
Chỉ trong 2 năm (2011- 2012), ấp Phú Hữu Đông (xã Phú Thịnh- Tam Bình) đã vận động từ các nguồn trên 800 triệu đồng, thi công rải đá 4 tuyến đường liên ấp dài 7,4km, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Chỉ trong 2 năm (2011- 2012), ấp Phú Hữu Đông (xã Phú Thịnh- Tam Bình) đã vận động từ các nguồn trên 800 triệu đồng, thi công rải đá 4 tuyến đường liên ấp dài 7,4km, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Toàn bộ hệ thống đường giao thông trong ấp Phú Hữu Đông đảm bảo lưu thông cả vào mùa mưa.
“Nói dân hiểu, làm dân tin”
Xã Phú Thịnh nằm phía Bắc Quốc lộ 1A, hàng năm chịu ảnh hưởng của triều cường nên được Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản khép kín. Ấp Phú Hữu Đông nằm xung quanh địa bàn xã và trên địa bàn có rất nhiều con kinh vắt ngang: kinh Ông Kế, kinh Mười Sáu Mét, kinh Cây Tô, kinh Biện Chính,… Được đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, người dân rất mừng, tuy nhiên vào mùa mưa lũ thì chuyện đi lại của người dân cực kỳ khó khăn. Đồng chí Ngô Văn Tư- Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng ấp Phú Hữu Đông cho biết: “Trước đây người dân sống ở ven các tuyến kinh đi lại rất khó vào mùa mưa lũ. Đường lầy lội, dưới sông trên ruộng gì thì nước cũng mênh mông, tội nhất là học sinh đi học mùa này”. Thấy được khó khăn đó, ấp phản ánh lên xã, xã cho chủ trương nếu tập thể nhân dân đồng tình thì địa phương tiến hành vận động làm đường. Khi có chủ trương, ấp tiến hành họp dân thông báo và phát phiếu lấy ý kiến, kết quả trên 85% người dân đồng tình.
Cách làm của địa phương là sau khi họp dân thống nhất chủ trương, ấp thành lập tổ vận động và ban giám sát cộng đồng để vận động đóng góp theo đầu công. Tùy theo công trình, tổ chiết tính và thông báo cho người dân phải góp bao nhiêu, thường mỗi công góp từ 25.000- 30.000đ. “Mặc dù đa số tập thể người dân thống nhất nhưng vẫn còn một số ít hộ chưa hiểu, lúc này các đồng chí đảng viên trong chi bộ phải vào cuộc. Phương châm của ấp là phải nói cho dân thông, dân hiểu để dân làm”- Bí thư chi bộ ấp cho biết. Cũng theo Bí thư chi bộ ấp, có hộ nhà nằm cặp hương lộ được Nhà nước đầu tư rồi nên nhất định không chịu đóng góp, một số hộ xung quanh thấy vậy cũng nghe theo. Tổ vận động trực tiếp đến nhiều lần, kiên trì thuyết phục, cuối cùng những hộ dân trên cũng thông hiểu đây là chủ trương của Đảng nên chấp nhận tham gia. Có người lúc đầu kiên quyết từ chối, sau khi đồng ý lại rất tích cực đi vận động những đối tượng khác.
Từ cách làm trên, trong năm 2011, ấp vận động người dân đóng góp rải đá 2 tuyến đường: kinh Ông Kế dài 2km và kinh Mười Sáu Mét dài 2,2km. Từ đầu năm đến nay, ấp đã vận động tiếp tục rải đá thêm 2 tuyến đường: kinh Cây Tô (2,3km) và kinh Biện Chính (970m). Tổng kinh phí các tuyến đường trên 800 triệu đồng đều do người dân đóng góp theo đầu công. Đến nay, toàn ấp có hệ thống giao thông đảm bảo xe 2 bánh lưu thông cả trong mùa mưa.
Không chỉ riêng ở Phú Hữu Đông
Theo chân đồng chí Bí thư chi bộ, chúng tôi len lỏi trên các tuyến đường rải đá phẳng lỳ vừa được hoàn thành mới đây. Trên con đê chắn nước bảo vệ mùa màng của người dân, giờ cũng được rải đá, tạo nét chấm phá mới cho vùng quê nơi đây.
Ghé thăm nhà chú Phan Văn Thạnh, khi hỏi về con đường mới chú rất phấn khởi: “Bây giờ, tụi nhỏ đi học thuận tiện lắm rồi. Trước đây, có đứa mới đi một đoạn đã bị té mình mẩy lấm lem, cũng có đứa phải nghỉ học vì không ai đưa rước”. Anh Đặng Thanh Bình kể: “Vào mùa mưa, đưa con đi học phải đi bằng xuồng, giờ lên xe chạy một mạch khỏe hơn trước nhiều”. Chú Năm Đại khẳng khái hơn: “Làm con đường như vầy là còn hơi nhỏ (ngang 1,6m) chưa có đã, phải chi mở rộng thêm, mất 1 công đất tôi cũng chịu”.
Chú Năm Đại là người nhiệt tình nhất khi tiến hành họp dân thông báo chủ trương. Chú cho biết: “Hồi trước ông cha mình còn khổ không có điều kiện, mình là thế hệ tiếp theo cũng chịu ảnh hưởng. Bây giờ có điều kiện rồi, Nhà nước có chủ trương thì làm thôi. Làm đường để cho con cháu mình được đi học thuận tiện, có điều kiện phát triển, chứ giống như mình lam lũ hoài sao?”
Tất cả các cây cầu trong ấp được bê tông hóa từ nguồn vận động người dân góp của, góp công xây dựng.
Đồng chí Ngô Văn Tư kể, ngoài chuyện đóng góp tiền làm đường, người dân còn đóng góp ngày công để xây dựng. Công trình tới nhà ai, người đó đứng ra cào đá giúp. Vì vậy, khi làm đoạn đường dài trên 2km mà hoàn thành chỉ trong 2 tuần lễ. Đồng chí nói: Hiệu quả kinh tế góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế địa phương. Bởi lẽ, ngoài việc giúp người dân đi lại thuận tiện; giao thương, mua bán thông thoáng, đặc biệt có thể sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch lúa và cũng có thể chở lúa về nhà bằng xe gắn máy.
Đồng chí Đặng Văn Xuân- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Thịnh cho biết: “Chủ trương thu phí xây dựng giao thông nông thôn không còn nữa nhưng xã nhận thấy nhiều tuyến đường liên ấp, trong ấp gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Xã yêu cầu ấp phát phiếu lấy ý kiến của người dân, khi được đa số người dân đồng ý, xã đưa ra HĐND họp để quyết định.
Phong trào này được phát động trong toàn xã và ấp Phú Hữu Đông là đơn vị điển hình nhất trong số 8 ấp. Hiện tại, các ấp còn lại cơ bản có 95% hệ thống đường giao thông của ấp đảm bảo đi lại trong 2 mùa mưa nắng. Kinh nghiệm rút ra là chúng tôi thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Trong tất cả các cuộc vận động, chúng tôi đều đưa ra dân để bàn, họp và phát phiếu thăm dò, khi có sự thống nhất cao của người dân thì chúng tôi tiến hành triển khai thực hiện”.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin