Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy này được cán bộ làm công tác dân vận thuộc “nằm lòng”. Chính vì thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ dân vận đã ứng dụng và phát huy trong công tác vận động người dân tham gia các phong trào thi đua tại địa phương.
Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy này được cán bộ làm công tác dân vận thuộc “nằm lòng”. Chính vì thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ dân vận đã ứng dụng và phát huy trong công tác vận động người dân tham gia các phong trào thi đua tại địa phương.
Khi người dân đồng tình
Con đường đan mang tên Chùa Ông Bảy, chạy dọc theo kinh Lồng Ống đi qua 2 ấp Tân Minh, Tân Lộc (thuộc xã Tân Lược- Bình Tân) vừa được khánh thành cách nay một tháng đã làm nức lòng người dân nơi đây.
Đường đan Chùa Ông Bảy giờ đã khang trang.
|
Ông Biện Bá Lợi- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Tân Lược cho biết: “Con đường này có cách nay trên 50 năm, là tuyến đê bao và là đường giao thông chủ yếu của người dân 2 ấp Tân Minh và Tân Lộc. Trước đây, khi chưa có đường đan, con đường lầy lội gây khó khăn trong việc đi lại của người dân, nhất là các em học sinh trong mùa mưa lũ”. Đầu năm 2012, biết xã có chủ trương làm con đường này, ông Biện Bá Lợi đăng ký hưởng ứng mô hình dân vận khéo để vận động người dân đóng góp tiền và ngày công xây dựng tuyến đường. “Mới đầu đi vận động khó khăn lắm, người dân thấy chi phí cao nên ngán ngại, bản thân tôi và cán bộ hội phải đi tới, đi lui mấy lần”- ông Biện Bá Lợi cho biết. Lúc đó bản thân ông đóng tới 2 vai, một là phụ trách CTĐ, một là thư ký của Ban Trị sự Phật giáo Hòa hảo nên cũng thuận tiện. Mặc dù ban đầu có khó khăn nhưng chỉ sau vài tháng vận động, hầu hết người dân trong ấp đều đồng tình. Sau 2 tháng khởi công xây dựng, con đường đan dài 1.300m, ngang 2m được hình thành theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo ông, có một vài con số bây giờ nhớ lại thấy rõ là “khi dân đồng tình thì việc gì cũng nhanh và thuận lợi”. Tổng kinh phí làm con đường khoảng 415 triệu đồng, nhưng nếu tính đúng là gần 550 triệu đồng. Bởi lẽ, không chỉ người dân đồng ý góp vốn, mà còn góp cả ngày công lao động để thi công. Tính ra, khi con đường hoàn thành, người dân đã góp khoảng 1.200 ngày công lao động.
Anh Trần Văn Sáu- Trưởng Khối Vận xã Tân Lược cho biết: “Không chỉ con đường này đâu, từ trước tới giờ, xã đã thực hiện rất nhiều công trình theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tính bình quân, mỗi năm xã thực hiện trên 10 cây cầu nông thôn với kinh phí mỗi cây từ 7- 8 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng. Việc con đường này hoàn thành thể hiện khi làm tốt công tác dân vận thì dù chuyện khó cũng có thể thực hiện được”. Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong tháng 9/2012, xã cũng vừa khánh thành đường đan dài gần 400m tại ấp Tân Tiến theo hình thức trên. Ông Biện Bá Lợi cho biết: “Người dân ở ấp này thấy chúng tôi làm đường ngon quá nên đề nghị làm luôn”.
Phong trào Dân vận khéo đã lan tỏa khắp nơi
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, phong trào Dân vận khéo hiện đã lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị và ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Phong trào không chỉ lan tỏa trong việc vận động người dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng hạ tầng giao thông, mà còn trong các lĩnh vực an sinh xã hội, quốc phòng- an ninh,…
Nhờ làm tốt công tác dân vận, nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn được thực hiện một cách thuận lợi.
|
Đã 3 năm nay, Hội CTĐ huyện Trà Ôn luôn đứng đầu tỉnh về công tác hiến máu nhân đạo. Thống kê trong 2 năm gần đây của huyện hội cho thấy, năm 2011, huyện vận động được 1.100 đơn vị máu, đạt 207% kế hoạch; năm 2012 là 1.566 đơn vị, đạt 270% kế hoạch. Ông Nguyễn Hữu Tài- Chủ tịch Hội CTĐ huyện Trà Ôn cho biết: “Kinh nghiệm của huyện rút ra trong công tác này không chỉ làm tốt công tác vận động mà cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu”. Cụ thể, khi tổ chức hiến máu, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy cũng tham gia, đặc biệt ở một số xã: Nhơn Bình, Hòa Bình, Trà Côn, Tích Thiện, Thới Hòa… đều đạt trên 500% chỉ tiêu, trong đó có một số đồng chí bí thư đảng ủy xã cũng tham gia hiến từ 7- 10 lần. Giờ đây, tại mỗi xã đã thành lập được một đội hiến máu dự bị khoảng 12 người. Đây có thể coi là “ngân hàng” máu sống để dự trữ khi có nhu cầu cấp thiết.
Từ vài năm nay, một số con đường liên ấp, liên xóm của xã Trung Hiếu (Vũng Liêm) đều có đèn đường sáng trưng. Khi tìm hiểu được biết, đây là mô hình dân vận khéo “Đèn treo trước ngõ” do Đội công tác CT12, Tỉnh đội thực hiện. Thượng tá Dương Hữu Đức- Đội trưởng Đội CT12 cho biết: “Trong quá trình thực hiện, đội luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động và đều nhận được sự đồng tình của nhân dân. Kết quả, đến nay đội đã xây dựng được 60 trụ bóng đèn dọc theo các tuyến đường liên ấp, liên xóm”. Hiệu quả của mô hình không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, ít xảy ra tai nạn giao thông, trộm cắp và đặc biệt là người dân tham gia phong trào thể dục dưỡng sinh ngày càng đông.
Với mô hình dân vận khéo “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội CTĐ TP Vĩnh Long đã giúp cho nhiều hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Lệ- Chủ tịch Hội CTĐ TP Vĩnh Long cho biết: “Không dừng lại ở việc trợ cấp thường xuyên, hiện hội còn hỗ trợ theo hướng phát triển bền vững. Cụ thể, tùy theo hoàn cảnh, hội có thể xét hỗ trợ một lần cho các đối tượng (từ 500.000- 2.000.000đ) để họ làm ăn: bán vé số, bán nước mía, mua bán nhỏ,… Trong 2 năm gần đây, hội đã trợ giúp 340 địa chỉ với số tiền gần 2 tỷ đồng, trong đó hàng tháng trợ cấp thường xuyên cho 143 người với số tiền gần 30 triệu đồng”.
Qua 2 năm triển khai, có rất nhiều điển hình dân vận khéo được công nhận và hiệu quả mà nó mang lại là vô cùng to lớn. Ông Đỗ Hoàng Huynh- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long nhận xét: “Công tác dân vận khéo đã xuất hiện ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang... Nhiều điển hình đã tham gia giải quyết những khó khăn, những vấn đề bức xúc của người dân. Một hiệu quả lớn hơn nữa là qua các mô hình này, diện mạo của nông thôn được thay đổi rất nhiều và đời sống của người dân về vật chất lẫn tinh thần cũng được nâng lên”.
Bài, ảnh: THANH TÂM- THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin