Từ vùng đất đầm lầy hoang vu, dân cư thưa thớt của những năm đầu thế kỷ XVII, đã hình thành nên điểm họp chợ nhỏ, rồi trở thành điểm “dừng chân” giao thương mua bán của cả vùng Nam sông Hậu. Giờ đây, diện mạo một đô thị mới đã dần hiện rõ, là cơ sở quan trọng để Bình Minh sớm được công nhận thị xã ngay trong năm 2012.
Từ vùng đất đầm lầy hoang vu, dân cư thưa thớt của những năm đầu thế kỷ XVII, đã hình thành nên điểm họp chợ nhỏ, rồi trở thành điểm “dừng chân” giao thương mua bán của cả vùng Nam sông Hậu. Giờ đây, diện mạo một đô thị mới đã dần hiện rõ, là cơ sở quan trọng để Bình Minh sớm được công nhận thị xã ngay trong năm 2012.
Công trình bờ kè chống sạt lở chợ Bình Minh, vừa tạo dáng cho một đô thị sông nước.
|
Địa danh Cái Vồn xưa
Cái Vồn là con rạch đổ ra sông Hậu. Tên phiên dịch sang chữ Hán là Bồn giang (sông Bồn). Cái Vồn có lẽ là từ ghép nửa thuần Việt nửa Khmer, vì người Khmer gọi là Srôk Tà Von, cho nên ghép từ “cái” và “von” lại mà thành Cái Vồn chăng? Ngay trong địa danh đã cho thấy, từ xa xưa đây là vùng đất cộng cư của 3 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer cùng sát cánh đoàn kết bên nhau khai phá vùng đất mới ở phương Nam.
Những năm đầu thế kỷ XVII, cả huyện Bình Minh ngày nay còn là vùng đất rất hoang vu, cây cối rậm rạp, nhiều chim muông, thú dữ. Trên bờ có cọp, beo, dưới sông đầy cá sấu, dân cư rất thưa thớt. Năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường (miền Đông), Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (miền Tây). Khi thực dân Pháp chiếm nước ta (1867) thì đến năm 1871, “lục tỉnh” được chia nhỏ thành nhiều tỉnh, nhiều đơn vị hành chính để dễ bề cai trị. Đến 1876, Pháp bỏ hẳn cấp tỉnh mà chia thành 4 khu, dưới khu là hạt. Khu vực Vĩnh Long gồm có 4 hạt là: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Đéc. Năm 1889, Pháp lại bãi bỏ các danh xưng địa hạt mà thay bằng tỉnh và quận; tổng và xã thay bằng thôn, xã, phường, ấp. Cái Vồn lúc này thuộc tổng An Trường, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một số xã như: Đông Thành, Mỹ Thuận, Mỹ Hòa, Tân Quới, Tân Lược thuộc quận Trà Ôn và quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
Thầy Nguyễn Văn Lượm (80 tuổi, ở Khóm 2, thị trấn Cái vồn) kể lại rằng: Cái Vồn ngày xưa chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học có 4 phòng, có 6- 7 giáo viên, khoảng hơn 100 học sinh. Năm 1945, tôi học xong lớp 5 Trường tiểu học Cái Vồn và phải qua Cần Thơ thi lên lớp 6. Học được đâu 1 năm thì việc học có bị gián đoạn một thời gian do tình hình chiến tranh. Còn nếu ai thi không đậu thì ở lại Cái Vồn học thêm 1 năm gọi là lớp tiếp liên. Đi học phải lội ruộng, vì đường sá chỉ có con lộ đắp đá là Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1), thị trấn toàn đường đất, đường bờ mẫu. Cây cối, cỏ dại mọc um tùm, nhà cửa ngay ở chợ cũng còn khá xập xệ. Nhưng việc giao thương buôn bán ở bến chợ lại khá nhộn nhịp. Có một số người Hoa có gia đình sinh sống tại đây thường lại qua Nam Vang làm ăn. Họ thường về lấy hàng hóa nên neo đậu ghe xuồng dưới sông. Phần sông Cái Vồn là nơi dừng chân của các ghe hàng đi Sài Gòn, có cả ghe chở cá mắm từ miệt dưới lên đây mua bán, trao đổi.
Theo ông Thanh Nhân (80 tuổi, ở Khóm 1, thị trấn Cái Vồn) là người sinh ra, lớn lên học hành tại Cái Vồn, rồi về dạy học tại quê cho đến ngày về hưu, nên biết khá nhiều chuyện “Cái Vồn xưa”. Chỉ căn nhà đúc thời Tây còn đến giờ, ông cho biết, đó là nhà việc của xã Mỹ Thuận. Thời Cái Vồn thuộc tổng An Trường, quận Trà Ôn, do quận lỵ đặt tại Trà Ôn, nên việc chứng nhận, làm giấy tờ của bà con ở Tân Quới, Tân Lược sẽ phải mất 2 ngày do ngày xưa người dân chỉ có đi bộ, hoặc bơi xuồng. Do đó, mỗi tuần, ngày thứ ba, quận trưởng sẽ lên nhà việc giải quyết công việc cho người dân thuộc khu vực trên này. Quận trưởng đi chiếc xe hơi trắc- xông màu đen, cứ sáng, chiều thứ ba là người dân đổ ra hai bên đường rần rần, để coi… xe hơi.
Đến đô thị mới ngày nay
Đến những năm 70 của thế kỷ trước, Cái Vồn cũng còn rất hoang sơ. Anh Thu (Khóm 2, thị trấn Cái Vồn) nhớ lại, hồi học cấp 3, anh phải từ Tân Lược ra Cái Vồn ở trọ khu vực vàm rạch Cái Vồn. Hồi đó, lau sậy mọc um tùm. Còn cặp hai bên đường Quốc lộ 1 bây giờ là hố sâu có chỗ lút đầu, đầy lục bình. Những ai đi xa, giờ có dịp trở lại sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của thị trấn hôm nay.
Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Minh Nguyễn Phước Trung cho biết: “Trong năm 2011, Phòng Quản lý đô thị được cấp quyết định đầu tư xây dựng 16 công trình, với tổng mức đầu tư trên 125 tỷ đồng. Trong đó, có 9 công trình giao thông, 7 công trình xây dựng dân dụng. Riêng trong 8 tháng qua, phòng được quyết định giao làm chủ đầu tư 14 công trình, với tổng mức đầu tư trên 53 tỷ đồng, với 11 công trình giao thông và 3 công trình xây dựng dân dụng. Dự kiến 4 tháng cuối năm 2012, sẽ khởi công xây dựng 6 công trình, với tổng mức đầu tư trên 38,5 tỷ đồng”.
Được xác định trong tương lai, Cái Vồn cùng với TP Vĩnh Long là 2 đô thị lớn của tỉnh, nằm trên trục hành lang kinh tế Quốc lộ 54 và Quốc lộ 1; kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây và liền kề TP Cần Thơ- trung tâm đô thị lớn của cả vùng ĐBSCL. Với vị trí địa lý thuận lợi cho việc mở rộng phát triển theo hướng liên kết vùng. Đồng chí Nguyễn Thành Phan- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Bình Minh nhận định: “Bình Minh hội đủ điều kiện thuận lợi mà ít nơi nào có được. Đây là lợi thế lớn tạo cho Bình Minh phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao. Mặt khác, hiện tại và tương lai, Vĩnh Long và Cần Thơ nói chung, Bình Minh- thị trấn Cái Vồn nói riêng, không chỉ đơn thuần là mối quan hệ kinh tế, văn hóa xã hội; mà còn là quan hệ hành chính của các cụm dân cư đô thị và trở thành quan hệ vùng. Sẽ là đầu mối quan trọng của Vĩnh Long, với các tỉnh thành phía Nam sông Hậu. Trong đó, TP Cần Thơ là đầu mối quan hệ trực tiếp sẽ tác động lớn, để phát triển kéo theo thị xã Bình Minh và các huyện lân cận như: Bình Tân, Trà Ôn, Tam Bình…”.
Những ai đã từng sống gắn bó với Cái Vồn, sẽ nhận ra rất rõ những bước đổi thay qua các thời kỳ. Nhưng họ đều khẳng định rằng: chưa bao giờ Cái Vồn có sự thay đổi nhanh chóng như ngày nay. Một bộ mặt đô thị hoàn toàn khác, với nhiều công trình trung tâm, đường sá, cơ sở hạ tầng dần hoàn thiện, chuẩn bị cho một thị xã Bình Minh trong tương lai không xa.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin