Cảm nhận một tấm lòng!

07:11, 23/11/2012

Trong cuộc đời làm công chức của tôi, rất nhiều dịp tôi vinh dự được tiếp xúc cùng Chú Chín Hòa (Võ Văn Kiệt) từ trong công việc kể cả ngoài đời thường.

Trong cuộc đời làm công chức của tôi, rất nhiều dịp tôi vinh dự được tiếp xúc cùng Chú Chín Hòa (Võ Văn Kiệt) từ trong công việc kể cả ngoài đời thường.

Với tôi, Chú gần gũi như một người Cha vậy! Những việc Chú quan tâm và tâm huyết với quê hương đều in đậm trong tâm não của tôi và tôi lấy đó làm điểm tựa cho công việc của mình. Qua thời gian tiếp xúc, tôi tự thấy mình có thêm nghị lực, năng lực trong cuộc sống và công tác, tôi vô cùng ngưỡng mộ, nhất là cái tâm và cái tầm của Chú mặc dù đã ở tuổi bát tuần vốn là “cổ lai hy”.

Trước hết Chú tìm hiểu về tình hình kinh tế- xã hội tỉnh nhà thông qua những lần tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, thông qua nghiên cứu các báo cáo định kỳ của tỉnh. Điều đặc biệt là sau đó Chú trực tiếp xuống cơ sở, tận ấp, xã, huyện, thị xã, các doanh nghiệp, sở ngành, thăm và gặp gỡ các vị lão thành cách mạng, các cụ đã nghỉ hưu... để tìm hiểu thực tế. Có lần Chú đi mỗi huyện một xã và đi suốt 5 ngày liền.


Tác giả bài viết đứng bìa phải trong lễ mừng sinh nhật Chú Chín.
Ảnh: TL

Chú đã đi khảo sát rất nhiều nơi như chợ Phường I, chợ Mai Phốp, chợ Vũng Liêm, xã An Phước, xã Hiếu Phụng, xã Trung Hiệp, thị trấn Vũng Liêm, xã Quới An, xã Trà Côn,… Những ấp, xã Chú đến, Chú tìm hiểu thật cặn kẽ tình hình phát triển kinh tế và đời sống người dân, quan tâm tìm hiểu tình hình hộ nghèo, tìm mô hình sản xuất mới có hiệu quả.

Chú quan tâm tìm ra mối quan hệ tác động của hệ thống chính trị ở cơ sở một cách cụ thể hay rõ hơn là Chú muốn tìm xem sự tác động cụ thể bằng quy hoạch, kế hoạch, giải pháp thực hiện của cấp ủy chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở đối với việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và đời sống của người dân.

Việc đi cơ sở và gặp gỡ trực tiếp người dân thể hiện sự sâu sát và lắng nghe của Chú. Chú luôn chỉ ra rằng phải sát cơ sở, sát với dân, sát với phong trào, các cấp ủy chính quyền phải đề ra mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, thời gian thực hiện cụ thể, phân công giao việc rõ ràng, có sơ- tổng kết rút kinh nghiệm thật nghiêm túc.

Mọi việc phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, việc gì có ích cho dân dù lớn hay nhỏ đều phải được quan tâm và thực hiện đến nơi đến chốn, mục đích cuối cùng là phục vụ nhân dân, làm cho đời sống người dân ngày một tốt hơn.

Những việc cần làm vì lợi ích cho đất nước và vì cuộc sống người dân không thể thể hiện đầy đủ trong văn bản chỉ đạo của cấp trên, cho nên cán bộ các cấp cần năng động sáng tạo trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên và từ thực tiễn cuộc sống của người dân và của địa phương mình mà đề ra những giải pháp cụ thể.

Chú rất quan tâm và nghiên cứu những mô hình mà người dân thực hiện có hiệu quả nhằm mục đích nhân rộng, để có chủ trương ở tầm vĩ mô, để thúc đẩy kinh tế đời sống phát triển. Chú rất muốn trong lúc trình độ sản xuất của người dân còn nhiều mặt hạn chế thì cần sự hướng dẫn giúp đỡ của cấp ủy chính quyền và đoàn thể. Người dân cần vốn thì có giải pháp về vốn, thiếu tay nghề, trình độ thì tập huấn hướng dẫn cụ thể…

Chú cũng quan tâm đến sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư cả trên lĩnh vực tinh thần và cả trong sản xuất và hệ thống chính trị ở cơ sở luôn phải là hạt nhân để tạo nên sự đoàn kết và sức mạnh của quần chúng nhân dân trong mọi phong trào.

Trong công tác giảm nghèo, Chú yêu cầu có giải pháp cụ thể cho từng hộ theo hoàn cảnh cụ thể của họ, phải phân công đảng viên, hội viên đoàn thể phụ trách từng hộ. Đi cơ sở chú luôn chú ý đặc điểm tình hình cụ thể của mỗi nơi và yêu cầu lãnh đạo ở cơ sở phải trên cơ sở chủ trương chung mà vận dụng cụ thể vào điều kiện của mình.

Chú thường nhấn mạnh chủ trương là phải thống nhất, nhưng mỗi nơi cần phải vận dụng sát hợp vào điều kiện cụ thể của mỗi nơi. Trong vấn đề này, Chú có nhắc: “Nghị quyết và kế hoạch của cấp trên và cấp dưới qua nghiên cứu sao thấy giống nhau quá, chưa thể hiện tính đặc thù và thế mạnh của từng nơi” và về giải pháp thì “chưa cụ thể lắm”. Cần phải cụ thể, thiết thực, phù hợp hoàn cảnh và điều kiện của từng địa phương.

Chú rất quan tâm đến việc phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại- dịch vụ tỉnh nhà. Sau khi nghiên cứu tình hình và trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Chú đã trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh, với một số bộ ngành Trung ương và nhiều lần Chú mời những doanh nghiệp về tỉnh đầu tư.

Chú yêu cầu lãnh đạo tỉnh nên gắn kết với TP Hồ Chí Minh để liên doanh liên kết trong phát triển kinh tế một cách toàn diện, đôi bên cùng có lợi, cùng phát triển. Chú đã mời Tổng Công ty Xi măng Hà Tiên, Co.op Mart TP Hồ Chí Minh, HTX Ba Nhất, Tổng Công ty May Việt Tiến, Công ty Du lịch Saigon, Tổng Công ty Cơ khí và máy động lực, Công ty Tỷ Xuân, Công ty Dầu khí Saigon... về làm việc với tỉnh để bàn kế hoạch đầu tư tại tỉnh.

Chú luôn căn dặn “mời người ta về đầu tư khó lắm vì tỉnh xa, chúng ta cần kiên trì và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư”. Hiện những doanh nghiệp kể trên đang hoạt động tại tỉnh là có sự tác động rất cụ thể và rất lớn của Chú. Trong quá trình mời gọi đầu tư, có những vướng mắc, Chú trực tiếp có ý kiến với bộ ngành chủ quản, thậm chí với Chính phủ để được ủng hộ và tháo gỡ.

Đối với doanh nghiệp địa phương, Chú cũng đã đến với nhiều doanh nghiệp, vì doanh nghiệp rất cần sự giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, cần phát huy năng lực của họ vì họ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” và họ rất năng động sáng tạo trong cơ chế thị trường… Khi đến với doanh nghiệp, Chú luôn thăm hỏi về hiệu quả sản xuất, thuận lợi khó khăn trong hoạt động.

Sau khi nắm tình hình, Chú bàn với lãnh đạo tỉnh có hướng giải quyết cụ thể. Những vấn đề đã bàn, khi về lần sau là Chú lại hỏi kết quả đến đâu, nếu giải quyết chậm Chú tỏ vẻ không hài lòng… Chú rất quan tâm đến việc thành lập các hội ngành nghề để tập hợp lực lượng sản xuất và sản phẩm, chống tình trạng sản xuất nhỏ, cạnh tranh không lành mạnh, bị ép giá…

Khi gặp các doanh nghiệp, Chú luôn căn dặn thông qua tổ chức hội để bán hàng đảm bảo thống nhất về lợi nhuận và chống cạnh tranh không lành mạnh, tránh bị ép giá…

Chú có nhận xét chung là dân ta còn nghèo quá! Về vấn đề này, Chú thường căn dặn: Chủ yếu là giải quyết bằng công ăn việc làm, bằng cơ chế chính sách… để đảm bảo người dân có việc làm bền vững.

Phải xem xét cụ thể để tìm nguyên nhân dẫn đến nghèo và xem xét biện pháp cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của từng hộ, thiếu vốn thì có giải pháp về vốn, thiếu tư liệu sản xuất thì có giải pháp về tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức năng lực thì giúp về kiến thức năng lực…

Chú rất quan tâm đến việc đưa công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp về nông thôn để thu hút lao động giải quyết việc làm cho dân thoát nghèo.

Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài cây lúa chất lượng cao, Chú lưu ý, phải đi vào sản xuất chuyên canh các loại cây- con khác đảm bảo chất lượng và sản lượng đáp ứng cho tiêu dùng và cho xuất khẩu.

Cần tạo cơ chế cho nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp gắn kết nhau, có trách nhiệm lẫn nhau nhằm cùng nhau thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, đó là con đường xóa nghèo ở nông thôn bền vững hơn cả, đó cũng là cơ sở để kinh tế nông nghiệp đi vào sản xuất lớn và hiện đại.

Chú đã đến với nhiều vùng trồng cây ăn trái, mô hình trồng nấm rơm, trồng lác… Chú yêu cầu đẩy nhanh công tác cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn cây ăn trái chất lượng cao, Chú nhờ bộ ngành Trung ương mời chuyên gia Cuba về khảo sát nghiên cứu và đề xuất phương hướng sản xuất cây có múi ở tỉnh.

Chợ là điều kiện là nơi trao đổi hàng hóa, là nơi kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần nâng cao đời sống dân cư… Với quan điểm mức độ phát triển chợ là thước đo nền kinh tế và mức sống người dân, Chú đã đi khảo sát khá nhiều chợ trên địa bàn tỉnh, bàn với tỉnh quan tâm đến việc xây dựng phát triển chợ, ưu tiên xây dựng các chợ đầu mối, các chợ đã quá tải, các chợ vi phạm lộ giới, bố trí “vốn mồi” đối với các chợ khó có khả năng xây dựng chợ theo phương thức “lấy chợ nuôi chợ”, trong xây dựng và phát triển chợ, chú ý vị trí để dân mua bán thuận lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy… trong quản lý chợ cần tạo nếp sinh hoạt văn minh hiện đại…

Chú còn quan tâm đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, xây dựng giao thông thuận lợi, nhà cửa khang trang sạch đẹp, giữ vệ sinh môi trường nông thôn, đoàn kết cùng chung xây dựng ấp- khóm văn minh; quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý được chặt chẽ nhưng tránh làm phiền hà người dân.

Những lúc không về được, Chú gọi các anh lãnh đạo của tỉnh lên nhà để trao đổi công việc. Tôi cũng rất vinh dự thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh lên gặp Chú để báo cáo tình hình đối với những vấn đề Chú quan tâm và ghi nhận những ý kiến đóng góp của Chú cho tỉnh.

Chú yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ hàng tuần gặp nhau từ 1- 2 tiếng đồng hồ để trao đổi và thống nhất xử lý nhanh công việc. Chú cũng nhắc các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, sở ngành cần thường xuyên và sâu sát cơ sở, sát với dân nhằm chỉ đạo và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc cho cơ sở; xây dựng mô hình, phát hiện mô hình và nhân rộng mô hình một cách kịp thời và hiệu quả, thúc đẩy nhanh kinh tế- xã hội phát triển.

Trong chỉ đạo điều hành, quan tâm việc phát huy nội lực, thế mạnh của tỉnh, cũng cần tranh thủ ngoại lực nhằm hỗ trợ, tác động thúc đẩy tỉnh nhà đi lên một cách đồng bộ.

Các đoàn thể cần đi sâu đi sát hội viên và tổ chức của mình, tuyên truyền vận động để hội viên đoàn thể của mình nắm vững đường lối chủ trương chính sách, hướng dẫn họ thực hiện, đoàn thể phải thực hiện mọi phong trào theo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương, không thể xem đó là công việc riêng của chính quyền, đoàn thể phải gắn chặt với hội viên của mình, khắc phục tình trạng hành chính hóa ở các đoàn thể.

Trong các đoàn thể, Chú đặc biệt quan tâm đến Đoàn Thanh niên, cho rằng đây là lực lượng trẻ được đào tạo cơ bản khá toàn diện, có nhiệt huyết… cần phát huy.

Lúc bệnh viện tỉnh mới đang xây dựng, Chú có đến thăm và yêu cầu Sở Y tế đi tham quan nghiên cứu công tác quản lý của các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu căng tin của Bệnh viên Chợ Rẫy và khi về bệnh viện mới phải xây dựng nề nếp quản lý thật hiệu quả, chú ý phục vụ bệnh nhân ăn theo bệnh lý vì nó có tác dụng hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh…

Chú góp ý đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh, đảm bảo lưu giữ tài liệu, hiện vật có hệ thống góp phần giáo dục truyền thống tỉnh nhà cho hiện tại và cho mai sau… Xây dựng công viên gắn với con người và lịch sử đấu tranh, theo đó xây dựng Bảo tàng nông nghiệp…

Chú rất trân trọng đồng đội, những cán bộ đã nghỉ hưu. Khi về Chú thường đến nhà thăm hoặc mời đến cơ quan gặp gỡ thăm hỏi trao đổi công việc, dùng cơm thân mật… tranh thủ thời gian ghé thăm người thân và mộ phần ông bà ở xã Trung Hiệp.

Chú trân trọng và có tình cảm sâu sắc với mảnh đất nơi chào đời, tạo lại cái ao mà “tao nhớ cạnh nhà sau có cái ao và có sàn nước, có cầu xuống ao này…”, chỉnh trang lại khu mộ của gia đình. Điều đặc biệt là các phần mộ làm lại cũng rất đơn giản, nhà cửa của người thân, kể cả nhà thờ ông bà cũng giống bao nhiêu nhà dân bình thường khác trong xóm. Ngôi đình Trung Hiệp Chú cho xây dựng lại là vì tâm linh của bà con quê nhà và nơi ấy cũng có bao kỷ niệm thời thơ ấu của Chú.

Tấm lòng của Chú quá to lớn và cao thượng, tuy tuổi cao nhưng chú luôn vì công việc, vì quê hương… Nay tôi ghi lại những gì cảm nhận được từ Chú thì Chú đã ra đi! Xin nguyện một lòng cố gắng hết sức mình để góp phần nhỏ vào việc xây dựng quê hương, đất nước. Cũng mong rằng qua đây cán bộ công chức tỉnh nhà có quyết tâm cao hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn trong công việc của mình.

Chú còn quan tâm việc làm sao cho chính quyền phải thực sự là chỗ dựa của dân, cán bộ phải được chuẩn hóa nhất là về tinh thần trách nhiệm, phải có cái tâm và năng lực làm việc, khả năng phục vụ, phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải năng động sáng tạo… phát huy dân chủ nhưng phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, phải phục tùng người đứng đầu, trong làm việc phải có chương trình kế hoạch và phân công phân nhiệm cụ thể, có thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc, báo cáo thỉnh thị… làm đến nơi đến chốn không nửa vời, buông trôi; sơ- tổng kết rút kinh nghiệm thật nghiêm túc, khách quan không tô hồng thành tích và che giấu tồn tại thiếu sót…

NGUYỄN VĂN LƯỢNG

(Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh