Thanh niên đến với Đoàn

06:09, 25/09/2012

Tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vào các tổ chức Đoàn- Hội TN đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều cơ sở Đoàn nông thôn. Mặc dù có nhiều biện pháp tích cực, song đến nay tỷ lệ ĐVTN tham gia vào các hoạt động, vẫn chưa thật sự sôi nổi… Làm sao để bắt đúng mạch TN nông thôn vẫn đang là dấu chấm hỏi của các tổ chức Đoàn.


Trong nhiệm kỳ qua, Đoàn đã có nhiều phong trào “bắt đúng mạch” đoàn viên thanh niên.
Ảnh: VINH HIỂN

Tập hợp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) vào các tổ chức Đoàn- Hội TN đang là vấn đề khó khăn đối với nhiều cơ sở Đoàn nông thôn. Mặc dù có nhiều biện pháp tích cực, song đến nay tỷ lệ ĐVTN tham gia vào các hoạt động, vẫn chưa thật sự sôi nổi… Làm sao để bắt đúng mạch TN nông thôn vẫn đang là dấu chấm hỏi của các tổ chức Đoàn.

Từ thực tế cơ sở

Hiện nay các cơ sở Đoàn ở nông thôn đều gặp khó khăn trong việc thu hút ĐVTN tham gia sinh hoạt. Nguyên nhân là do TN địa phương thường đi làm ăn xa... nên ít tham gia các sinh hoạt đoàn thể.

Theo anh Ngô Hùng Nhân- Bí thư Đoàn huyện Mang Thít: “Trong khoảng 30% TN lao động trong huyện thì chỉ có khoảng 10% TN tham gia các hoạt động Đoàn”. Riêng 70% còn lại đi làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và không quản lý được. Một khó khăn nữa là do cán bộ chi đoàn ấp thường xuyên thay đổi nên bị động trong tổ chức, ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào chung. Bên cạnh, mức phụ cấp ít ỏi cũng gây khó trong việc giữ chân cán bộ Đoàn. Cũng phải nói thêm rằng ngoài những chương trình cấp tỉnh như Về nguồn, Hè tình nguyện… thì các hoạt động ở Đoàn cơ sở chưa tạo được màu sắc riêng, vì vậy sức hút đối với TN chưa nhiều.

Anh Nguyễn Văn Phú (Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) đang trong độ tuổi Đoàn nhưng không tham gia tổ chức vì không phù hợp với những TN nông thôn là nông dân như mình: “Tôi muốn được học hỏi những mô hình làm ăn mới hoặc học thêm nghề tay trái lúc nông nhàn. Những buổi sinh hoạt nên ngắn gọn, dễ hiểu và không quá hình thức”.


Đoàn viên thể hiện tinh thần xung kích vì cộng đồng.

Xã Đoàn Thuận An (Bình Minh) có trên 450 ĐVTN tham gia sinh hoạt tại địa phương. Trong đó, có 75% TN làm kinh tế nên ít có thời gian tham gia sinh hoạt Đoàn. Chị Lê Thị Tuyết Lan- Phó Bí thư Xã Đoàn cho biết: “ĐVTN trên địa bàn chủ yếu là trồng rau màu nên không có nhiều thời gian. Bên cạnh, chưa có nhiều hoạt động phù hợp, hỗ trợ TN phát triển kinh tế nên các bạn nếu có tham gia cũng thiếu sự nhiệt huyết”.

Hoạt động thiết thực, phù hợp

Tập hợp TN vào tổ chức không chỉ là tôn chỉ, mục đích mà còn là trách nhiệm của tổ chức Đoàn. Vì vậy, để giải quyết những khó khăn thì Đoàn các cấp cần có thời gian nhất định nhưng trước hết, cán bộ Đoàn cơ sở phải xác định được vị trí, vai trò của Đoàn- hội để từ đó định hình được những việc làm cụ thể. Bên cạnh đó cũng cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của TN để có những hình thức thu hút, tập hợp hiệu quả…

Anh Huỳnh Kim Nguyên Thảo- Bí thư Đoàn xã An Bình (Long Hồ) tập hợp TN bằng “các công trình TN, giao lưu thể dục thể thao, tổ chức văn nghệ sao cho vừa vui vừa có ý nghĩa”. Hiểu được nhu cầu vui chơi, giao lưu của ĐVTN, Xã Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; văn nghệ gây quỹ “Tiếp sức đến trường” với gần 60 triệu đồng giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, vừa tạo sân chơi lành mạnh cho ĐVTN lại vừa tạo điều kiện để học sinh nghèo đến trường.


Cần có nhiều hơn các hoạt động thu hút thanh niên tham gia tổ chức Đoàn.

Theo chị Lê Thị Tuyết Lan thì muốn mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp TN, trước hết phải tạo được niềm tin trong TN, để TN tự nguyện đến với tổ chức. Vì thế, Xã Đoàn thường tổ chức phong trào thể dục thể thao, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cho vay vốn để ĐVTN làm kinh tế, nâng cao đời sống. “Khi kinh tế ổn định thì ĐVTN mới an tâm tham gia vào các hoạt động Đoàn”- chị Lan nói.

Trao đổi vấn đề này, anh Trừ Trung Tín- Bí thư Huyện Đoàn Bình Tân cho rằng cần phải có sự đổi mới trong cách thức tổ chức. Riêng Huyện Đoàn đã thành lập nhiều “tổ cuốc khoai”, “tổ giữ khoai”, tạo việc làm cho ĐVTN. Các ĐVTN có thể sinh hoạt tập thể, giao lưu văn nghệ và trao đổi những kinh nghiệm sản xuất hay… ngay trên ruộng khoai. Điển hình như tổ cuốc khoai của thanh niên ấp Hưng Lợi- Tân Hưng đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 40 ĐVTN.

Trong nhiệm kỳ 2007- 2012, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Vĩnh Long phát triển thêm 58.000 ĐV mới, nhưng vẫn còn ít so với số lượng TN trong tỉnh. Anh Nguyễn Minh Dũng- Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long cho biết: Trước những khó khăn trên, BTV Tỉnh Đoàn đã có khảo sát nhu cầu thực tế về việc làm trong thanh niên nông thôn để xây dựng kế hoạch tập hợp, chăm lo cho đối tượng này. Riêng đối với thanh niên công nhân thì tổ chức Đoàn- hội cũng đã bước đầu tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần như: tổ chức phiên chợ công nhân, sân chơi cuối tuần, hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, tặng quà cho TN công nhân có hoàn cảnh khó khăn…


CẨM HUỆ- CAO HUYỀN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh