Không chỉ khéo trong việc thành lập tổ gia công đan ghế xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn, ông Nguyễn Tấn Hoài (sinh năm 1942)- Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi (NCT) ấp Vĩnh Thạnh (Thuận Thới- Trà Ôn) còn khéo làm gương và vận động hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao- Gương sáng”.
Không chỉ khéo trong việc thành lập tổ gia công đan ghế xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi nông thôn, ông Nguyễn Tấn Hoài (sinh năm 1942)- Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi (NCT) ấp Vĩnh Thạnh (Thuận Thới- Trà Ôn) còn khéo làm gương và vận động hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao- Gương sáng”.
Thấy nhiều hộ dân xã Thuận Thới (Trà Ôn) ngồi đan ghế bằng dây nhựa, hỏi ra mới biết: Những hộ này đan ghế xuất khẩu cho tổ gia công do ông Bảy Hoài (Nguyễn Tấn Hoài- PV) làm tổ trưởng.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi… ông Bảy (bìa trái) đã đóng góp thiết thực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.
|
Đến nhà ông Bảy, thấy ông đang dùng trục quay đo dây, vì: “Dây nhựa khi dày, khi mỏng. Nếu cân ký, cắt không khéo sẽ vụn dây. Chịu khó cực một chút, nhưng sẽ không thất thoát, tạo được uy tín với công ty…”
Bên tách trà, ông Bảy kể: Qua phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” của BCĐ xã, tôi nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của NCT trong xã hội. Tôi luôn suy nghĩ: Làm sao để người nghèo trong xã có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống?!…
Năm 2005, thấy nông dân khốn đốn vì dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá trên ruộng lúa, dẫn đến thất mùa đời sống khó khăn. Được sự khuyến khích, hỗ trợ của BCĐ, Hội NCT xã, ông đã mạnh dạn thành lập tổ gia công đan ghế xuất khẩu bằng dây nhựa- một việc làm “mới lạ” cần sự khéo léo của đôi tay.
Với nghề gia công đan ghế xuất khẩu, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định hơn. Trong ảnh: Chiếc ghế được tổ viên tự chế từ dây nhựa thừa được khẳng định là: “ngồi rất êm”.
|
Từ quyết định “táo bạo” đó, ông đã… xuất tiền túi, đưa người lên công ty ở Biên Hòa (Đồng Nai) để học nghề cho đến khi được công ty chấp nhận và giao hàng về gia công… Đến khi nhận hàng, ông Bảy lại gặp khó, “do đa số là nông dân, không khéo tay, nên gặp chút trở ngại, nhiều người đã định bỏ cuộc”- ông Bảy nhớ lại. Ông phải cử người đến tận nhà động viên và hướng dẫn tỉ mỉ “vì tay nghề càng giỏi thì thu nhập càng cao”.
Nhờ chi trả tiền công kịp thời, hợp lý, hợp đồng không qua trung gian, nên tiền gia công kha khá (20- 25 ngàn đồng/ghế), hầu hết mọi người làm việc phấn khởi. Đối với những hộ khó khăn, ông sẵn sàng ứng tiền trước, từ đó, các tổ viên luôn gắn bó và xem tổ gia công như nhà của mình. Trong thực hiện hợp đồng, ông luôn đặt “uy tín, chất lượng và đảm bảo thời gian” lên hàng đầu để tạo sự tin cậy lẫn nhau.
Qua thời gian, nhiều người trở nên say mê công việc đến mức… quên cả nghỉ ngơi. “Việc làm này không cần phải đầu tư vốn, chỉ cần tay nghề giỏi là thu nhập cao, không sợ rủi ro. Từ 10- 15 tổ viên ban đầu, đến nay đã thu hút trên 150 lao động trong và ngoài huyện. Hiện, các tổ viên rành nghề có thể đan tất cả mặt hàng của công ty”- ông Bảy khoe.
Đến nhà chị Mai Thị Đào, thấy chị đang… nằm võng đan ghế, hỏi ra mới biết vậy nên giao hàng cho chị thì “không sợ trầy”. Chị còn tự tin: “Hàng tui đan là “chuẩn, không cần chỉnh”. 7 năm nay, nhờ “rảnh thì làm, mệt thì nghỉ, không dang nắng, dầm mưa” như vầy mà chị có thể trang trải các chi phí trong gia đình. Trung bình, mỗi tuần chị lãnh 30 ghế, có thể bỏ túi 2,4 triệu đồng/tháng.
Không chỉ thu hút lao động nông nhàn mà cả công chức, giáo viên như vợ chồng chị Mai Thị Hồng và anh Nguyễn Hồng Tâm (thợ mộc) cũng nhận hàng kiếm thêm thu nhập. “Ngoài có thêm tiền đi chợ, vợ chồng tui còn “dự trữ” được một ít, cộng với thu nhập từ nghề “tay phải” của mình là có thể đầu tư cho con đi học…”- chị Hồng khoe.
Nếu chỉ đan trong lúc nhàn rỗi, thu nhập 700.000- 900.000 đ/người/tháng, còn dành toàn thời gian thì thu nhập có khi lên đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, nhiều hộ đã vượt qua nghèo khó, cất nhà, mua xe… Bằng những việc làm thiết thực trên, tổ gia công của ông Bảy đã được nhận nhiều giấy khen và bằng khen của các cấp.
Ông Phan Hồng Kỳ- Chủ tịch Hội NCT xã nhận định: Trước đây, có rất nhiều điểm gia công hàng xuất khẩu nhưng chỉ một thời gian thì “chựng” lại hoặc giải thể. Riêng tổ gia công của ông Bảy, qua 7 năm vẫn phát triển bền vững, thậm chí đôi lúc không đủ hàng để giao cho các tổ viên. Do tổ nằm ở vùng sâu, mặt bằng hẹp, phương tiện chuyên chở lớn không vào được nên số lượng hàng mỗi đợt đem về chỉ đủ phân phối cho các hộ ở gần. Đây cũng là điều đáng tiếc. Hiện, hội đang tạo điều kiện để ông Bảy làm đơn thành lập hợp tác xã, xin hỗ trợ vốn và nơi xây dựng nhà xưởng thuận lợi cho việc giao nhận sản phẩm với quy mô lớn. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi hiện nay.
Mặc dù đã bước sang tuổi “thập thất cổ lai hy” nhưng ông Bảy vẫn không nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già vì “thấy nhu cầu việc làm cho lao động nông thôn là rất lớn, nên tui luôn cố gắng duy trì để bà con xã nhà có thu nhập ổn định với quyết tâm giúp bà con giảm nghèo và mong sao được góp phần nhỏ của mình cùng xã xây dựng nông thôn mới”- ông Bảy tâm sự.
Bà Lê Thị Út Nhỏ- Chủ tịch Hội NCT huyện Trà Ôn nhận định: “Không chỉ giúp “khéo” trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... ông Bảy còn “khéo” trong thương thuyết, gầy dựng uy tín, tập hợp hội viên và triển khai tốt các chương trình công tác, phong trào hội, tích cực làm gương và vận động hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao- Gương sáng”. Ông vinh dự được bình chọn là gương điển hình NCT trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp tỉnh 2012.
Sống vui, trẻ, khỏe mỗi ngày
Chúng tôi gặp bác Trần Mộng (83 tuổi, xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long)- nguyên Trưởng Đoàn văn công tỉnh Vĩnh Long, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhân lúc bác vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (ảnh). Dù ở tuổi cao nhưng bác vẫn khỏe, có thể tự chạy xe máy đến chỗ họp và khuôn miệng luôn tươi cười. Bác chia sẻ: “Sáng bác dậy 4 giờ đi bộ, hít thở không khí trong lành. Sau đó tập dưỡng sinh, tập xương sống để lưng đi thẳng; xoa tay, massage mặt, trán mỗi ngày”. Ngoài tập thể dục, ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, bác không uống rượu, hút thuốc lá và tinh thần luôn lạc quan, yêu đời. Đó là bí quyết sống vui khỏe mỗi ngày của bác Trần Mộng.
Tin, ảnh: THÚY QUYÊN
|
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin