Họ là những người từng ước mơ được “làm người đưa đò” hay do hoàn cảnh khó khăn chọn ngành sư phạm (SP) để gia đình đỡ nặng nề khoản học phí,… Trớ trêu thay, không ít bạn đến lúc ra trường lại không có đất dụng võ. Hiện nay, số sinh viên (SV) SP thất nghiệp ngày càng nhiều. Số phận của họ rồi biết đi về đâu?
Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nhiều SV vẫn không tránh khỏi hụt hẫng khi thất nghiệp. Ảnh minh họa.
Họ là những người từng ước mơ được “làm người đưa đò” hay do hoàn cảnh khó khăn chọn ngành sư phạm (SP) để gia đình đỡ nặng nề khoản học phí,… Trớ trêu thay, không ít bạn đến lúc ra trường lại không có đất dụng võ. Hiện nay, số sinh viên (SV) SP thất nghiệp ngày càng nhiều. Số phận của họ rồi biết đi về đâu?
Trở thành… lao động phổ thông
Nếu như nhiều năm trước đây ngành SP được xem là ổn định bởi đi học không đóng tiền học phí, ra trường được phân công và khỏi chạy đôn chạy đáo đi xin việc thì những năm gần đây lại lắm hẩm hiu. Một khi “cung” vượt “cầu” thì thất nghiệp là điều tất yếu. Thất chí vì ra trường đã lâu mà không được đi dạy, nhiều bạn chỉ còn biết ở nhà phụ giúp ruộng vườn hay đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp. Tốt nghiệp ra trường loại khá ngành SP Lý- tin nhưng mấy tháng nay, Thạch Hoài Phương (Tân Mỹ- Trà Ôn) cũng chỉ lẩn quẩn ở nhà vì chưa xin được việc. “Lúc còn đi học, Phương mê môn Lý lắm nên quyết định thi vào ngành SP. Học SP giúp gia đình nhẹ gánh hơn, với lại thời điểm Phương học đang thiếu giáo viên thì “chắc ăn” ra trường là có việc làm. Ai ngờ đâu…”- Phương lắc đầu ngao ngán.
Cùng chung cảnh ngộ với Phương, Thạch Thị Vàng (Đông Bình- Bình Minh) tốt nghiệp ngành SP Sinh cũng đang “rối như mớ bòng bong”. Năm học này, Sở GD- ĐT Vĩnh Long không có chỉ tiêu dành cho SP Sinh! “Cô giáo hụt” đành lủi thủi đi làm cho công ty thủy sản ở Cần Thơ. Công việc không cần trình độ nên cầm tấm bằng trên tay mà Vàng muốn khóc vì tiếc công đèn sách bao năm đại học. Tương lai với Vàng chỉ là “mong có chỗ đi dạy, chứ học ngành Sinh như mình biết ở đâu tuyển đây”. Vàng không kiềm được tiếng thở dài khi nghĩ đến cảnh nhà có 5 anh em, nhưng chỉ có Vàng được cha mẹ lo học đến nơi, đến chốn. Những mong tốt nghiệp ra trường có thể giúp đỡ gia đình, không ngờ… Nhìn ánh mắt buồn vì thất vọng của cha mẹ, Vàng không khỏi tủi “phải kiếm gì làm rồi… từ từ tìm việc khác”.
Là con trai trưởng trong gia đình 3 anh em, Nguyễn Thái Hưng (Long Hồ) tốt nghiệp SP Thể dục thể thao cũng “lao đao” khi chưa được nhận. Gia đình có sạp bán thịt bò nên trước mắt Hưng tiếp tục ở nhà phụ giúp cha mẹ. Lúc chưa biết kết quả, Hưng ở nhà vừa phụ buôn bán, vừa phụ việc đồng áng. Đến khi biết kết quả xét tuyển giáo viên rồi thì… “cũng ở nhà đi ruộng và bán thịt bò”. Trong 17 hồ sơ xin được dạy học ở các trường THPT trong tỉnh thì chỉ có 2 hồ sơ được chọn, Thái Hưng không ngờ “tỷ lệ chọi” để được làm giáo viên cũng cao như tỷ lệ chọi khi bạn thi vào đại học. Không thể đi dạy thêm, khó tìm việc nào chịu nhận mình, Hưng đành “đợi một thời gian nữa xem sao!”
Hay làm nghề tay trái
Chuyện làm nghề không đúng với chuyên môn, năng lực đã trở thành khá phổ biến hiện nay. Bởi, nhiều người cho rằng việc đang chọn người và một khi không được đi đúng ngành mình mong muốn thì… làm ngành gì cũng được miễn sao đảm bảo chuyện cơm áo gạo tiền. Nguyễn Thanh Tuấn (Bình Phước- Mang Thít) tốt nghiệp SP Thể dục thể thao hơn một năm nay nhưng vẫn chưa được đi dạy. Tuấn không còn nhớ nỗi mình đã nộp bao nhiêu hồ sơ vào các phòng, sở từ trong tỉnh cho đến ngoài tỉnh. Nhưng, đơn gửi đi nhiều mà hồi âm không thấy. Tuấn cho biết: Hơn một năm nay không xin được việc làm, Tuấn đăng ký làm trọng tài ở các giải đấu nhưng cũng mang tính chất “thời vụ”, tiền cũng chẳng được bao nhiêu. Đây chỉ là nghề tay trái, làm cho qua ngày qua tháng, đợi xem có ở nơi nào “a lô” không. Hiện tại Tuấn vẫn còn đang lông bông nay đây mai đó theo các trận đấu. Tuấn thở dài: “Bây giờ xin việc khó quá. Đến đâu người ta cũng nói hết chỉ tiêu, đợi thêm đi. Thời buổi bây giờ là việc chọn người chứ người không chọn được việc nữa”.
Trong năm học 2012- 2013, có 162 ứng viên nộp hồ sơ vào Sở GD- ĐT Vĩnh Long trong khi nhu cầu cần tuyển của hệ THPT trong tỉnh là 32 giáo viên. Các môn Sinh học, Vật lý, Giáo dục công dân không có nhu cầu tuyển thì có đến 23 hồ sơ. |
Còn rất nhiều SV SP đang chật vật khi không tìm được việc làm. Trong khi đó, các trường cao đẳng, đại học trong khu vực vẫn đang rầm rộ chiêu sinh các ngành SP. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cân nhắc giữa cung và cầu cho giáo dục cũng như nhiều ngành nghề khác?
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin