Cù lao phòng chống lũ

06:09, 18/09/2012

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương, hiện nay mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh, có khả năng gây thiệt hại lớn cho vườn cây ăn trái, rau màu. Trong khi đó, các xã cù lao luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở do lũ, triều cường.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng- Thủy văn Trung ương, hiện nay mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh, có khả năng gây thiệt hại lớn cho vườn cây ăn trái, rau màu. Trong khi đó, các xã cù lao luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở do lũ, triều cường.


Các xã cù lao luôn chịu ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ, triều cường. Trong ảnh: Gia cố đập tại xã cù lao Thanh Bình (Vũng Liêm) vào mùa lũ năm ngoái.

Còn nhớ, đợt triều cường năm ngoái đã làm sạt lở, tràn nước 680m đập và đê bao ở 7 xã của huyện Vũng Liêm. Khoảng 1.500ha vườn cây ăn trái bị ngập. Trong đó, 2 xã cù lao Thanh Bình và Quới Thiện thiệt hại khá nặng, với nhiều tuyến đê bao, cống đập bị hư hại, vườn cây úng ngập. Hai xã này hiện có trên 3.000ha vườn đặc sản cần được bảo vệ. Do đó, ngoài xây dựng mới hệ thống đê bao ngăn lũ trong chiến dịch mùa khô, chính quyền xã vận động nhân dân gia cố đê bao ngăn lũ, xây dựng các cống đập vùng xung yếu. Để chuẩn bị cho đợt lũ cao điểm sắp tới, Phòng Nông nghiệp- PTNT đã tích cực chỉ đạo các xã tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.

Ngay từ đầu năm, huyện Vũng Liêm đã triển khai thi công 25 công trình nâng cấp bờ vùng, đê bao, cống đập từ nguồn vốn khắc phục lũ lụt do Trung ương hỗ trợ, vốn cấp bù thủy lợi và vốn ứng trước của năm 2013. Ngoài ra, huyện đã chủ động mua 7 máy bơm nước công suất lớn để chủ động chống úng và chống hạn khi cần thiết, bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp cho người dân. Làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cứu nạn (PCLB- TKCN) tỉnh, Vũng Liêm kiến nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng 8 công trình bức xúc với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng để hoàn thành khép kín hệ thống đê bao bờ vùng chống lũ trên địa bàn huyện.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ba- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm, đã tập trung thực hiện các công trình thủy lợi ở các xã ven sông Cổ Chiên, đặc biệt là 2 xã Thanh Bình và Quới Thiện như đắp đê bao, gia cố các đập xung yếu và bảo vệ vườn cây ăn trái,... Phối hợp với các đơn vị thi công điều động phương tiện kịp thời cũng như huy động lực lượng tại chỗ để gia cố các mặt đập…


Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Trà Ôn kiểm tra địa bàn xung yếu trước mùa lũ.

Tại Trà Ôn, 2 xã cù lao Lục Sĩ Thành và Phú Thành luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở. Khu vực cồn mới thuộc ấp An Thành (Lục Sĩ Thành) có diện tích khoảng 60ha, nằm ngay đầu vàm Kinh Xáng thuộc khu vực chợ nổi Trà Ôn, do hệ thống bờ bao chưa vững chắc nên nhiều diện tích vườn cây ăn trái và hoa màu của người dân nơi đây luôn bị nước lũ và triều cường đe dọa.

Để chủ động, người dân đã góp tiền và ngày công để tôn cao các đoạn bờ bao xuống cấp. Có nơi, người dân đã dùng cừ tre, cừ tràm làm hàng rào và đắp đất lên trên để bảo vệ chân đê. Hiện toàn xã đã vận động nhân dân nâng cấp được trên 14km đê bao và 3 cống đập, góp phần bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân khi lũ về.

Phần lớn diện tích của xã Phú Thành (Trà Ôn) đều nằm ven bờ sông, đặc biệt là các ấp: Phú Long, Phú Lợi, Phú Xuân, Mái Dầm,… và đây được xem là địa bàn xung yếu của huyện mỗi khi lũ về. Đợt triều cường năm rồi đã làm khoảng 12 đoạn đê ở các ấp này bị sạt lở.

Nhằm đối phó với lũ, triều cường, chính quyền xã Phú Thành đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự thuê xáng cạp gia cố, tôn cao bờ bao, cống, đập. Đến nay, toàn xã đã thực hiện trên 95% khối lượng công trình, đồng thời địa bàn xung yếu luôn được kiểm tra thường xuyên để có phương án khắc phục, ứng phó kịp thời.

Ông Ngô Công Khanh- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành cho biết: Ngay trong chiến dịch mùa khô, công tác nâng cấp gia cố các đê bao cống đập đã được thực hiện. Hiện các đê bao đã được nâng cấp cao hơn đỉnh lũ năm 2011.

Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện Trà Ôn cũng đã rà soát lại hầu hết các địa bàn xung yếu trước mùa lũ. Trực tiếp kiểm tra, ông Nguyễn Văn Trạng- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN huyện cho biết: Những địa bàn trọng điểm bức xúc chịu ảnh hưởng của lũ, triều cường sẽ được ưu tiên bố trí vốn thi công nhanh nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống của dân.

Tại buổi kiểm tra công tác PCLB ở các địa phương trong tỉnh mới đây, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh lưu ý, bão lũ năm nay sẽ có diễn biến phức tạp, do đó các địa phương cần chủ động hơn, cử thành viên kiểm tra thường xuyên tại các địa bàn xung yếu và phát huy tốt hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ” để có thể hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra, giúp người dân an tâm sản xuất.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong tháng 9 và nửa đầu tháng 10/2012, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ lên dần. Đỉnh lũ có khả năng xuất hiện trùng với đỉnh triều cường giữa tháng 10, tại Tân Châu trên sông Tiền ở mức 3,60m (trên báo động I 0,10m), tại Châu Đốc trên sông Hậu ở mức 3,10m (trên báo động I 0,10m), thấp hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 0,50m.

Đỉnh triều cường cao nhất năm tại Cần Thơ và Mỹ Thuận sẽ xuất hiện vào giữa tháng 10, tại Cần Thơ trên sông Hậu có khả năng ở mức 1,90m (ở mức báo động III), tại Mỹ Thuận trên sông Tiền có khả năng ở mức 1,80m (ở mức báo động III).


Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh