
Vĩnh Long là tỉnh thuần nông với khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do đó, giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp và nông thôn, nhằm hướng đến nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn vừa tạo đà cho nền kinh tế tỉnh nhà phát triển vừa góp phần xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp là vô cùng quan trọng.
Sản xuất sạch và có sự liên kết giải quyết đầu ra để không bị ép giá và tăng cao thu nhập.
Vĩnh Long là tỉnh thuần nông với khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Do đó, giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp và nông thôn, nhằm hướng đến nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn vừa tạo đà cho nền kinh tế tỉnh nhà phát triển vừa góp phần xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp là vô cùng quan trọng.
Cùng với mục tiêu trên, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời đánh dấu một bước ngoặt rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng toàn thể nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Tất cả vì mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn được cụ thể trong chuỗi 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Bởi vì, khi thu nhập của người dân được nâng cao thì khả năng góp sức, góp vốn bằng vật chất và tinh thần của người dân trong công cuộc xây dựng NTM sẽ có nhiều thuận lợi.
Ổn định đời sống dân cư nông thôn
Một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến đời sống dân cư nông thôn là việc bố trí dân cư để cho người dân định cư ổn định, yên tâm phát triển sản xuất. Thông qua chương trình bố trí dân cư, sẽ hình thành các cụm dân cư nông thôn sống tập trung. Khi đó, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng tập trung vừa là cơ sở để hình thành, gắn kết các ngành nghề, làng nghề nông thôn. Bố trí, ổn định cư dân nông thôn còn góp phần mở rộng quỹ đất tạo mặt bằng xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng thiết yếu thực hiện nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM.
Chương trình nước sạch nông thôn
Bên cạnh việc chăm lo đời sống cư dân nông thôn, nước sạch nông thôn đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân các vùng nông thôn. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ người sử dụng nước hợp vệ sinh, đồng thời làm giảm thiểu các loại dịch bệnh liên quan đến nguồn nước. Theo đó, gắn với công tác thông tin- giáo dục- truyền thông để làm thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch nông thôn đối với đời sống và sức khỏe con người, hiểu rõ về chương trình nước sạch trong xây dựng NTM để từ đó tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí xây dựng công trình.
Thủy lợi phục vụ sản xuất
Để thực hiện các công đoạn từ sản xuất đến thu hoạch đạt hiệu quả cao, cần có nhiều giải pháp về kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cùng các tác nhân tác động từ bên ngoài, trong đó có hệ thống thủy lợi. Thực tế, nếu giải quyết tốt vấn đề thủy lợi sẽ góp phần cải thiện đời sống dân sinh thông qua việc tăng tỷ lệ nước chủ động tưới tiêu cho cây lúa, hoa màu cũng như cung cấp nước cho các cơ sở sản xuất ngành nghề, làng nghề nông thôn, hệ thống cung cấp nước nuôi trồng thủy- hải sản với quy mô lớn... Từ đó cho thấy, công tác thủy lợi phục vụ sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp và kinh tế nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn
Muốn nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững mà chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp thuần túy thì không dễ. Người dân cần phải có thêm nghề phụ để tăng thu nhập. Vì vậy, cần quan tâm phát triển ngành nghề nông thôn, hình thành các làng nghề để người dân tranh thủ làm thêm góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Ngoài ra, đẩy mạnh xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp rất có hiệu quả để giúp người dân nâng cao thu nhập trong điều kiện hiện nay.
Nâng cao chất lượng kinh tế trang trại, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết
Phát triển kinh tế trang trại đã thực sự trở thành đòn bẩy để cải thiện thu nhập của người dân. Qua đó, kinh tế trang trại sẽ tác động, thúc đẩy phát triển sản xuất. Chính sự phát triển kinh tế trang trại sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời thu hút các chủ doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn nhằm từng bước giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Cùng với sự phát triển theo mô hình sản xuất của kinh tế trang trại, hợp tác xã là một trong những mô hình có tác động trực tiếp đến cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Ở đó, mọi người có sự tự nguyện cùng nhau góp vốn, liên kết sản xuất. Qua đó, sẽ phát triển các dịch vụ đầu vào, đầu ra với giá cả hợp lý. Ngoài ra, thông qua mô hình hợp tác xã, việc ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp cũng được thuận lợi để người dân yên tâm phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập trong xây dựng NTM.
Cánh đồng mẫu lớn- mô hình cần nhân rộng
Hoạt động sản xuất của người dân đạt hiệu quả cao khi có sự gắn kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nhưng làm thế nào để cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, sản xuất với chi phí thấp hơn và sản phẩm có giá trị thương mại cao hơn, vẫn là mối quan tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp. Một trong những giải pháp đang được thực hiện là mô hình cánh đồng mẫu lớn. Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn, dần dần sẽ hình thành lớp nông dân biết gắn kết sản xuất với thị trường, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng đồng đều, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, người dân được hưởng lợi thêm từ các dịch vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp và các giá trị tăng thêm từ các hoạt động dịch vụ nhiều nhất do giải quyết được vấn đề sản xuất manh mún vốn là rào cản ảnh hưởng đến quá trình cơ giới hóa. Thật vậy, cánh đồng mẫu lớn từng bước dịch vụ hóa tất cả các khâu trong sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ nông sản, từ đó khắc phục thất thoát sau thu hoạch, giảm chi phí trong sản xuất, góp phần tăng tính cạnh trạnh của sản phẩm trên thị trường và gia tăng lợi nhuận cho người nông dân. Mô hình cánh đồng mẫu đang thực hiện chính là đi sâu vào việc nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Tóm lại, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ cốt lõi của ngành nông nghiệp nói chung và trong xây dựng NTM nói riêng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, địa phương. Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, sự phối kết hợp nhuần nhuyễn. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, sẽ đặc biệt quan tâm hơn nữa để đẩy mạnh sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó góp phần xây dựng NTM.
Bài, ảnh: TRẦN MINH SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin