Tạo môi trường thân thiện để HS hào hứng, yên tâm học tập. Trường cấp II-III Phú Quới phấn đấu dưới 5% học sinh bỏ học trong năm học mới.
Tạo môi trường thân thiện để HS hào hứng, yên tâm học tập. Trường cấp II-III Phú Quới phấn đấu dưới 5% học sinh bỏ học trong năm học mới.
Đầu năm học và sau nghỉ tết (đầu học kỳ II) là những mốc thời gian đáng lo nhất của các trường phổ thông khi số học sinh bỏ học (HSBH) cao.
“Học hay không học... là do nó!”
Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (xã Tân Hòa, TP Vĩnh Long), HS chưa ra lớp từ đầu năm đến giờ là 16 em. Còn HSBH trong hè rồi là 19 em, đã vận động đi học lại được 2 em. Con số này cao hơn bình quân của cả tỉnh ở bậc THCS và cao hơn biên độ cho phép đối với một đơn vị THCS nói chung. Hơn nữa, trường đang trong giai đoạn cận chuẩn quốc gia và “chỉ còn vướng việc duy trì sĩ số”.
Trường Phổ thông cấp II- III Phú Quới (Long Hồ) có 11,46% HSBH. Trong số 85 HSBH ở khối THPT năm học qua, có đến 63 HS lớp 10. Thầy Lê Thành Hiếu cho biết, ngoài những nguyên nhân như gia đình khó khăn, học yếu, HSBH còn do bạo lực học đường! Một số em đôi lúc hiềm khích, đánh nhau và đau xót hơn là có suy nghĩ “đánh cho sướng… tay rồi nghỉ học”. Thầy còn thông tin thêm, mỗi năm có khoảng 10 HS của trường bị kỷ luật.
Tìm hiểu nguyên nhân, hầu hết thầy cô cho rằng, HSBH một phần do ý thức cho con đi học còn kém. Nhiều phụ huynh HS khi được vận động chỉ nói “tùy cháu nó thôi, học hay không học... là do nó”. Thầy Lộc lắc đầu: “HS nghỉ vì gia đình khó khăn… trường vận động hỗ trợ cho em đi học. HS học kém thì trường nâng kém cho các em. Nhiều em lại đưa ra lý do… không thích học. Đến nước này thì giáo viên hết biết đường vận động.” Bên cạnh, nhiều HSBH còn vì đi làm để kiếm tiền trong các cơ sở xung quanh trường hay các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trường THPT Tam Bình cũng đang cố kéo giảm tỷ lệ HSBH. “HS cứ nghỉ học 2 buổi là giáo viên chủ nhiệm liên hệ phụ huynh rồi đến tận nhà vận động”– thầy Hồ Trọng Nhân cho hay.
Lãnh đạo nhiều trường trong 10 trường THPT (hầu hết là trường bán công chuyển sang mô hình trường công lập và trường vùng sâu vùng xa) cho biết, các trường rất lo ngại với vấn nạn HSBH tại trường- nhất là 2 thời điểm “cao điểm” như đã nói. Và mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn khó có thể kéo giảm số lượng HSBH...
Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã nhấn mạnh việc khắc phục tình trạng HSBH trong dịp tổng kết năm học 2011-2012 của Sở GD-ĐT, là: Tỷ lệ HSBH tuy có giảm nhưng vẫn còn cao. Cứ một năm 2.500 HSBH thì 4 hay 5 năm nữa số HSBH sẽ tương đương với dân số một xã!
|
“Mỗi đầu năm học, trường đều có 2 công văn (một dành cho HSBH trong hè và một dành cho HS chưa ra lớp sau một tuần nhập học) gửi chính quyền các địa phương phối hợp vận động HS ra lớp. Nhưng ít khi nào vận động các em ra đầy đủ lắm”- thầy Lộc nói. Tuy nhiên nếu so cách đây khoảng 7 năm học, tỷ lệ HSBH của THCS Nguyễn Đình Chiểu đã giảm gần 50% (hiện tại 2,43%, năm học 2005- 2006 là 4,2%).
Khó khăn hơn, theo thầy Lê Thành Hiếu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp II-III Phú Quới: “Trong năm học rồi, trường không vận động được HS nào đi học trở lại”. Điều đó không có gì khó hiểu đối với một trường đóng trên địa bàn gần khu công nghiệp như cấp II-III Phú Quới, vì nhiều HS dễ bị xâm nhập thói xấu, nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn và ham đi kiếm tiền từ sớm.
“Biện pháp mới nhất của trường là làm công tác tư tưởng với phụ huynh ngay từ đầu”. Thế nên, cứ sau học kỳ I, trường lại tổ chức đại hội phụ huynh HS khối 10 để “cha mẹ quan tâm, ủng hộ HS đi học”. Tuy nhiên, chỉ 70% PHHS đi họp, số PHHS còn lại không đi họp thường ít quan tâm con và thuộc nhóm “nguy cơ”.
Dù đã rất nỗ lực vận động, nhưng cả trường này cũng chỉ có 1-2 HS chịu đi học lại so với gần 20 HS bỏ học trong hè. Trong ảnh: Một tiết học hào hứng của thầy trò Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu.
Bên cạnh, “3 nhà” (gia đình HS, nhà trường, xã hội) cần chung tay hạn chế HSBH. Hầu hết lãnh đạo các trường đều hiểu rằng: phải chống bỏ học ngay từ gốc. Nghĩa là, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ lên ý thức của PHHS. Gia đình phải quan tâm, động viên HS học tốt. Các cấp chính quyền cũng cần kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động trẻ em, quản lý chặt các tụ điểm Internet với các trò chơi mạng, game online.
“Hàng năm, trường chúng tôi đã thực hiện giảm học phí cho khoảng 1/4 HS toàn trường. Cái gì miễn giảm được cho HS thì chúng tôi miễn giảm hết”- thầy Lộc chia sẻ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS, nhất là HS nghèo, cận nghèo yên tâm đến trường. Đối với các trường phổ thông, dù khó các trường vẫn hy vọng vì “năm nay được phân luồng”, HS được chọn lọc giảm tỷ lệ các em học yếu nên chuyện bỏ học có thể sẽ giảm...
Năm học 2011- 2012, tỉnh Vĩnh Long có 2.556 HSBH, chiếm 1,53%. Trong đó, HSBH bậc tiểu học có 86 em (0,11%), bậc THCS 880 em (1,6%) và bậc THPT là cao nhất với 1.590 HSBH (4,93%). Theo Sở GD-ĐT, con số 4,93% HSBH ở bậc THPT so cùng kỳ có giảm (0,19%). Thống kê có 10/31 trường THPT toàn tỉnh có HSBH từ hơn 7% đến gần 18%. Trong đó, đáng lo ngại nhất là có một trường có đến 17,86% HSBH.
|
Bài, ảnh: MINH THÁI – CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin