m, có vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xây lắp 4,9 tỷ đồng. Khi hoàn thành, đường sẽ đạt tiêu chuẩn cấp 6 đồng bằng với mặt đường 6,5m, phần láng nhựa là 3,5m. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm kể từ ngày khởi công xây dựng, đến nay chỉ có khoảng 2km mới hoàn thành phần nền nhưng hiện trạng còn rất nham nhở.
Theo ông Lê Đại Nam, thời gian thi công kéo dài là do còn gặp nhiều vướng mắc, nhất là có một số người dân không đồng tình, gây khó khăn cho đơn vị thi công. Dì Út Lệ (ấp An Phú- Phú Đức) cho biết: Đường này đã có dự án từ lâu, nhưng đến nay vẫn chỉ là đường đất cát trộn lẫn, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, nhất là vào mùa mưa lũ. “Mới mấy hôm trước đã có tình trạng lở cống, nước tràn vào nhà nên mọi người phải xúm lại đắp đê. Ở đâu thì tui không biết chứ khu vực này người dân đã đồng tình hết. Nói thiệt chứ người dân mong có con đường này dữ lắm rồi”. Trong khi đó, một người dân có ảnh hưởng từ dự án xây dựng con đường trên cho biết, có một số hộ không đồng tình đã làm khó đến công trình, đến các hộ dân khác. “Mà cái đáng nói là các hộ không đồng tình thì lại nằm ở đoạn giữa dự án. Nếu con đường này mà hoàn thành, thì người dân sẽ phấn khởi biết mấy”.
Theo ông Lê Đại Nam, hiện chính quyền địa phương và nhà thầu thi công nhất trí là sẽ tiến hành làm từ 2 đầu, riêng đoạn giữa có các hộ không đồng tình thì tiếp tục vận động làm sau. Cố gắng sẽ hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất.
Trong buổi chiều, chúng tôi phải chạy ngược xuôi từ ấp lên xã, rồi từ xã chạy về ấp, cố gắng liên lạc với Bí thư chi bộ ấp An Thạnh, lãnh đạo xã Phú Đức để nắm thêm thông tin về tình hình khó khăn và hướng giải quyết thì đều nhận những câu trả lời từ chối. Chúng tôi rất khó hiểu vì sự “né tránh” này. Trong khi đa số người dân đang trông mong từng ngày có con đường mới khang trang, dễ dàng lưu thông trong hai mùa mưa nắng…
Khi lãnh đạo xã quyết tâm, kiên trì, “đeo bám”
Theo số liệu của Phòng Công thương huyện Long Hồ, tổng vốn đầu tư xây dựng giao thông nông thôn năm 2012 đạt trên 47 tỷ đồng, trong đó năm 2011 chuyển tiếp gần 22 tỷ đồng. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung vào các nguồn như: ngân sách địa phương, chương trình hỗ trợ từ Nghị quyết Trung ương 7 và chương trình hỗ trợ các mục tiêu từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn vay chiếm tỷ lệ nhỏ. Đây được xem là năm mà huyện Long Hồ có nhiều dự án đầu tư đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế địa phương. Song, có thể khẳng định một điều rằng: trong quá trình thực hiện không nơi nào mà không gặp khó. Vấn đề là lãnh đạo địa phương có quyết tâm, linh động, kiên trì, đeo bám để “gỡ khó” như thế nào? Những địa phương điển hình làm tốt, phải kể đến các xã Long Phước, Bình Hòa Phước,…
Dân đồng tình, lãnh đạo địa phương quyết tâm: giao thông nông thôn thông suốt. Ảnh: HỒNG NAM (Long Hồ).
|
Đem câu chuyện về làm đường giao thông nông thôn rất thành công đến UBND xã Bình Hòa Phước, chúng tôi được Phó Bí thư Đảng ủy xã- Nguyễn Văn Nghĩa trình bày các khó khăn và kết quả làm được. Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, xét về phương diện xây dựng giao thông nông thôn thì Bình Hòa Phước cũng như nhiều địa phương khác đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc chậm giải ngân vốn đền bù và vướng các hộ không đồng tình là những thách thức lớn cho địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận tình hình thực tế với nhu cầu phát triển xã hội, lãnh đạo xã vẫn quyết tâm thực hiện với nhiều phương châm, biện pháp khác nhau sao cho chính quyền và nhân dân cùng “nắm tay nhau” thì khó mấy cũng phải xong.
Phó Bí thư Đảng ủy xã phân tích, chủ trương của địa phương là kiên trì vận động, chia thành nhiều tổ, đoàn thể để đến tận nhà để “gỡ lần lần”. Chỗ nào dân đồng tình thì mình làm trước, chỗ nào chưa thì từ từ vận động rồi làm sau. Nói về công tác vận động, ngoài cán bộ, các ban ngành, đoàn thể địa phương thì phải còn nhờ đến các bậc cao niên, người có uy tín trong nhà để cùng nhau vận động. Cứ như thế, từng con đường nhựa láng bon, sạch sẽ dần mọc lên.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa: “Nếu hộ nào còn vướng tiền đền bù thì chúng tôi cũng đứng ra hứa là sẽ giải ngân trong năm 2012. Chỉ có những hộ không được hỗ trợ đền bù nhưng có hoàn cảnh khó khăn thì chúng tôi đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Có như thế, người dân mới đồng tình và thông cảm cho địa phương. Hiện tại, xã Bình Hòa Phước đang triển khai 3 công trình đường giao thông cho xe 4 bánh có thể chạy và tiếp tục hoàn chỉnh một tuyến đê bao. Tuy nhiên, trong công tác đánh giá, mặc dù có kết quả khả quan nhưng vẫn cảm chưa đạt được như mong muốn”.
Ở từng địa phương, xây dựng đường giao thông nông thôn đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn. Cái để làm nên kết quả chính là sự quyết tâm, kiên trì, linh động của chính quyền địa phương, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Qua mỗi lần vượt khó, người dân có được con đường, còn cán bộ thì được người dân thêm yêu quý, tin tưởng.
QUANG THUẦN- KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin