
Đến nay, Tam Bình có 2 xã đạt 9/19 tiêu chí, 2 xã đạt 7 tiêu chí, 12 xã đạt từ 4- 6 tiêu chí. Riêng 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm: Mỹ Lộc, Song Phú, Ngãi Tứ, Hòa Lộc đạt từ 6- 10 tiêu chí.
Nghề đan thảm lục bình đang mang lại thu nhập khá cho người dân nông thôn.
Đến nay, Tam Bình có 2 xã đạt 9/19 tiêu chí, 2 xã đạt 7 tiêu chí, 12 xã đạt từ 4- 6 tiêu chí. Riêng 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) gồm: Mỹ Lộc, Song Phú, Ngãi Tứ, Hòa Lộc đạt từ 6- 10 tiêu chí. Và theo nhận định chung của các xã điểm, để đạt chuẩn xã NTM vào năm 2015 thì các xã còn phải đối diện với nhiều khó khăn, như làm sao để nâng thu nhập của người dân lên mức 1.400 USD/người/năm. Đây là bài toán khó mà các ngành và địa phương đang tìm lời giải để tiêu chí thu nhập đạt yêu cầu.
Là một xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên tiêu chí thu nhập là tiêu chí khó thực hiện đối với xã Ngãi Tứ trong xây dựng NTM. Hiện tại xã có 2 làng nghề đan thảm lục bình ở ấp Bình Ninh và Bình Quí, đồng thời đang đề nghị công nhận thêm 1 làng nghề ở ấp An Phong. Sau khi các làng nghề đi vào hoạt động đã thu hút hàng ngàn lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bên cạnh các làng nghề, thế mạnh của Ngãi Tứ chính là sản xuất nông nghiệp: trồng lúa và luân canh cây màu. Sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa cây màu xuống ruộng, thu nhập của người dân ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo của xã cũng giảm đáng kể (năm 2010 có 417 hộ nghèo, năm 2011 còn 299 hộ). Thế nhưng việc nâng cao thu nhập theo tiêu chí xây dựng NTM đang là vấn đề hết sức khó khăn đối với Ngãi Tứ.
Chị Nguyễn Ngọc Ánh ở ấp Bình Quí cho biết: “Chị tham gia làng nghề này cũng được 5 năm rồi. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, cơm nước xong, một ngày chị làm được 5 tấm thảm, bình quân tháng cũng được 600 ngàn để trang trải trong gia đình”.
Ông Phạm Phú Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ đánh giá tình hình thực hiện tiêu chí thu nhập ở địa phương: “Đối với xã Ngãi Tứ, phần lớn người dân làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Bà con đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để sản xuất, tăng thêm thu nhập. Trong thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã tập trung vận động bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điển hình là vận động đưa màu xuống ruộng, màu xen vườn, mở các lớp đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần phát triển nghề TTCN của địa phương. Thời gian qua, đời sống, mức thu nhập của người dân từng bước được nâng lên nhưng để đáp ứng tiêu chí số 10 về thu nhập trong 19 tiêu chí xây dựng NTM- 1.400 USD/người/năm thì Đảng ủy, UBND xã còn gặp rất nhiều khó khăn”.
Dịch vụ phơi lúa giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân Ngãi Tứ. Ảnh: TRẦN ÚT
Với mức thu nhập như hiện tại, để đạt đến con số 1.400 USD/năm là rất khó. Và cái khó này không của riêng một địa phương nào mà là khó khăn chung của huyện. Nếu như thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Ngãi Tứ là 13,5 triệu đồng/người/năm thì xã Hòa Lộc cũng chỉ mới đạt con số 16 triệu đồng/người/năm. Ngoài sản xuất lúa và luân canh cây màu, các xã cũng có lợi thế trong chăn nuôi. Thế nhưng trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản lên xuống không ổn định dẫn đến thu nhập của người dân cũng rất bấp bênh, việc đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất cũng trở nên hạn chế. Với nhiều rủi ro trước mắt, việc tăng thu nhập cho người dân để thực hiện tiêu chí nông thôn mới thật sự còn lắm gian nan.
Ông Nguyễn Văn Hải- Bí thư Đảng ủy xã Hòa Lộc cho biết: “Hiện nay, trong thực hiện tiêu chí thu nhập, địa phương chúng tôi còn gặp những khó khăn như nông dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mà giá cả nông sản đầu ra không ổn định, có lúc rất thấp dẫn đến thu nhập không cao. Đối với xã Hòa Lộc hiện nay, các cụm tuyến tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, từ chỗ đó, giải quyết công ăn việc làm cho bà con cũng gặp khó, cho nên chưa có nguồn thu mới nào cho người dân. Các làng nghề đã có thì thu nhập cũng không ổn định, giá thì thấp, đầu ra của sản phẩm lúc bán được lúc không”.
Mặc dù có nhiều thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình sản xuất lúa mang lại chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình cộng đồng sản xuất lúa bền vững, mô hình sản xuất lúa chất lượng VietGAP… góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của người dân. Tuy nhiên, mức thu nhập của nông dân trên địa bàn huyện vẫn còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Theo bộ tiêu chí xây dựng NTM, xã đạt tiêu chuẩn NTM là xã có mức thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,5 lần thu nhập bình quân chung của khu vực, gần bằng với mức 28 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, đến nay thu nhập bình quân của các xã được chọn làm điểm xây dựng NTM chỉ đạt từ 13,5– 18 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, để nâng cao thu nhập cho người dân, các ngành các cấp cần có những bước đi phù hợp và giải pháp tích cực.
Nói về giải pháp thực hiện tiêu chí thu nhập, đồng chí Lê Quang Đạo- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM huyện cho biết: “Để đảm bảo thực hiện tốt tiêu chí này thì trong thời gian qua huyện đã tập trung chỉ đạo: Vấn đề thứ nhất là xác định nông nghiệp hiện nay vẫn là thế mạnh của huyện. Bởi vì huyện Tam Bình là huyện nông nghiệp. Vì vậy sẽ tập trung chỉ đạo nhằm phát triển nông nghiệp một cách toàn diện. Thứ hai, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề ở nông thôn gắn với mở mang thêm những ngành nghề hiện có, trong đó có nhiều làng nghề TTCN truyền thống ở địa phương, các làng nghề thu hút lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Thứ ba, huyện cũng tăng cường quan hệ với các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động trong và ngoài huyện để giới thiệu cho lao động của huyện có việc làm ở các khu- cụm công nghiệp nhằm mục đích chuyển dịch cơ cấu lao động, từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân”.
Tăng thu nhập cho người dân nông thôn, nhất là nông dân trong quá trình xây dựng NTM là điều không thể làm được trong một sớm một chiều. Để làm được điều đó đòi hỏi rất lớn ở sự nỗ lực của từng hộ dân, sự liên kết của cả tập thể, cộng đồng. Đặc biệt cần có những chính sách đầu tư phù hợp đối với lĩnh vực nông nghiệp của huyện, tăng cường công tác đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp với những ngành nghề hiện có nhu cầu tại chỗ và đào tạo đúng địa chỉ… đồng thời phổ biến nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả để người dân tham khảo, học hỏi và áp dụng vào thực tế góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
THU HÀ – DUY LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin