Vùng đất La Ghì- Vĩnh Xuân (Trà Ôn), là nơi quy tụ nhiều người con yêu nước. Đây cũng là một trong những nơi hình thành chi bộ Đảng Cộng sản sớm nhất vùng Cần Thơ, Vĩnh Long. Tiếp nối truyền thống, Vĩnh Xuân ngày nay đang xây dựng quê hương vươn lên trong cuộc chiến giảm nghèo ở nông thôn.
Vùng đất La Ghì- Vĩnh Xuân (Trà Ôn), là nơi quy tụ nhiều người con yêu nước. Đây cũng là một trong những nơi hình thành chi bộ Đảng Cộng sản sớm nhất vùng Cần Thơ, Vĩnh Long. Tiếp nối truyền thống, Vĩnh Xuân ngày nay đang xây dựng quê hương vươn lên trong cuộc chiến giảm nghèo ở nông thôn.
Cây đa và mái đình Vĩnh Xuân xây dựng mới, bên cạnh Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long. |
Tự hào truyền thống yêu nước
Làng Vĩnh Xuân được hình thành theo các đợt di dân từ miền ngoài đến định cư từ giữa thế kỷ XVI đến khoảng thế kỷ XVIII. Xưa kia, nơi đây là vùng đất hoang vu nhiều chim muông, thú dữ. Ban đầu, ở đây có 2 dân tộc Kinh và Khmer cùng nhau đoàn kết cộng cư chống lại thú dữ, dần dần khai hoang trồng trọt kiếm sống.
Vĩnh Xuân là nơi sớm có phong trào yêu nước, những phong trào tiêu biểu trong lịch sử đất nước đều xuất hiện ở vùng đất này, như: Thiên Địa Hội, Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội… và là một trong những nơi hình thành chi bộ Đảng Cộng sản sớm nhất của vùng Cần Thơ- Vĩnh Long. Do đó, đã quy tụ về đây nhiều người con yêu nước, những chí sĩ yêu nước, những nhà tiền bối cách mạng tiêu biểu như: Nguyễn Văn Thiệt, Trần Nhựt Tân, Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Ngươn Hạnh… Người dân Vĩnh Xuân đã cưu mang, bảo vệ nhiều đồng chí lãnh đạo tiêu biểu và nơi đây cũng đã sản sinh ra nhiều người con trung hiếu, phụng sự Tổ quốc: Nguyễn Thành Thơ, Trịnh Văn Lâu, Quảng Trọng Hoàng, Tạ Uyên, Ngô Thị Huệ,…
Từ những năm cuối thế kỷ XIX, Vĩnh Long cũng như các tỉnh khác của Nam Kỳ, thực dân Pháp nỗ lực kiện toàn bộ máy tổ chức cai trị, tăng cường nhiều biện pháp kinh tế, nhằm vơ vét bóc lột tài nguyên và sức lao động rẻ mạt của người dân địa phương. Đứng đầu là việc tận thu nhiều loại thuế: thuế thân, thuế đinh, thuế ghe thuyền, thuế chợ,… Đồng thời, vơ vét lúa gạo để xuất khẩu, quan hệ xã hội trở nên phức tạp, nảy sinh nhiều mâu thuẫn gay gắt. Cộng thêm sự đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với các phong trào yêu nước. Tuy nhiên, ngọn lửa đấu tranh của những người yêu nước vẫn tiếp tục cháy âm ỉ, tạo tiền đề cho sự chuyển mình vào đầu thế kỷ XX.
Trong bối cảnh đó, Vĩnh Xuân đã trở thành một trong những chiếc nôi của cách mạng. Sự kiện nổi bật ghi dấu vùng đất lịch sử La Ghì- Vĩnh Xuân, đó là việc một số cán bộ chủ chốt của Vĩnh Xuân sang Bưng Lớn (Tam Ngãi), để cùng Quận ủy bàn bạc kế hoạch khởi nghĩa Cầu Kè, để sáng 15/8/1945, lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh được cắm trước nhà việc xã Vĩnh Xuân, trở thành một trong những nơi khởi nghĩa sớm nhất ở Nam Kỳ. Ngày 20/8/1945, Giồng La Ghì được chọn là điểm tập trung các làng kế cận, kéo đi cướp chính quyền ở quận, với lực lượng lên đến 6.000 người có trang bị vũ khí là súng, mã tấu, gậy tầm vông.
Và suốt 30 năm kháng chiến đầy máu lửa, vùng đất này đã góp nhiều công sức cho thắng lợi chung của cả nước. Vĩnh Xuân được phong tặng là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và có đến 26 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nỗ lực xây dựng quê hương mới
Hòa bình lập lại, nhân dân trên vùng đất cách mạng này lại tiếp tục tiếp nối truyền thống của cha anh, đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Bài toán phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được chi bộ ấp và chính quyền xã Vĩnh Xuân giải đáp bằng nhiều quyết sách đúng đắn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế như tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Mỗi người, mỗi nhà tùy theo sức của mình, bằng những việc làm thiết thực nhất cùng chung tay xây dựng quê hương.
Toàn xã Vĩnh Xuân có 9 ấp, mật độ dân số đông, có 3.391 hộ với 13.676 nhân khẩu. Trong đó, có 130 hộ dân tộc thiểu số, chiếm 3,8%. Năm 2011, xã có 632 hộ nghèo, chiếm 18,6%; trong đó, có 15 hộ nghèo Khmer, chiếm 0,4%; hộ nghèo phát sinh là 60 hộ, chiếm 1,8%. Hộ cận nghèo là 171 hộ, chiếm 5%. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xuân Trần Văn Sơn: “Thực hiện chương trình giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội, ngay từ đầu năm UBND xã đã thành lập BCĐ giảm nghèo, xây dựng kế hoạch, đề ra chỉ tiêu giảm nghèo năm 2012. Qua 6 tháng đầu năm, đã giảm được 41 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Nhìn chung, đa số các hộ thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách- Xã hội để chăn nuôi. Ngoài ra, nhờ được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, có chỗ ở ổn định nên họ yên tâm sản xuất”.
Đánh giá tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con ở ấp La Ghì, ông Nguyễn Hữu Có- Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xuân cho rằng: “Những năm qua, chi bộ và nhân dân ấp La Ghì đã ra sức phấn đấu phát triển kinh tế của địa phương. Trong ấp có 206ha đất nông nghiệp, đã chuyển đổi 45ha đất trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng cam sành mang lại hiệu quả kinh tế cao, thành lập 3 tổ hợp tác chăn nuôi và 1 tổ sản xuất lúa giống đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt”.
Với tất cả những nỗ lực đó, từ một ấp thuần nông, cơ sở hạ tầng thiếu thốn có đến một nửa số hộ trong ấp thuộc diện nghèo, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, năm 2009, La Ghì đã vươn lên trở thành ấp văn hóa theo tiêu chí mới và đang chuẩn bị đề nghị công nhận ấp văn hóa kiểu mẫu. Ấp không còn hộ đói, hộ nghèo giảm dần và hiện còn 10%. Số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng, với trên 200 hộ so tổng số 367 hộ trong toàn ấp, thu nhập bình quân của người dân trong ấp cũng được nâng lên trên 17 triệu đồng/người/năm. Con em trong ấp đều được học hành đến nơi đến chốn. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng được người dân ý thức thực hiện.
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin