Có mất một làng nghề?

08:10, 13/10/2012

Không chỉ một lần, lãnh đạo “huyện nghề” Mang Thít với gần 2.000 lò gạch “kêu cứu” khẩn thiết. Làng nghề đã ngoắc ngoải. Làng nghề đang sắp chết. Làng nghề có thể sẽ mất đi.

Không chỉ một lần, lãnh đạo “huyện nghề” Mang Thít với gần 2.000 lò gạch “kêu cứu” khẩn thiết. Làng nghề đã ngoắc ngoải. Làng nghề đang sắp chết. Làng nghề có thể sẽ mất đi.

Suy thoái kinh tế, giá nhân công cao, giá nguyên vật liệu cao, cạnh tranh cao, lãi vay cao vút. Làng nghề tàn tạ dần. Không chiến thắng nổi ngay trên sân nhà. Nhiều chủ lò gạch thương miệng lò gắn bó bao nhiêu năm nên cả quyết “tui sẽ giữ nghề”. Nhiều chủ lò khẳng định chắc nịch: cách làm truyền thống tốt nhất nên nghề sẽ không mất đi.

Nhưng yêu bao nhiêu, tốt bao nhiêu, thì một thực tế cũng là: Chỉ tính riêng trong tháng 8 đã có hơn 400 miệng lò nghỉ nung và vài trăm miệng lò thu hẹp sản xuất. Hiện chỉ còn vài chục miệng lò “chịu đựng” nổi.

Còn nhớ, làng gạch trước đây cũng từng lao đao lận đận. Và một số chủ lò gạch thời đó, mà lòng yêu nghề cùng với sự nỗ lực, quyết tâm tìm tòi, học hỏi đã đi ra tận làng gốm Bình Dương đã học nghề, ứng dụng và sáng tạo nhằm tìm lối đi mới cho làng nghề. Để từ đó, ven bờ sông Cổ Chiên có thêm một làng nghề mới trên nền truyền thống: gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Tuy giờ đây làng nghề này cũng khó khăn không ít vì ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới làm thu hẹp thị trường; nhưng dẫu sao, cũng đã đem đến một sức sống mới, một nghề mới rất thịnh vượng cho quê nhà trong suốt mấy chục năm qua. Và không ít tên tuổi đã từ những lò gạch “làng” vươn ra xa, hội nhập vào thị trường thế giới.

Giờ đây, một lần nữa làng nghề rất cần được cứu, được khai phá một lối đi. Tất nhiên, mọi chuyện không đơn giản. Không thể nào chỉ với “lòng yêu nghề” của các chủ lò là có thể làm được. Mà nó cần sự đầu tư của các ngành các cấp và cả các nhà khoa học. Một công nghệ mới trên nền gạch nung truyền thống- có lẽ đấy là điều làng nghề đang cần.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh