Nước nổi về cũng là thời điểm nhiều nông dân miền Tây dùng các ngư cụ đánh bắt, khai thác nguồn sản vật thiên nhiên theo con nước tràn về làm thức ăn hay kiếm thêm thu nhập. Vì thế, các sản phẩm như lưới, câu, lờ, lọp… đang vào mùa.
Nhiều cơ sở làm lưới đã chuẩn bị hàng từ rất sớm.
Nước nổi về cũng là thời điểm nhiều nông dân miền Tây dùng các ngư cụ đánh bắt, khai thác nguồn sản vật thiên nhiên theo con nước tràn về làm thức ăn hay kiếm thêm thu nhập. Vì thế, các sản phẩm như lưới, câu, lờ, lọp… đang vào mùa.
Tất bật, giá tăng
Những ngày này, không khí làm việc ở xóm lưới ấp Long Thành, xã Long Hậu (Lai Vung- Đồng Tháp) rất hối hả. Chị Nguyễn Thị Thu Hà- chủ một cơ sở làm lưới cho biết: Xóm lưới hoạt động quanh năm, mùa lũ thì càng ráo riết nên có khi làm suốt đêm. Để kịp giao hàng cho khách, chị huy động thêm 30 nhân công phụ luồn phao, bắt chì... Ngoài tiền công tính theo sản phẩm, chủ cơ sở còn bao cơm ngày 2 bữa.
Vừa tranh thủ bắt phao, vừa tiếp chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thiệp cho biết: Đầu mùa chị đã đầu tư cả trăm triệu đồng để mua nguyên liệu. Thời điểm nước lên là bán đắt nhất trong năm, cao điểm có khi bán cả ngàn tay lưới/ngày. So với năm rồi giá nhích lên do giá các dụng cụ đầu vào chì, lưới, phao… đều tăng. Hiện giá một tay lưới có thể lên tới 450.000đ. Ngoài các loại lưới sản xuất trong nước, còn có các loại lưới nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc…
Tại chợ thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn), anh Nguyễn Anh Tuấn- chủ tiệm đồ nan Anh Minh cho biết: Năm nào cũng vậy, từ tháng 7 âl thì những dụng cụ đánh bắt vào mùa nước nổi bắt đầu hút hàng, đặc biệt là những sản phẩm thông dụng như lọp tép, lọp cá bống, lờ tôm… Anh cũng cho biết, giá các loại lờ, lọp năm nay tăng cao so năm rồi. Chẳng hạn, hiện lọp tép có giá 19.000– 20.000 đ/cái (tăng 4.000– 5.000 đ/cái), lờ tôm 55.000– 75.000 đ/chục (tăng 5.000– 10.000 đ/chục)…
Chị Lê Thị Vũ- vợ anh Tuấn- cho rằng giá tăng là do tre, trúc ngày càng hiếm; nhân công thời vụ làm lờ, lọp… cũng ngày càng ít đi (do chuyển sang nghề khác ổn định hơn). Anh Tuấn bức xúc: Đã vậy, các cơ sở đầu mối nghe nước lên nhiều còn “găm hàng” để đẩy giá lên cao. Mà giá tăng cao thì rốt cuộc người chịu thiệt vẫn là người mua hàng.
Thời điểm này, tiệm bán dụng cụ nước nổi Tường Anh cũng đã trưng bày bắt mắt đầy đủ các dụng cụ đánh bắt thủy sản mùa nước như: lưới giăng cá, lưới làm dớn, chài, vó, rập cá…
Anh Tính- chủ tiệm Tường Anh xởi lởi: Vài năm nay, thị trường có thêm loại lưới 3 màn (3 lớp lưới xếp chồng lên nhau) và sản phẩm “12 cửa ngục” (còn gọi là rập cá) giúp đánh bắt cá dễ dàng hơn, mà theo anh Tính thì “mấy dụng cụ này, cá nào chui đầu vô thì… khỏi chạy”.
Nước càng nhiều, càng bán đắt
Chị Thiệp cho biết: Xóm lưới có khoảng 12 hộ, hầu hết đều từ tỉnh Thừa Thiên Huế vào
Có nhiều cỡ lưới để khách hàng lựa chọn.
Anh Tính nói: Năm rồi, thời điểm này là bán tới chiều không có thời gian ăn uống nhưng giờ còn rảnh quá trời nè! Thực ra, sức mua cũng đang tăng dần nhưng chưa nhiều lắm!...
Còn anh Tuấn thì vui vẻ: Hiện sức mua tuy chưa bằng năm ngoái nhưng cũng tăng gấp rưỡi so ngày thường rồi. Theo anh dự đoán thì bước qua tháng 9 âl thị trường sẽ vào mùa cao điểm vì đó là lúc cá sẽ theo nước đổ về nhiều.
Anh Tuấn cười tươi: Hễ nước lên nhiều thì hàng càng đắt. Mọi năm tui chuẩn bị hàng ngàn cái lọp và đều bán hết. Năm nay, tui cũng nghe nước về nhiều nên đầu mùa tui trữ 4.000 cái lọp tép; 3.000 cái lờ tôm mà không đủ để bán. Thời gian gần đây, khách từ các xã ở Trà Côn, Tân Mỹ, Loan Mỹ (Trà Ôn)… cũng đến mua nhiều. Vả lại, giá dụng cụ năm nay dù có tăng nhưng bù lại, hổm rày mấy anh đặt lờ tép khoe: Tép năm nay cũng nhiều lắm, giá tép năm nay cao gấp đôi năm rồi. Hiện một người đặt 50– 60 chục lọp tép, nếu trúng có thể được 7- 8 kg/ngày, giá tới 50.000 – 60.000 đ/kg. Vì thế, trước mắt, người đặt lọp có thể kiếm được đồng lời trong mùa nước nổi.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin