Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của BCĐ Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương mới đây, giải pháp chống ngập cho các thị tứ một lần nữa được Vĩnh Long kiến nghị với Trung ương. Bởi đây là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, giúp Vĩnh Long ứng phó hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Dự án kè chống sạt lở khu vực thị
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của BCĐ Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương mới đây, giải pháp chống ngập cho các thị tứ một lần nữa được Vĩnh Long kiến nghị với Trung ương. Bởi đây là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, giúp Vĩnh Long ứng phó hiệu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Dự án kè chống sạt lở khu vực thị trấn Tam Bình cũng hướng đến mục tiêu đó.
Sông Mang Thít là tuyến thủy bộ quốc gia, có lưu lượng giao thông lớn.
|
Dự án kè chống sạt lở khu vực thị trấn Tam Bình là dự án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công trình bắt đầu từ vị trí hợp lưu giữa rạch Tam Bình và sông Mang Thít có tổng chiều dài toàn tuyến kè 3.244m.
Theo ông Lê Quốc Huy- chủ nhiệm dự án, trước tình hình diễn biến lũ lụt hàng năm ngày càng phức tạp, sự xói lở các khu vực bờ ven sông Mang Thít ngày càng trầm trọng đe dọa đến tính mạng, tài sản của nhân dân, uy hiếp đến sự an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật… Đây là lý do để triển khai dự án kè chống sạt lở khu vực thị trấn Tam Bình.
Hiện nay, tình hình thiên tai, trong đó lũ, lụt đang ngày càng khốc liệt và khó dự báo. Điển hình là các trận lũ lớn xảy ra năm 2011 gây thiệt hại lớn cả về người và của trong khu vực. Do đó công tác xây dựng tuyến đê, kè để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân là hết sức cần thiết.
Đoạn rạch Tam Bình có nhiều công trình dân cư kiên cố.
|
Sông Mang Thít là tuyến thủy bộ quốc gia, là nhánh sông phân chia 39% lưu lượng nước từ sông Tiền đổ về sông Hậu. Rạch Tam Bình đổ ra sông Mang Thít tại khu vực chợ càng làm cho chế độ dòng chảy phức tạp hơn. Hiện nay, tại vị trí hợp lưu của 2 sông đã tạo ra hố xói ăn sâu vào đới bờ khu vực chợ. Ngoài ra, sông Mang Thít là tuyến nối liền 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu của hệ thống sông Mekong, là trục giao thông thủy chính và quan trọng của ĐBSCL. Do đó mật độ lưu thông tàu thuyền rất lớn. Việc này tác động mạnh đến việc xói lở 2 bên bờ sông.
Ngoài ra, một số bến tàu, cầu cảng, bờ kè tạm của dân lấn ra phía lòng sông, làm lệch hướng dòng chảy gây ra các khu nước xoáy và là tác nhân gây xói lở bờ. Bên cạnh đó, còn có các tác nhân khác như việc neo đậu tàu, ghe, các tập quán sinh hoạt của người dân địa phương khai thác ảnh hưởng ít nhiều đến lớp đất ven bờ.
Bên cạnh đó, thị trấn Tam Bình là đơn vị hành chính trung tâm cả về kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Tam Bình. Là nơi tập trung hầu hết các cơ quan hành chính của huyện (phân bố dọc sông Mang Thít). Do đó việc xói lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kiến trúc, kiên cố trên bờ sông khu vực thị trấn cũng như hoạt động dân sinh trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Giao Chi- Trưởng Phòng Công thương huyện Tam Bình, từ năm 2002, UBND tỉnh đã ra quyết định về việc phê duyệt dự án kè chống sạt lở khu vực thị trấn Tam Bình. Tuy nhiên vì nguồn vốn còn hạn hẹp nên dự án chỉ triển khai được 298,7m; phần còn lại đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
Dự án khi triển khai sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho nhân dân trong khu vực ảnh hưởng, đảm bảo tính hài hòa với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển hạ tầng giao thông; góp phần đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân; thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các địa phương.
Báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho thấy nội ô các thị tứ hiện nay đang chịu sự tác động đáng kể do lũ, với độ ngập từ 15- 30cm, ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình giao thông, cơ quan, công sở, trường học, nhà dân,…
Ông Nguyễn Văn Nhân- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Hầu hết các thị tứ trong tỉnh đều nằm kề các tuyến sông lớn. Trong khi nền đất thấp, bờ sông sạt lở, cộng thêm nước lũ dâng cao đã khiến nhiều nội ô bị ngập. Do đó, bên cạnh việc kiên cố hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, việc đầu tư hệ thống kè chống sạt lở bờ sông được xem là giải pháp tối ưu để chống ngập cho các thị tứ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ đã kiến nghị Trung ương sớm triển khai dự án ứng phó nước biển dâng ở ĐBSCL, trong đó có các thị tứ các huyện và TP Vĩnh Long. Bởi, đây mới là giải pháp lâu dài trước tình trạng ngập lũ tại các thị tứ hiện nay. Mặc dù các địa phương đã và đang cố gắng khắc phục nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo an toàn và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng cần tính toán lại cao trình tại các công trình xây dựng cơ bản ở Vĩnh Long cho phù hợp hơn, bởi với cao trình hiện tại, các công trình không phát huy được hiệu quả ngăn lũ.
Bài, ảnh: QUANG SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin