Kỳ 1: “Thế hệ Hồ Chí Minh”

06:09, 26/09/2012

Có những sự kiện trong đời mà chúng ta may mắn được chứng kiến, đã trở thành “nỗi ám ảnh hạnh phúc”. Sự kiện quyển nhật ký được cho là của một nữ liệt sĩ giáo viên vừa được phát hiện ở Bình Dương sau gần 50 năm chôn sâu dưới lòng đất, chính là nỗi ám ảnh như thế đối với riêng tôi. Giây phút chạm tay vào những kỷ vật thiêng liêng ấy, cảm giác như “chạm” vào ngọn lửa tình yêu

Có những sự kiện trong đời mà chúng ta may mắn được chứng kiến, đã trở thành “nỗi ám ảnh hạnh phúc”. Sự kiện quyển nhật ký được cho là của một nữ liệt sĩ giáo viên vừa được phát hiện ở Bình Dương sau gần 50 năm chôn sâu dưới lòng đất, chính là nỗi ám ảnh như thế đối với riêng tôi. Giây phút chạm tay vào những kỷ vật thiêng liêng ấy, cảm giác như “chạm” vào ngọn lửa tình yêu cháy bỏng của cả một thế hệ lên đường hiến trọn tuổi xuân cho Tổ quốc- thế hệ Hồ Chí Minh anh hùng.


Người trong ảnh có thể là tác giả quyển nhật ký.

Đó là tiêu đề của quyển nhật ký mà tác giả đã nắn nót, trang trọng ghi ở ngoài bìa. Và đó cũng là “tuyên ngôn” cho lẽ sống nhất quán, ngay từ những dòng đầu tiên ghi từ tháng 12/1962 cho đến ngày được cho là khoảng thời gian tác giả đã hy sinh: ngày 20/10/1966.

Số phận kỳ lạ của những kỷ vật

Câu chuyện bắt đầu từ vụ kiện kéo dài nhiều năm trời của người lính già- ông Huỳnh Văn Sáng (72 tuổi) ở ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Phần mộ gia tộc của dòng họ Huỳnh từ hàng trăm năm nay bỗng dưng được quy hoạch phân lô và có sổ đỏ đứng tên người khác. Vào một ngày của năm 2009, ông Sáng được hàng xóm cho hay là toàn bộ phần mộ đã bị san ủi, cày xới tan hoang, trên đó có 45 ngôi mộ của gia đình và 6 mộ liệt sĩ.

Từ TP Thủ Dầu Một, ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai 30 cây số tìm về xã Tân Uyên, ông Bảy Sáng dẫn chúng tôi ra thăm khu mộ. Tất cả đã được ủi phẳng và san lấp lên cao cả mét có cổng rào bao bọc xung quanh. Tấm bia của mẹ ông và người thân nằm lăn lóc bên chân rào đầy cỏ. Chúng tôi vạch hàng rào kẽm gai chui vào trong, để đến được nơi đã phát hiện ra quyển nhật ký.

Theo lời kể của ông Bảy Sáng, thời kháng chiến chống Pháp ông tham gia du kích địa phương, sau Hiệp định Genève, ông trở về sống với mẹ tại quê nhà. Lúc bấy giờ, mẹ chỉ cho ông khu đất mồ mả của dòng tộc. Đến năm 1959, ông tiếp tục lên đường chiến đấu. Từ năm 1963- 1966, tình hình chiến sự càng trở nên khốc liệt. Giai đoạn này ông Bảy Sáng là Xã đội trưởng xã Tân Mỹ, nên sau một trận đánh vào năm 1963, chính tay ông đã chôn cất 2 đồng chí tên Anh và Cần vào nghĩa trang gia tộc mình. Sau đó, ông được điều về công tác ở Huyện đội Tân Uyên, làm cán bộ quân báo. Năm 1966, trong một lần về công tác ở xã nhà, ông phát hiện trong nghĩa trang gia tộc có thêm 4 mộ mới. Đó là những chiến sĩ mới hy sinh đã được bộ đội và nhân dân chôn tại đây.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bảy Sáng lặn lội khắp chiến khu D đi tìm hài cốt đồng đội. Ai ngờ hài cốt của dòng họ mình và 6 chiến sĩ được chôn cất tử tế đàng hoàng thì giờ đây không biết lẫn lộn đi đâu. Cứ nghĩ lo đi tìm người ở xa trước đã, còn các đồng đội cùng yên nghỉ trên khu mộ gia đình thì từ từ hãy tính. Cái ngày hay tin “động trời”, chạy ra phần mộ, ông đứng chết điếng. Không đành lòng, nên ông cố công đào xới rồi nhờ đến cả nhà ngoại cảm mà cũng chẳng có kết quả, ông tự nhủ: “Tụi này hết linh rồi”, nhưng cũng không chịu bỏ cuộc. Các nhà ngoại cảm thì bảo: “Hài cốt chưa thể tìm được, nhưng có kỷ vật liệt sĩ dưới đó, ông ráng tìm”. Đào xới đến ngày thứ 5 mà chẳng ăn thua gì, trời cứ đổ mưa từng chập ông phải bỏ dở giữa chừng chạy vào trú mưa. Không ngờ, do mưa lớn quá làm trôi lớp đất, khi trở ra ông Bảy Sáng phát hiện một gói ny-lông được bọc ủi đến 3 lớp rất cẩn thận lộ ra, bên trong là quyển nhật ký và 6 tấm ảnh, tất cả còn rất rõ nét.

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta?”

Quyển nhật ký nhỏ gọn có 35 trang và một số trang cuối còn bỏ trống dở dang. Những dòng đầu tiên ghi: “Tháng 12/1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác ở địa phương. Tháng 2/1963: Dự lớp chuyên môn, sau một tuần học tập, trở về hướng dẫn lớp PT, một trường ở ấp nhà. Tháng 10/1963… Tháng 2/1964… Tháng 5/1964: Được tin chuẩn bị dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30/5), rất phấn khởi về tư tưởng. Vì đi học sẽ có kiến thức, phục vụ cách mạng nhiều hơn”. Tác giả chỉ xưng là M. có thể nghĩ là “mình”, dưới cuối trang ký tên có thể nhận diện tên là Thủy, hoặc là Thu. Có nhắc đến một số tên người thân, đồng đội, một số địa danh, nhưng chưa thể xác định được quê quán ở đâu; nhưng chắc chắn là một cô giáo người Nam Bộ.

Trong 2 năm đầu tiên, nhật ký được ghi dưới dạng kỷ yếu, đánh dấu những mốc thời gian quan trọng. Nhưng càng về sau, tác giả viết càng hay. Đặc biệt là 3 bài thơ khá hay ở phần cuối nhật ký, viết về anh Nguyễn Văn Trỗi, viết tặng Đại hội DS2T, bài thơ tặng em H. cùng quê. Và những dòng chữ cuối cùng: “Đọc sách. Nói đến đọc sách nhà đại văn hào Măcxim Goocky viết “Càng đọc sách càng làm cho tôi gần với thế giới và công việc… càng thấy yêu quê hương và yêu nước Nga vô hạn”. Một vị lãnh tụ đã từng nói: “Một quyển sách hay, một bản nhạc tốt, một bài thơ hay có tác dụng như hàng binh đoàn xung phong ra trận diệt quân thù” (20/10/1966)”. Trong toàn bộ nhật ký, tác giả có đôi lần nhắc đến chuyện tình cảm riêng tư, chuyện lập gia đình, những phiền muộn về tình trạng sức khỏe không tốt… nhưng tất cả chỉ thoáng qua. Nổi bật và bao trùm lên toàn bộ tâm tư tình cảm của người viết gởi gắm trong từng câu chữ là thái độ cầu tiến, luôn tự vấn, tự phê bình nghiêm khắc với bản thân về những giây phút xao lãng, mất tập trung trong học tập, công tác cách mạng. Tác giả cũng là một trí thức ham mê đọc sách, như những dòng tâm huyết cuối cùng chị gởi lại cho đời.


Ông Huỳnh Văn Sáng, người đã phát hiện ra quyển nhật ký và những kỷ vật của nữ liệt sĩ giáo viên.

Dù không có ý nghĩ so sánh, nhưng khi đọc những trang nhật ký này, tôi không khỏi liên tưởng đến những quyển nhật ký đã từng làm lay động hàng triệu trái tim con người, đó là nhật ký Đặng Thùy Trâm và nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc. Nếu như nhật ký Nguyễn Văn Thạc là những áng văn chương tuyệt đẹp, miêu tả cụ thể từng vùng đất, từng sự kiện mà anh trải qua thì nhật ký Đặng Thùy Trâm lại ngồn ngộn cảm xúc riêng chung của một nữ bác sĩ, chiến sĩ giữa chiến trường khốc liệt. Riêng quyển nhật ký vừa phát hiện lần này, được viết rất chân phương dù tác giả rất có khiếu văn chương và có kiến thức rộng.

Anh Nguyễn Văn Thạc đã từng nêu rõ quan điểm, mục đích của người viết nhật ký: “Vấn đề chủ yếu vẫn là anh viết Nhật ký để làm gì? Anh có lấy Nhật ký làm người bạn đường nghiêm khắc và tốt bụng để đưa đường cho anh? Hay là anh lấy Nhật ký làm đồ trang sức, làm một cái gì đó để khoe khoang. Hay tệ hơn, làm một cái bồ để trút vào đó những lời than thở, những suy nghĩ giả tạo, nhằm đắp điếm cho một con người giả tạo, sống rất tồi, rất nghèo nàn mà cứ tưởng mình phong phú và bận rộn lắm với công việc hằng ngày…”.

Trên quan điểm này, tác giả quyển nhật ký thuộc về trường hợp thứ nhất. Tác giả luôn thể hiện tư tưởng nhất quán, lập trường quan điểm vững vàng, một khát khao cống hiến cho quê hương của thế hệ trẻ cùng cả nước ra trận, như chính tiêu đề ghi ngoài bìa nhật ký: “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Ngay trong những kỷ vật quý giá, giữa những tấm ảnh của người thân là tấm ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi trong lúc hiên ngang ra pháp trường.

Như có sức hút lạ kỳ từ những dòng chữ đã chôn vùi dưới lòng đất gần 50 năm, lạ kỳ như chính số phận của những kỷ vật đã tồn tại và được phát hiện sau những biến cố đáng buồn. Nhưng trên hết, vẫn là những ghi chép hết sức riêng tư, lại khắc họa được tư tưởng, tình yêu của cả một thế hệ anh hùng- thế hệ sẵn sàng hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ quốc thân yêu.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: QUANG THUẦN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh