Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều tiến bộ

07:10, 23/10/2012

Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết.

Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới đất nước. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những biến đổi to lớn và sâu sắc. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết.

Xoay quanh sửa đổi Hiến pháp 1992, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Báo Vĩnh Long lược ghi ý kiến của đại diện một số ban, ngành trong tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hòa- Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long:


Về Tòa án đặc biệt (Điều 108), tôi đề nghị giữ quy định về Tòa án đặc biệt như Hiến pháp 1992 vì đây là thiết chế dự phòng để thực hiện nhiệm vụ xét xử trong những trường hợp đặc biệt mà các tòa án thường không đảm nhiệm được.
 
Về nguyên tắc hoạt động của kiểm sát viên (Điều 115), tôi thống nhất phương án khi thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp, tôi cho rằng dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành và phải được trưng cầu ý dân. Và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân là do
luật định...

Luật sư Trần Bá Tước- Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long:


Theo Điều 109 dự thảo, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp.

Tôi cho rằng đây là điểm mới, rõ nét, quy định tới quyền bào chữa cho bị can và quyền bào chữa của bị can, bị cáo được đảm bảo. Giới luật sư rất hoan nghênh. Tuy nhiên, về vấn đề “nhờ người khác bào chữa”, tôi đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long xem xét cho ý kiến.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh- thành đều thành lập đoàn luật sư, đảm bảo quyền bào chữa cho bị can, bị cáo. Nhờ người khác bào chữa, tôi nghĩ sẽ có trường hợp không đủ kiến thức, trình độ cần thiết đảm bảo cho việc bào chữa…

Ông Nguyễn Thới Thắng- Sở Nội vụ:


Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, do nhân dân bầu. Cho nên, về việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp, tôi đồng tình phương án dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

Cơ quan bảo vệ Hiến pháp, qua nghiên cứu dự thảo, tôi thống nhất loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế hiện hành về bảo vệ Hiến pháp được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992.

Theo đó, không thành lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp mà cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật để bảo đảm cho Quốc hội thực hiện trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp…

Ông Hồ Duy Linh- Kho bạc Nhà nước:


Điều 9, tôi thống nhất phương án giữ quy định này như Hiến pháp 1992, không liệt kê cụ thể các tổ chức chính trị- xã hội vì bản thân cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên” đã bao gồm các tổ chức này. Quy định như vậy tạo sự linh hoạt, bảo đảm tính ổn định cao của Hiến pháp, đáp ứng sự phát triển của các tổ chức chính trị- xã hội; đồng thời thể hiện sự bình đẳng giữa tổ chức đó với các tổ chức xã hội khác.

Bản thân tôi cũng phấn khởi khi dự thảo nêu ra vấn đề tài chính công tại Điều 60. Với điều khoản này sẽ giúp kho bạc quản lý thu- chi một cách cụ thể.

DUY UYÊN- CẨM HUỆ (ghi)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh