Lũ đe dọa nhiều diện tích hoa màu

06:10, 20/10/2012

Lũ năm nay được nhận định sẽ lên chậm và nước cũng ít hơn so năm trước. Tuy nhiên, tại tỉnh Vĩnh Long nước lũ đang lên nhanh, diễn biến khá phức tạp và trực tiếp đe dọa nhiều diện tích hoa màu của bà con ở nhiều nơi.


Rạch Bà Duyên thuộc xã Tân Quới (Bình Tân) vừa được nâng cấp và đưa vào sử dụng kinh phí khoảng 300 triệu đồng để bảo vệ vườn cây ăn trái.

Lũ năm nay được nhận định sẽ lên chậm và nước cũng ít hơn so năm trước. Tuy nhiên, tại tỉnh Vĩnh Long nước lũ đang lên nhanh, diễn biến khá phức tạp và trực tiếp đe dọa nhiều diện tích hoa màu của bà con ở nhiều nơi.

Nước lũ lên nhanh

Chiều 17/10, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 54 về huyện Bình Tân- nơi còn rất nhiều diện tích hoa màu, lúa chưa thu hoạch và hàng ngàn hecta vườn cây ăn trái đang bị nước lũ uy hiếp.

Ông Nguyễn Hữu Hòa (ấp Tân Thuận- xã Tân Quới) hì hụi vác máy bơm nước với đường ống dài cả trăm mét từ nhà ra đồng: “Nước lên nhanh quá, có một đêm mà lênh láng, phải tranh thủ bơm ra chứ nước chụp là tiêu liền”. 2 công rẫy trồng cải ngọt và rau muống của ông Hòa đã được gieo sạ trên 20 ngày. Hôm trước mưa lớn, nước lên cao nhưng nhờ tháo nước kịp thời nên rất may không bị thiệt hại. Ông Hòa cho biết, hiện mực nước tại các sông lớn đang lên rất nhanh. Một số tuyến đường đan của ấp không chịu nổi sức nước nên đã bị tràn. Không ít vườn cây ăn trái nằm gần sông đã “tắm nước”. “Nhiều bà con lo lắng, kiểm và tu sửa lại máy bơm nhưng nếu vài bữa nước cao hơn nữa thì chắc chắn sẽ có nhiều ruộng rau bị thiệt hại”- ông Hòa nói.

Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân cho biết: Tính đến chiều 17/10, toàn huyện có 375ha vườn cây ăn trái bị nước tràn ngập vài giờ rồi rút cạn. Riêng 1,7ha rau màu bị nước chụp nhưng nhờ thu hoạch kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. “Lo lắng nhất hiện nay là còn khoảng 250ha lúa Thu Đông gieo sạ muộn ở Tân Thành và Thành Trung và trên 300ha khoai lang chưa thu hoạch và khả năng bị lũ chụp là rất lớn.”- Thạc sĩ Võ Văn Theo lo lắng.

Tại huyện Trà Ôn, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Minh Thuấn cho hay: Vẫn an toàn, tuy nhiên nếu nước lũ tiếp tục dâng cao thì hàng ngàn hecta vườn trồng cây ăn trái của huyện rất khó bảo vệ, do nhiều tuyến đê, đường đan ven sông rạch đã xuống cấp. Hiện đã có trên 700ha vườn đã bị “nước chụp” rồi rút nhanh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhu- Cán bộ Tổng hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm: Nhờ chủ động bơm tát kịp thời nên chưa có diện tích hoa màu ảnh hưởng bởi nước lũ. “Chúng tôi đang khẩn trương gia cố nhiều tuyến đê bao quanh các xã cù lao Thanh Bình, Quới Thiện. Tuy nhiên, khả năng khoảng 3.000ha vườn cây ăn trái tại đây bị ngập là rất lớn nếu con nước 30/9 âl tới đổ dồn”- ông Nguyễn Văn Nhu cho hay.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long: Toàn tỉnh có khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp được khép kín hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, do địa chất không ổn định nên nhiều đê bao, cống đập bị xuống cấp không đảm bảo an toàn. Qua rà soát, mùa lũ năm nay, trong khoảng hơn 19.000ha đất nông nghiệp kém an toàn khi có lũ lớn thì có gần 14.000ha đất sản xuất lúa và hơn 5.800ha vườn cây ăn trái và rau màu.


Ông Nguyễn Hữu Hòa ấp Tân Thuận- xã Tân Quới lắp đặt máy bơm nước sẵn sàng cứu ruộng rẫy.

Dồn sức bảo vệ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn tỉnh Vĩnh Long, do mưa kết hợp với lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước đỉnh triều ở các trạm vùng cửa sông Nam Bộ ngày 18/10 đang lên nhanh. Cụ thể, tại trạm Mỹ Thuận mức nước cao nhất có thể đạt từ 1,85- 1,95m; trạm Vũng Liêm từ 1,55- 1,65m và trạm Tích Thiện từ 1,90- 2m.

Trước áp lực của nước lũ, những ngày qua nhiều địa phương xem việc gia cố đê bao bảo vệ lúa, hoa màu là nhiệm vụ cấp bách.

Thạc sĩ Võ Văn Theo cho biết: Đã thi công hoàn thành 11 công trình bức xúc, đồng thời vận động người dân đóng góp xây dựng trên 250 đập dã chiến đưa vào sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn diện tích lúa hoa màu thu hoạch muộn, phòng đã bố trí gần 50 máy bơm, công suất 1.000 m3/giờ đến các xã, túc trực sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra. “Phòng đã kiến nghị hỗ trợ kinh phí nâng cấp và đắp mới 23 công trình đê bao nhằm bảo vệ một số vùng sản xuất trọng yếu, phục vụ xuống giống lúa Đông Xuân kịp thời vụ. Đồng thời hướng dẫn bà con nông dân tu sửa gia cố bờ bao, thu hoạch sớm nông sản, khẩn trương tháo nước để giảm bớt thiệt hại do lũ gây ra”- Thạc sĩ Võ Văn Theo cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhu: Trên 200 công trình, bờ bao lớn nhỏ do Nhà nước và nhân dân triển khai thi công từ đầu mùa khô, đến nay đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, liên quan công tác xuống giống lúa Đông Xuân, ông Nhu cho biết: “Phải chờ con nước tới mới dám quyết định, bởi số lượng máy bơm còn hạn chế nên rất sợ lũ chụp bất ngờ”.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng tăng cường khảo sát để kịp thời chỉ đạo các huyện- thành khẩn trương phòng chống bão lũ; vận động người dân gia cố đê bao cống đập, bảo vệ tốt diện tích lúa Đông Xuân sớm và diện tích hoa màu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do ảnh hưởng mưa lũ có thể xảy ra.

Bài, ảnh: N.HOÀNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh