Trải qua những năm tháng gian khổ, khi xuất ngũ trở về những người lính Cụ Hồ lại bước vào trận chiến mới: “diệt giặc đói”. Với bản lĩnh vững vàng, ý chí tự lực tự cường cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Vĩnh Long, rất nhiều hội viên (HV) đã thoát nghèo, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trải qua những năm tháng gian khổ, khi xuất ngũ trở về những người lính Cụ Hồ lại bước vào trận chiến mới: “diệt giặc đói”. Với bản lĩnh vững vàng, ý chí tự lực tự cường cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Vĩnh Long, rất nhiều hội viên (HV) đã thoát nghèo, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Với ý chí tự lực, tự cường và sự hỗ trợ thiết thực của các cấp hội, nhiều CCB đã thoát nghèo bền vững.
Làm giàu từ vốn xoay vòng
Sau 3 năm đi bộ đội, học sửa chữa vũ khí ở căn cứ Long Bình (Đồng Nai) và làm công tác hậu cần ở Tỉnh đội Kiên Giang, năm 1985, CCB Tô Văn Bé Sáu (ấp Hiếu Văn, Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) xuất ngũ. Không có đất canh tác, anh kiếm sống bằng nghề làm cỏ, đào đất, cắt lúa mướn...
Tích cóp dần, vợ chồng anh mua chiếc ghe cũ để chèo đò, mua phế liệu, tận dụng tôn cũ làm “co” bơm nước bán… Năm 1993, anh tham gia góp vốn xoay vòng trong Hội CCB xã Hiếu Nghĩa và nhận 300.000đ để mua máy cũ về sửa chữa, tân trang lại bán. Sau đó, anh tiếp tục nhận 1 triệu đồng, mua bộ bình hàn gió đá cũ và thuê mặt bằng để làm.
Dành dụm được số tiền cộng với vốn xoay vòng 1,2 triệu đồng, anh mua 1.500m2 đất vườn. “Lúc đó, tui phải khai hoang và xin bập dừa nước tấn xung quanh để không bị lở; rồi dựng nhà lá, trồng dừa, khoai môn, rau muống, nuôi cá… để cải thiện bữa ăn và có thêm nguồn thu”- anh Sáu kể. Rồi anh mua thêm 2.000m2 đất làm mô hình VACR. Năm 2001, nhận vốn xoay vòng 2,3 triệu đồng và được hội tạo điều kiện vay vốn ưu đãi 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã mua 220m2 đất gần chợ cất nhà và mở rộng nghề sửa máy, gia công cửa sắt, cửa nhôm; rồi nâng lên trại mộc, xưởng gỗ. Lúc đầu, anh lấy công làm lời. Đến nay, cơ sở của anh đã có trên 10 nhân công (trong đó, có 3 dân quân tự vệ) với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Anh có trong tay số vốn khoảng 2 tỷ đồng. Lợi nhuận từ 100- 150 triệu đồng/năm. Riêng 6.000m2 vườn cũng thu vài chục triệu đồng/năm. “Sắp tới, tôi mở thêm xưởng cưa với vốn đầu tư khoảng 400 triệu đồng…”- anh Sáu bật mí.
Từ đồng vốn xoay vòng và được hội hỗ trợ vay vốn ưu đãi ban đầu cộng với quyết tâm thoát nghèo- làm giàu, CCB Tô Văn Bé Sáu (bìa phải) đã có số vốn 2 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong- Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hiếu Nghĩa: Với cách làm ăn theo kiểu “chậm mà chắc”, gia đình anh Sáu phát triển kinh tế rất bền vững… Không chỉ lo “làm giàu”, anh còn nhiệt tình ủng hộ các nguồn quỹ, xây đường giao thông, sửa chữa trường học, cất nhà HV, tặng tập con em CCB, hộ nghèo…
Ông Nguyễn Văn Trưng- Chủ tịch Hội CCB huyện Vũng Liêm nhận định: Trong nhiệm kỳ qua, phong trào CCB đoàn kết giúp nhau nâng cao đời sống, vượt khó thoát nghèo ngày càng phát triển với nhiều hình thức phong phú, hầu hết các cơ sở và chi hội đều xây dựng quỹ hội để hoạt động tình nghĩa. Ngoài hỗ trợ gần 5.000 lượt hội viên vay vốn ưu đãi và vốn nội bộ giúp nhau không tính lãi gần 23 tỷ đồng, các cấp hội còn xây dựng gần 100 mô hình kinh tế hộ và tổ hợp tác. Hiện, có nhiều CCB là chủ công ty, dịch vụ, buôn bán với nguồn vốn khoảng vài tỷ đồng. Đến nay, có 102/168 chi hội ấp khóm và 3 xã không còn CCB nghèo.
An cư từ “Mái ấm đồng đội”
Tại lễ bàn giao nhà “Mái ấm đồng đội”, CCB Đỗ Minh Tâm (ấp Tân Nhơn, Tân Hòa- TP Vĩnh Long), tâm sự: “Trước đây, mỗi mùa mưa lũ tới là trong nhà chẳng khác gì ngoài sân. Tôi không dám nghĩ rằng mình có được căn nhà tường kiên cố và đẹp như thế này. Nay, được hội hỗ trợ xây nhà, tui chỉ tập trung làm ăn để sớm thoát nghèo, không phụ lòng mong mỏi của các cấp hội”.
Trong căn nhà tường khang trang của mình, CCB Huỳnh Văn Liêm (Khóm 3, Phường 5- TP Vĩnh Long) cho biết: “Thu nhập của vợ chồng tui chủ yếu từ bán nước giải khát ở bến xe, lại lo cho 2 con đang tuổi ăn học. Nhà cửa dột nát nhưng không có điều kiện xây cất. Cũng nhờ được hội và Mặt trận Phường 5 quan tâm mà giờ tui có nhà đẹp để ở.”
Ông Đỗ Hữu Sáng- Phó Chủ tịch Hội CCB TP Vĩnh Long cho biết: Hầu hết, các HV được hỗ trợ cất nhà “Mái ấm đồng đội” đều chí thú làm ăn. Nhờ “an cư” nên kinh tế của các HV giờ đã ổn định. Trong 5 năm qua, hội đã thành lập 64 tổ hùn vốn nội bộ giúp nhau làm kinh tế hộ gia đình không tính lãi, 40 tổ vay vốn. Từ sự cần cù, chí thú làm ăn, biết sử dụng vốn vay, vốn nội bộ đúng mục đích, đến nay, số HV có nhà kiên cố đạt trên 95%; có 51/58 ấp khóm và 6/11 xã- phường không còn CCB nghèo.
Theo ông Phan Thanh Hòa- Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vĩnh Long: Với ý chí tự lực, tự cường, biết phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cùng với việc phát triển đa dạng các mô hình kinh tế đã giúp phong trào “CCB giúp nhau nâng cao đời sống, vượt khó thoát nghèo, kinh doanh giỏi” ngày càng khởi sắc. Trong nhiệm kỳ mới (2012- 2017), hội tập trung điều tra, nắm chắc hộ nghèo để có phương án giúp HV thoát nghèo cụ thể từ thế mạnh của địa phương; phấn đấu hội cơ sở có từ 1- 2 mô hình kinh tế tập thể, nhiều cá nhân đạt danh hiệu sản xuất giỏi. Song song, hội chú trọng phát huy nội lực, vận động HV góp vốn xoay vòng, vay ưu đãi để phát triển kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động tình nghĩa, xây nhà “Mái ấm đồng đội”… để kết thúc nhiệm kỳ mới sẽ không còn nhà tạm, hàng năm giảm 2% tỷ lệ HV nghèo theo tiêu chí mới.
Nhiệm kỳ qua (2007- 2012), các cấp Hội CCB tỉnh Vĩnh Long đã xóa 1.184 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 2,75% hộ nghèo, so chỉ tiêu vượt 3,75%. Hiện có 24/107 xã- phường- thị trấn; 64/152 cơ sở hội không còn CCB nghèo. Tỷ lệ khá giàu chiếm trên 63%, so nhiệm kỳ trước cao hơn 3%. Tiêu biểu có Hội CCB TP Vĩnh Long, Bình Tân và Vũng Liêm… với tỷ lệ hộ nghèo lần lượt là 0,76%; 1,55% và 3,36%. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin