Tăng giá trị “Giờ thứ chín”

01:10, 12/10/2012

Đó là lớp học như các lớp học bình thường khác, chỉ khác là học sinh mặc đồng phục in “phù hiệu” Công ty CP May Vĩnh Tiến và lớp được tổ chức ngay trong công ty. “Giờ thứ chín” trở nên thật sôi động.


Sau giờ làm việc ở xưởng máy, những CN chăm chỉ trong lớp học văn hóa ban đêm.

Đó là lớp học như các lớp học bình thường khác, chỉ khác là học sinh mặc đồng phục in “phù hiệu” Công ty CP May Vĩnh Tiến và lớp được tổ chức ngay trong công ty. “Giờ thứ chín” trở nên thật sôi động.

Khi công nhân đi học

6 giờ, lớp học bắt đầu, thầy giáo vừa ghi bảng vừa dõng dạc: “Hôm nay chúng ta học môn Địa lý, bài 28, Vùng Tây Nguyên. Bạn nào cho biết Tây Nguyên gồm các tỉnh nào?” Một bạn nam đứng lên trả lời nhanh nhảu. “Điều kiện tự nhiên là nói đến những gì?” Có 2 cô học sinh đứng lên, thầy ưu tiên bạn đứng sau và yêu cầu bạn bàn trên bổ sung… Hầu hết học sinh đã vào lớp đầy đủ, nhưng cũng có người “thầy ơi, em về nhà gửi con nên đi học trễ”.

Lớp phổ cập cấp 2 được Công ty CP May Vĩnh Tiến tổ chức ngay trong công ty để thuận tiện cho công nhân (CN). Học sinh của lớp hầu hết ở độ tuổi 30- 40, mỗi người một hoàn cảnh mà bỏ học giữa chừng. Công ty tạo điều kiện tối đa về thời gian, hỗ trợ hoàn toàn học phí để CN yên tâm đến lớp.

Anh Nguyễn Ngọc Đông– Phòng Kỹ thuật, lớp trưởng- cho biết hồi đó học giữa lớp 9 thì nghỉ ngang. Vì thế, theo anh Đông, anh em cùng động viên vượt qua mệt mỏi của một ngày làm việc, vượt qua tuổi tác có phần tiếp thu chậm để đạt được kết quả tốt nhất.

Và hơn thế nữa, đối với những nữ CN việc sắp xếp thời gian, gia đình là chuyện không nhỏ. Như trường hợp của chị Lê Thị Diệu rất hăng hái tham gia lớp học, nhưng một mình chị phải lo con nhỏ 5 tuổi nên xin thầy cô cho bé theo mẹ vào lớp học. Thấy chị hiếu học, một chị làm cùng công ty nhận giữ cháu bé dùm. Bữa nào đi học, hết giờ làm chị tranh thủ chạy về cho con ăn, gửi con. Theo chị Diệu: “Trước không có điều kiện học tới nơi tới chốn, giờ có cơ hội phải tranh thủ học để hiểu biết thêm”.

Anh Nguyễn Văn Lộc- CN đóng gói, nói rất thật: “Khó khăn nhất là vừa học vừa làm, có lúc tiếp thu bài tốt, lúc không. Nên vào lớp phải chú ý lắng nghe thầy giảng bài, không hiểu phải hỏi để được giảng lại, tiếp thu bài tốt hơn. Nhiều bữa học trùng tăng ca, nhưng tan ca là lên lớp ngay”.

“Học để nâng cao tầm hiểu biết làm việc tốt hơn. Tụi em làm ngành may, đơn hàng cải tiến liên tục, mình phải có trình độ để nắm bắt nhanh, nâng cao tay nghề hơn nữa. Học để tiếp thu kiến thức công việc trôi chảy, thuận lợi hơn. Đó là mong ước lớn nhất của tụi em”- những nữ CN nói như tâm sự. Bởi theo họ, đây là cơ hội tốt mà không phải làm việc ở công ty nào cũng có, dù đã có tay nghề vững cũng cần trình độ mới bền được.

Tất cả họ đều rất nỗ lực tốt nghiệp cấp 2, để tiếp tục học lên cấp 3.

San sẻ với người lao động

Thầy Nguyễn Anh Dũng– giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long, nhận xét: “Đây là lớp học đầu tiên tôi tới doanh nghiệp giảng dạy. Học sinh lớn tuổi, còn có gia đình, nên trong việc học họ phải rất cố gắng và có quyết tâm rất cao. Họ có tinh thần học tập tốt. Chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu học sinh phải nắm bắt những kiến thức, kỹ năng làm bài. Để trang bị kiến thức cơ bản nhất, chúng tôi soạn bài giảng cực hơn, sao cho trực quan sinh động dễ nắm bắt, dễ hiểu nhất”.

Lớp phổ cập cấp 2 là 1 trong 3 lớp học nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho CN, cán bộ quản lý. Nếu lớp bổ túc văn hóa (32 người) dành cho CN có điều kiện phổ cập hết cấp 2, thì lớp cao đẳng may (41 người) là để tạo nguồn cán bộ quản lý, tạo nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc cho lực lượng kế thừa. Mới đây, công ty phối hợp Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long khai giảng Lớp bồi dưỡng kiến thức tin học cho 116 cán bộ quản lý. Theo ông Nguyễn Xuân Nam- Phó Giám đốc công ty, bồi dưỡng kiến thức tin học nhằm giúp người lao động tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng tin học vào thực tế sản xuất, giúp người quản lý nắm chắc kiến thức, tạo ra nhiều sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Đặc biệt, còn tạo điều kiện cho người lao động tăng thu nhập và ngày càng gắn bó hơn với công ty.


Lớp học tổ chức ngay tại hội trường công ty, giáo viên tới tận nơi giảng dạy.

Các khóa học đều được công ty hỗ trợ toàn bộ học phí, tạo điều kiện về thời gian, với những CN ở xa, công ty còn hỗ trợ bữa ăn chiều giúp họ “vững dạ” lên lớp.

“CN ngành may thường có trình độ thấp, ít học. Nếu không nâng cao tri thức họ rất khó tiếp cận công nghệ cao. Chúng tôi trang bị cho công nhân văn hóa, để họ yên tâm làm việc, không ngừng cố gắng. Nhiều anh em chuyên môn rất giỏi, nhưng vướng trình độ văn hóa nên không thể bố trí vị trí cao hơn được. Do vậy, đây cũng là cách san sẻ của công ty với anh chị em, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho người dân địa phương”- doanh nhân Nguyễn Minh Tuệ- Giám đốc công ty– 1 trong 30 doanh nhân tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2012, chia sẻ với chúng tôi.

Đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động rất được Ban giám đốc chú trọng. Theo ông Tuệ, trong hơn 10 năm hình thành và phát triển, đây là chủ trương xuyên suốt và đúng đắn. Trước đây, tổng công ty phải đưa hơn 100 cán bộ quản lý xuống điều hành sản xuất, nhưng đến nay, hầu hết cán bộ quản lý công ty đều là người tại địa phương trưởng thành lên.

Chăm lo cho người lao động cũng là đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp. Doanh nhân Nguyễn Minh Tuệ rất tâm đắc khi nói rằng: “Hãy tạo điều kiện và đặt niềm tin vào người lao động, họ sẽ làm tốt mọi việc”.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh