Mỏi mòn chờ đợi gói hỗ trợ 9.000 tỷ cho cá tra!

06:09, 20/09/2012

Từ đầu tháng 7/2012, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin là sắp giải ngân gói hỗ trợ 9.000 tỷ cho người nuôi cá tra. Trong kỳ họp báo Chính phủ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định đang giao Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo sát để xây dựng phương án giải ngân. Người nuôi vô cùng phấn khởi và chờ đợi… Tuy nhiên, từ khi được Chính

Từ đầu tháng 7/2012, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin là sắp giải ngân gói hỗ trợ 9.000 tỷ cho người nuôi cá tra. Trong kỳ họp báo Chính phủ tháng 7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định đang giao Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo sát để xây dựng phương án giải ngân. Người nuôi vô cùng phấn khởi và chờ đợi… Tuy nhiên, từ khi được Chính phủ chấp thuận phương án đến nay đã qua 2 tháng, vẫn chưa thấy “động tĩnh” gì và người nuôi cá tra vẫn tự bơi trong “biển khổ”!


Người nuôi cá tra mong chờ cái phao “9.000 tỷ” để cứu ngành hàng cá tra. Ảnh: VINH HIỂN

Đã có giải pháp tháo gỡ nhưng chưa hiệu quả

Đằng sau số giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra trên 1,8 tỷ USD, vượt 27% chỉ tiêu xuất khẩu năm 2011, nông dân nuôi vẫn đang đối mặt nhiều rủi ro và hưởng lợi rất thấp trong chuỗi giá trị tra xuất khẩu. Vẫn còn đó những khó khăn và tồn tại: thiếu thông tin minh bạch về thị trường, thống kê và dự báo trong sản xuất và tiêu thụ cá tra còn hạn chế; giá vật tư đầu vào tăng cao, tần suất tăng giá dày; việc liên kết trong sản xuất còn nhiều hạn chế, việc tuân thủ hợp đồng giữa người nuôi và nhà chế biến không mang tính pháp lý chặt chẽ; mặt khác, Nhà nước chưa có cơ chế quản lý đầu ra của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, tình trạng chào bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh cũng là nguyên nhân giá cá trong nước sụt giảm; nguồn vốn không đáp ứng nhu cầu sản xuất và lãi suất ngân hàng (NH) quá cao nhưng định mức cho vay lại quá thấp mà giá cả bấp bênh nên tỷ suất lợi nhuận không ổn định.

Để giữ vững vị thế phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo trong hội nghị hàng loạt các giải pháp khắc phục trong đó có việc sẽ sớm trình Chính phủ thông qua nghị định quản lý sản xuất, tiêu thụ cá tra; thành lập Hiệp hội Cá tra ĐBSCL...

Sau đó, chí ít 4 lần Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL đã luân phiên hội nghị và gửi kiến nghị gỡ khó cho sản xuất và tiêu thụ cá tra đến các ngành, các cấp trong tình thế lãi suất vay vốn tăng cao từ 15- 22%/năm vượt quá khả năng chịu đựng của DN. Đến hội nghị sơ kết 6 tháng sản xuất và tiêu thụ cá tra, bao khó khăn tồn tại cũng đã có hàng loạt các giải pháp được lập lại nhưng tháo gỡ chưa có hiệu quả, nhất là về quản lý và nhu cầu về vốn cho sản xuất vẫn chưa được giải quyết.

Hệ lụy là dù được dự báo là thiếu nguyên liệu trong quý IV và cá đến kỳ thu hoạch trong dân không nhiều nhưng gần 5 tháng nay, giá thu mua cũng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất từ 2.000– 3.000 đ/kg, người nuôi vẫn lỗ nặng!

Hiện nay, chi phí sản xuất thực tế cho 1ha mặt nước nuôi cá tra không dưới 8 tỷ đồng, thời gian nuôi cá mất 8- 10 tháng (dài hơn so với trước đây), người nuôi cần vay vốn dài hạn trong khi đó NH chỉ cho vay vốn ngắn hạn với hạn mức vay cũng không nhiều, chỉ vài trăm triệu đồng/ha, chỉ đủ chi phí thuốc và hóa chất cho 1 vụ nuôi! Lúc bấy giờ, NH cho vay vốn không đáng kể nên người nuôi cá tra không thể đầu tư dài hạn, nếu ngành cá tra được ưu tiên vốn, đồng thời lãi suất về dưới 15%/năm thì giá thành sản xuất sẽ cạnh tranh được, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 2 tỷ USD trong năm 2012. Thế nhưng, hiện nay các nhà máy chế biến đông lạnh đa số hoạt động cầm chừng, số còn lại phải đóng cửa hoặc phá sản…; người nuôi cũng nuôi cầm chừng hoặc “treo ao”… bởi lấy đâu ra tiền để duy trì và tái sản xuất khi nhà băng “nói không” hoặc hờ hững với khách hàng hoạt động trong ngành hàng cá tra?

Từ chính sách đến thực tiễn– đoạn đường lắm nhiêu khê!

Theo đại diện NH Nhà nước, năm 2011, nhu cầu vốn cho nuôi trồng, chế biến cá tra tại vùng ĐBSCL là 44.523 tỷ đồng, tăng trên 27% so với năm 2010 nhưng đến cuối năm 2011, dư nợ cho vay thu mua, chế biến cá tra chỉ có 12.651 tỷ đồng. Theo kế hoạch sản xuất năm 2012, để toàn vùng đạt chỉ tiêu ĐBSCL sản lượng từ 1,2- 1,5 triệu tấn cần khoảng 2,6 tỷ con giống cá tra với diện tích nuôi từ 5.500- 6.000ha, thì số vốn đầu tư sản xuất cá tra là hơn 40.000 tỷ đồng. Do đó, dự báo trong năm 2012, với tình hình hệ thống NHTM có nhiều vấn đề bất ổn, giải pháp siết chặt tín dụng vẫn được duy trì thì nguồn vốn phục vụ sản xuất và tiêu thụ cá tra vẫn thiếu rất trầm trọng trong khi ngành hàng được dự báo sẽ vẫn gặt hái được những thành công do mặt hàng cá tra của Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao trong ngành thực phẩm toàn cầu.

Mãi đến tháng 7, trong họp báo Chính phủ, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng khẳng định Chính phủ đã thống nhất chủ trương gói hỗ trợ 9.000 tỷ cho người nuôi cá tra đang giao Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo sát để xây dựng phương án giải ngân. Lúc ấy, nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ này quá nhỏ so với tổng số lượng DN và các hộ nuôi trồng thủy sản hiện có ở khu vực ĐBSCL. Riêng những người nuôi cá tra thì nghĩ khác, có còn hơn không, bởi Nhà nước đâu chỉ phải lo cho 1 ngành hàng. Tiếp theo đó, tại Công văn số 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho NH Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các NHTM nhà nước thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, DN nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu… Sau đó, NH Nhà nước cũng đã chỉ định 5 NH TMCP (trong đó có NH Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Phát triển…) tham gia thực hiện.


Sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh lọt top được ưa thích ở các nước.
Ảnh: VINH HIỂN

Mong mỏi lớn nhất của những người sản xuất cá tra là được giãn nợ, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn nên họ rất phấn khởi với chính sách này. Thế nhưng đến giờ phút này- đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi này cho biết chưa có một đồng nào trong gói hỗ trợ ấy được giải ngân! Không chỉ thủy sản, các lĩnh vực khác trong nông nghiệp cũng chưa thể thuận lợi tiếp cận chính sách ưu đãi này bởi không thỏa mãn các điều kiện cho vay, ví như phao bơi đã được ném ra, nhưng người sắp chết đuối bơi mãi mà chẳng với tới!

Theo chỉ đạo của NH Nhà nước, gần đây lãi suất huy động có giảm từ 14% xuống 13%, 12% rồi 9%, trần lãi suất đầu ra tối đa không quá 15%. Một số NHTM tại các tỉnh đã điều chỉnh giảm lãi suất xuống 12% đến 14%, tùy theo đánh giá mức độ tín nhiệm của NH đối với từng DN. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất diễn ra rất chậm chạp, khiến nhiều DN vẫn phải xoay xở trả nợ với lãi suất cao. Thiếu vốn, lãi suất cao nên khi thị trường biến đổi bất lợi do DN không thể dự trữ hàng mà phải bán ngay với bất kỳ giá nào dẫn đến thua thiệt, khó khăn chồng lên khó khăn. Trong khi đó, các chi phí đều tăng cao ảnh hưởng đến sức sản xuất, khả năng cạnh tranh xuất khẩu, như giá điện, nhân công, bao bì, cước vận chuyển, thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE, phí công đoàn, riêng phí kiểm dịch thú y tăng 300%... Không những người nuôi, theo phản ánh chung của nhiều DN, việc triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN sản xuất thủy sản cũng rất chậm. Việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi không dễ trong khi rất cần tiền để mua cá nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng dần vào dịp cuối năm.

Mặc dù Chính phủ cũng đã có giải pháp tầm vĩ mô tháo gỡ, NH Nhà nước cũng đã có hàng loạt giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhưng với việc tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng vô cùng khó khăn thì cả chuỗi sản xuất chưa thể tái đầu tư, nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu rất cao và lợi thế cạnh tranh ngành hàng ngày càng giảm, thiệt hại cho DN và người nuôi càng gia tăng. Để đối tượng thật sự khó khăn có điều kiện để duy trì và tái sản xuất, các ngành các cấp có liên quan phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn, không thể chậm trễ hơn nữa.

Cùng với giải pháp “cấp cứu” DN, đây là cơ hội rất thuận lợi để cơ cấu, tổ chức lại sản xuất ở các địa phương, các cơ quan chức năng nên tính đến việc xem xét những DN đến mức phải phá sản thì mạnh dạn cho phá sản theo luật định; những DN đang gặp khó khăn gay gắt nhưng có triển vọng phục hồi thì có chính sách tạo mọi điều kiện để vượt qua khó khăn. Phương án là vận động những DN đầu đàn, có khả năng, tiềm lực tài chính đủ mạnh; sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả mua lại những DN phá sản hoặc đã đóng cửa để sớm phục hồi hoạt động sản xuất trở lại. Còn đối với các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ với hạn chế là không có tư cách pháp nhân thực hiện các giao dịch để hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, cần nhận thức rằng không có con đường nào khác là phải liên kết sản xuất thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội thủy sản… để tự cứu mình.

Th.s Phạm Thị Thu Hồng

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh