Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB- TKCN) TP Vĩnh Long, tình hình mưa lũ năm nay diễn biến rất phức tạp. Tính riêng trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay, đã xảy ra nhiều đợt giông lốc, sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Vì thế, mặc dù đã có kế hoạch từ đầu năm nhưng vẫn cần rà soát kỹ, nhất là các vùng có nguy cơ sạt
Sạt lở ở ấp Tân Hưng (Tân Hòa) rạng sáng 5/7 ngày càng tiến sâu vào bờ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB- TKCN) TP Vĩnh Long, tình hình mưa lũ năm nay diễn biến rất phức tạp. Tính riêng trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay, đã xảy ra nhiều đợt giông lốc, sạt lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Vì thế, mặc dù đã có kế hoạch từ đầu năm nhưng vẫn cần rà soát kỹ, nhất là các vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Đã xuất hiện giông lốc và sạt lở lớn
Theo BCH PCLB- TKCN TP Vĩnh Long, cơn bão số 1 vào ngày 31/3 đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân trên địa bàn: 2 căn nhà bị sập, 22 căn tốc mái, ước thiệt hại 196 triệu đồng. Nặng nề nhất là Tân Hội với 18 căn nhà sập và tốc mái, kế đến là Phường 2, Phường 9, Tân Hòa. Thành phố cũng đã xảy ra 5 điểm sạt lở nghiêm trọng ở Khóm 6 (Phường 5) và xã Tân Hòa.
Khóm 6 (Phường 5) có 2 điểm sạt lở bờ sông Cổ Chiên với tổng chiều dài 60m (rộng 7m, sâu 8m), làm sụp 1 nền nhà, lở “bứt” đường và trôi 2 cầu. Chúng tôi có mặt tại một điểm sạt lở, sóng từ sông Cổ Chiên ì oạp vỗ mạnh vào bờ. Cô Châu Thị Phận thở dài: “Ở gần sông riết rầu quá, bữa nay thấy sóng mạnh vậy chớ đỡ rồi đó, mấy ngày trước còn đập vào bờ ì đùng như… ở biển”. Chú Nguyễn Văn Mi– chồng cô Phận nói: “Mới chưa được nửa mùa gió Nam mà gió mạnh và nước lên nhiều quá! Mọi năm tới tháng 9, 10 nước mới ngập đường đan, năm nay mới tháng này mà ngập rồi. Thiệt đáng lo!”
Còn tại xã Tân Hòa, từ đầu tháng 7 đến nay cũng đã xảy ra 3 vụ sạt lở. Rạng sáng 5/7 tại ấp Tân Hưng đã xảy ra vụ lở đất lớn trên bờ sông Tiền với tổng chiều dài 80m (rộng 7m, sâu 8m), làm “bứt” 30m đường đan và khiến 6 hộ dân nằm trong vùng sạt lở phải di dời khẩn cấp. Bên cạnh, cũng trong tháng 7 còn có 2 điểm sạt lở tại ấp Tân Thuận (thuộc phía bờ trái sông Cái Đôi) với tổng chiều dài 78m (rộng 5m, sâu 8m) làm sụp đường đan, ảnh hưởng đến đường đi lại của người dân. Chị Trần Kim Phụng- người dân ấp Tân Hưng kể: “Từ sau vụ lở đêm 5/7, đất vẫn tiếp tục lở thêm, nhất là khi trời đổ mưa nên ai cũng rầu”. Chị Nguyễn Thị Bích Vân- có nhà nằm “dôi” ra điểm sạt lở lo lắng: “Giờ mong trời thương đừng sạt lở nữa đặng ở đây thêm vài năm, chớ cứ sạt lở hoài phải dời nhà đi liền sẽ rất khó khăn”.
Chủ động phòng chống lụt bão
Khắc phục giông lốc, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố đã kết hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương đến xác minh và đã hỗ trợ 10 căn nhà với tổng số tiền 29 triệu đồng. Riêng các căn bị thiệt hại nhẹ và chủ hộ có điều kiện thì địa phương vận động chủ hộ tự khắc phục. Chủ tịch UBND Phường 5 Hứa Thu Mỹ cũng cho biết: “Gần đây, Khóm 6 bị sạt lở rất nhiều. Trước tết, đã có 8 hộ thuộc diện phải di dời khẩn cấp đã được hỗ trợ tiền trọ, hiện đã được chấp thuận cho vào tuyến dân cư vượt lũ, đang chờ bố trí chỗ. Gần đây nhất là vụ sạt lở lớn làm trôi tuột 2 cầu giao thông, 6 hộ mới bị ảnh hưởng cần di dời khẩn cấp “đang đề nghị được hỗ trợ tiền trọ”.
Điểm sạt lở mới “nuốt chửng” cầu giao thông ở Khóm 6 (Phường 5).
BCH PCLB- TKCN thành phố đã chỉ đạo kiểm tra xây dựng phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “phòng là chính, cơ sở là chính, tại chỗ là chính” và phương châm “4 tại chỗ”… Đồng thời, phân công thành viên BCĐ phụ trách địa bàn phường- xã và phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành và các địa phương. Ông Đoàn Văn Hùng tâm tư: “Xã Tân Hòa có sông Tiền (phía Bắc) và sông Cái Đôi (phía Đông), năm nào cũng tốn tiền của và công sức vì sạt lở. Vì thế, xã đang kiến nghị làm kè sông Tiền, còn khu vực sông Cái Đôi thì đã có chủ trương làm đường (cách sông 100m) chạy dài đến cuối ấp Tân Hưng, còn đường đan cũ sẽ cho từng hộ dân theo kiểu “bến ai người nấy giữ” để hạn chế sạt lở. Tuy nhiên, ông vẫn còn băn khoăn: “6 hộ ở Tân Hưng tuy đã di dời nhưng vẫn còn ở nhờ (chờ hỗ trợ để có chỗ ở ổn định). Mấy ngày gần đây, ra khảo sát thấy đất vẫn tiếp tục lở khiến các hộ phía trong lo lắng. Vì thế, cần có giải pháp ngăn chặn sự xâm thực bờ sông”.
Ông Nguyễn Văn Nhuần– Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, Trưởng BCH PCLB- TKCN thành phố nói: Tình hình mưa lũ năm nay diễn biến rất phức tạp. Đầu năm đã có giông lốc, sạt lở ảnh hưởng đến người dân. Như ở Tân Hòa, tôi lên khảo sát thấy lở rất mạnh và nhanh. Vì thế, BCĐ và địa phương cần rà soát chặt chẽ để có đề xuất kịp thời. Bên cạnh, cần có động thái quyết liệt trong di dời dân ở vùng có nguy cơ hoặc đã xảy ra sạt lở. Mặt khác, việc cấp tiền cho các hộ dân bị sập nhà, tốc mái cũng cần khẩn trương, không kéo dài. Riêng sạt lở ở Tân Hòa, Phòng Kinh tế và xã Tân Hòa cần tìm phương pháp, dự toán kinh phí để có giải pháp khắc phục hậu quả…
Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN – XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin