Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Tạp chí Cộng sản và tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của khoa học- công nghệ (KH-CN) trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” hôm 19/10/2012, tại Sóc Trăng.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBSCL
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Tạp chí Cộng sản và tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò của khoa học- công nghệ (KH-CN) trong phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” hôm 19/10/2012, tại Sóc Trăng.
Nhiều năm qua, KH-CN phục vụ đã phục vụ đắc lực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước nói chung, phục vụ cho sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL nói riêng.
Đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, đầu tư 2% trong tổng chi ngân sách hàng năm (tương đương gần 0,5% GDP) để phát triển KH-CN.
Nhờ vậy, KH-CN ở nước ta không ngừng phát triển và ngày càng trở thành động lực to lớn để phát triển đất nước.
Đến nay, KH-CN đã đạt được những thành tựu to lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, góp phần đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu trở thành nước có trình độ sản xuất ở mức trung bình của thế giới.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, việc nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn, tạo giống mới, cải tiến phương thức canh tác,… đã đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu thủy sản đứng thứ 5 trên thế giới và gần đây xuất khẩu cà phê đứng thứ 1 trên thế giới.
Theo đó, chất lượng cuộc sống của người dân dần được cải thiện, trình độ dân trí nâng cao và hàm lượng KH-CN tăng dần trong các sản phẩm hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, KH-CN ở vùng ĐBSCL- vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước cũng có những bước phát triển đáng kể, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội của vùng, đặc biệt là trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân nông thôn.
Theo báo cáo của Bộ KH-CN, thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng học KH-CN ở ĐBSCL đã tập trung vào lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp. Chỉ tính từ năm 2010 đến tháng 6/2012, đã có 570 đề tài, dự án được các sở KH-CN của 13 tỉnh, thành trong vùng được thực hiện. Nhờ đó, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều giống cây trồng vật nuôi, nhiều quy trình sản xuất thâm canh tiên tiến, nhiều giải pháp phòng trừ dịch hại bền vững đối với cây trồng và vật nuôi được đáp dụng hiệu quả.
Những nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong thời gian qua đã góp phần nâng cao vị thế và vai trò của vùng ĐBSCL đối với sự phát triển kinh tế của cả nước. Mỗi năm, toàn vùng đóng góp bình quân 22% GDP của cả nước, hơn 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, khoảng 36% giá trị xuất khẩu nông sản, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Theo ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 16 năm (1996- 2012), KH-CN đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông-lâm- thủy sản xuất khẩu lên mức gần 20 tỷ USD.
Vì vậy, để giúp ĐBSCL phát triển bền vững và trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại đòi hỏi KH-CN phải tham gia với một vị thế then chốt. Trong thời gian tới, chúng ta cần có quyết tâm cao, có những giải pháp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn.
Ông Vũ Văn Phúc- Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hiện nay, các viện, trường, trung tâm nghiên cứu tại vùng vùng ĐBSCL đã và đang tham gia tích cực vào việc lai tạo, cung ứng cây, con giống, vật nuôi và sản xuất các chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho nông nghiệp. Nhiều địa phương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…
Để phát huy thế mạnh vốn có, các đại biểu, các nhà khoa học cho rằng, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL cần tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, phải xem đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt ở vùng ĐBSCL.
Trước tiên, cần nhanh chóng triển khai nghiên cứu và ứng dụng KH-CN tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy- hải sản. Trong đó, chú trọng việc chọn tạo giống thích hợp và thực sự có hiệu quả kinh tế cao, chế biến, bảo quản, nâng cao chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn các sản phẩm hàng hóa. Kịp thời ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến vào các quá trình sản xuất và hoạt động kinh tế, nhằm tạo ra xung lực mới, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp vùng ĐBSCL. Lấy ứng dụng KH-CN làm khâu đột phá, đưa nền kinh tế từng bước tăng trưởng theo chiều sâu, tạo những lợi thế trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập hiện nay.
Tin, ảnh: Đặng Huỳnh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin